Các nhà khoa học đã phát hiện thấy một hành tinh mới giống Trái đất quay quanh ngôi sao lùn HD 40307 cách chúng ta 44 năm ánh sáng.
Hình ảnh minh hỏa siêu Trái đất HD 40307g quay quanh ngôi sao HD 40307. Ảnh: Photo: J. Pinfield, for RoPACS / University of Hertfordshire. |
Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế, thuộc trường đại học Hertfordshire (Anh) và trường đại học Goettingen (Đức), đã phát hiện một hành tinh mới nằm trong vùng có thể tồn tại sự sống quanh ngôi sao lùn lùn HD 40307 – cách Trái đất của chúng ta 44 năm ánh sáng.
“HD 40307 là một ngôi sao lùn lâu đời và hoàn toàn yên tĩnh, nên một hành tinh quay quanh nó điều kiện khí hậu giống Trái đất là một điều có thể giải thích”, tiến sĩ Guillem Angla-Escude thuộc trường đại học Goettingen và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên US Today.
Hành tinh mới HD 40307g, nằm cách ngôi sao mẹ ở khoảng cách 90 triệu km, được coi là một siêu Trái đất. Bởi vì đây là khoảng cách lý tưởng để nước ở dạng lỏng có thể tồn tại trên bề mặt của hành tinh – một trong những điều kiện cần thiết để sự sống giống trên Trái đất phát triển.
Khối lượng của hành tinh HD 40307g ít nhất gấp 7 lần so với khối lượng của Trái đất, trong khi ngôi sao HD 40307 có khối lượng tương đương 77% khối lượng của Mặt trời. Một năm của hành tinh HD 40307g tương đương 197,8 ngày trên hành tinh của chúng ta.
Hành tinh HD 40307g nằm ở khoảng cách lý đủ xa từ ngôi sao mẹ để nó có thể tự quay quanh trục thay vì có một mặt vĩnh viễn hướng về ngôi sao mẹ, giống như Mặt trăng quay quanh Trái đất. Điều này khiến nó có thời gian ban ngày và ban đêm tương tự như Trái đất.
Hà Hương