Một xét nghiệm đơn giản bằng giấm đã giúp cắt giảm tới 1/3 số ca tử vong vì ung thư cổ tử cung ở phụ nữ nghèo tại Ấn Độ, theo một nghiên cứu mới được tiến hành tại các khu ổ chuột của đất nước này.


{keywords}

Usha Devi (bìa phải) đã được cứu mạng nhờ phương pháp xét nghiệm bằng giấm giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Ảnh: AP

Nhận xét về báo cáo nghiên cứu trên tại một hội nghị ung thư tại Chicago (Mỹ), các chuyên gia nói kết quả thu được "rất đáng kinh ngạc". Họ nhận định, loại xét nghiệm ung thư cổ tử cung bằng giấm vừa rẻ tiền, vừa nhanh chóng và có thể cứu sống hàng chục ngàn phụ nữ mỗi năm ở các nước đang phát triển nhờ phát hiện những dấu hiệu ưng thư sớm, tạo điều kiện cho việc chữa trị trước khi quá muộn.

Các xét nghiệm phết mỏng cổ tử cung (Pap smear) và HPV - loại virus gây ra hầu hết các ca ung thư cổ tử cung, đã giúp cắt giảm vô số trường hợp mắc bệnh và tử vong ở Mỹ. Tuy nhiên, các quốc gia nghèo không đủ khả năng để trang bị đầy đủ những công cụ soi khám hiện đại này.

Trước thực tế đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm một dạng xét nghiệm vô cùng rẻ tiền và có thể do người dân địa phương tự tiến hành với chỉ 2 tuần đào tạo và không cần bất cứ dụng cụ phòng thí nghiệm nào. Họ đã dùng miếng gạc thấm giấm pha loãng lau cổ tử cung, việc làm có thể biến các tế bào bất thường chuyển màu trong thời gian ngắn.

Nghiên cứu đã bắt đầu từ năm 1998 với 75.360 phụ nữ được xét nghiệm bằng giấm cứ 2 năm một lần. Thêm 76.178 phụ nữ được chọn tham gia nhóm đối chiếu, trong đó họ được giảng giải về kiến thức ung thư ở đầu nghiên cứu và được xét nghiệm Pap miễn phí. Bất kỳ phụ nữ nào trong 2 nhóm trên được phát hiện bị ung thư cũng sẽ được chữa trị miễn phí tại bệnh viện.

Kết quả cho thấy, khả năng phát hiện ung thư cổ tử cung nhờ xét nghiệm bằng giấm tương đương với việc khám phụ khoa tại các cơ sở y tế. Cách xét nghiệm đơn bằng giấm đã giúp cắt giảm 31% tỉ lệ tử vong vì ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu ước tính, nó có khả năng giúp cứu mạng 22.000 người ở Ấn Độ và 72.600 người mỗi năm trên khắp thế giới.

Usha Devi, ngoài 40 tuổi là một trong nhiều phụ nữ ở Ấn Độ - nước có số trường hợp ung thư cổ tử cung chiếm tới 1/3 thế giới - đã được hưởng lợi từ phương pháp xét nghiệm mới trên. Cô kể đã sinh 4 đứa con và chưa từng đi khám phụ khoa. Cô từng bị chảy máu rất nghiêm trọng trong nhiều năm nhưng do nghèo, không có tiền đi khám chữa nên hy vọng sự kiên nhẫn và những lời cầu nguyện có thể giúp bản thân vượt qua tình trạng bất lợi.

Một ngày nọ, cô đã nhận được một chiếc thẻ do các nhân viên y tế phân phát nhằm thuyết phục phụ nữ tham gia nghiên cứu về phương pháp xét nghiệm bằng giấm. Rốt cuộc, cô phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung tiến triển. Các tác giả nghiên cứu đã tài trợ cho cô phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cổ tử cung để giữ lại mạng sống.

Cả thế giới đang nỗ lực chống lại căn bệnh ung thư cổ tử cung - một trong những căn bệnh ung thư gây ra số ca tử vong nhiều nhất ở phụ nữ. Các bệnh nhân đang có thêm hy vọng khi tháng trước, hai hãng dược phẩm lớn tuyên bố sẽ giảm đáng kể giá của các vắc-xin phòng ngừa HPV dành cho những nước nghèo. Các dự án thử nghiệm sẽ bắt đầu ở châu Á và chây Phi với mục tiêu tiêm chủng cho hơn 30 triệu cô gái ở hơn 40 quốc gia vào năm 2020.

Tuấn Anh (Theo AP)