Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt chỉ tiêu về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Bệnh học đường là những bệnh liên quan đến lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Việc học sinh hiểu biết về bệnh học đường sẽ giúp trẻ bảo vệ sức khỏe và tinh thần tốt nhất.

Một trong các bệnh, tật học đường phổ biến hiện nay là gù, cong vẹo cột sống. PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết hiện nay cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Đáng chú ý, số trẻ em bị cong, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 đến 1% dân số.

Có đến 80-85% trường hợp bị cong, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi học sai tư thế lâu ngày, mang vác quá nặng, hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn…

Theo PGS Sơn, bệnh cần phát hiện sớm, nếu không can thiệp sẽ ảnh hưởng nặng nề sự phát triển của cột sống, gây ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến trẻ tự ti, khép mình. Nặng nề hơn, bệnh ảnh hưởng đến phổi (khiến trẻ dễ suy hô hấp), tim mạch, lồng ngực, hệ tiêu hóa...

Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng hơn, tránh được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi chất lượng cuộc sống của trẻ.

cong veo cot song.jpg
Thầy thuốc đánh giá khả năng phẫu thuật của một học sinh bị cong vẹo cột sống. Ảnh: V.Thu 

Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ cong vẹo cột sống không quá khó, nhất là khi trẻ biết ngồi, biết đi. Người lớn chỉ cần quan sát kỹ khi trẻ đứng, đặc biệt là khi tắm, vệ sinh cho trẻ.

- Trẻ ở tư thế đứng, nhìn từ phía sau, quan sát 2 vai có cân bằng hay không. Nếu vai cao, vai thấp là bất thường.

- Quan sát thân người có thẳng trục hay không, có dáng chữ S, chữ C; hai bên hông, 2 tay, 2 chân (khi bước đi) có bị lệch không.

- Nghiệm pháp ADAM: Trẻ đứng, đầu gối thẳng, người cúi về phía trước, tay đặt lên gối, trẻ cong vẹo cột sống thường có vai cao vai thấp tương đối rõ; Xuất hiện ụ gồ vùng lưng.  

- Thân mình, vùng lưng, thắt lưng trẻ có thể có đám da đổi màu (màu bã cà phê).  

Điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ khác người lớn

Theo PGS Sơn, điều này do đặc điểm giải phẫu sinh lý của trẻ là cột sống còn tiếp tục phát triển. Với người trưởng thành bị cong vẹo sẽ được nắn chỉnh, hàn xương để xương vẹo không phát triển nữa. Tuy nhiên, ở trẻ, nếu hàn xương cố định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển chung của cột sống, gây ra hội chứng phát triển lệch.

Xương trẻ phát triển nhanh, vì thế việc khám, theo dõi định kỳ 6 tháng/lần rất quan trọng. Trẻ phát hiện sớm, mức độ nhẹ, có thể điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi, tích cực tập vận động, đu xà, tích cực chơi thể thao, mặc áo chỉnh hình, tập phục hồi chức năng. Nặng hơn, trẻ sẽ được phẫu thuật nếu phù hợp.

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học sinh là ngồi học đúng tư thế, lưng thẳng, đầu ngẩng, không ngồi vẹo lệch sang một bên.

Bàn ghế phải có kích thước phù hợp với trẻ (không cao quá hoặc thấp quá), hạn chế cho trẻ mang vác những vật nặng, tập luyện thể thao với cường độ cao.. Ngoài ra cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để hệ xương của trẻ phát triển chắc khỏe. Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, bổ xung canxi bằng cách ăn cua, tôm, uống sữa phù hợp…

Minh An