Trong hơn 35 năm đổi mới, tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến đa chiều, phức tạp. Ở trong nước, về kinh tế, đó là sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự phát triển của kinh tế tri thức; về xã hội, đó là sự chuyển đổi từng bước từ xã hội truyền thống nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại.
Về bối cảnh quốc tế, là xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ cùng nhiều thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống... Trong bối cảnh đó, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã có những biến đổi lớn. Một bộ phận có xu hướng chuyển từ đề cao các giá trị tinh thần, đạo đức sang đề cao các giá trị vật chất, kinh tế; xu hướng coi trọng các giá trị tình cảm sang coi trọng giá trị pháp lý; xu hướng dựa vào tập thể, đề cao cộng đồng chuyển sang khẳng định cái tôi, giá trị tài năng cá nhân; xu hướng tôn trọng kinh nghiệm, trọng lão sang đề cao tri thức khoa học, trọng tài năng, thực lực; xu hướng trọng tĩnh chuyển sang trọng động (trọng năng động, ưa đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập); xu hướng sống theo tôn ti, trật tự chuyển sang đòi hỏi cuộc sống tự do, bình đẳng...
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định 5 giá trị bền vững, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam với 4 đặc trưng là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; chăm lo xây dựng con người với 7 đặc tính cơ bản là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Có thể thấy, cùng với sự biến đổi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa Việt Nam cũng có những biến đổi lớn, song các giá trị truyền thống, cốt lõi, như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết... đã được định hình trong lịch sử và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được gìn giữ, phát huy. Văn hóa tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, “là nền tảng tinh thần xã hội”, là “mục tiêu và động lực” trong xây dựng và phát triển đất nước, góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc trong bối cảnh mới.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định những quan điểm cơ bản, như văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết chỉ rõ đặc điểm của nền văn hóa mà đất nước ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Yếu tố “tiên tiến” ở đây bao hàm cả giá trị yêu nước và tiến bộ, trong đó, cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Bản sắc dân tộc được Nghị quyết xác định bao gồm những giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Nghị quyết cũng xác định nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng. Tính thống nhất và tính đa dạng phản ánh sâu sắc mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc (quốc gia) Việt Nam và sắc thái văn hóa các dân tộc (tộc người), văn hóa địa phương. Bản sắc văn hóa kết tinh ở hệ giá trị văn hóa dân tộc (quốc gia), thấm sâu vào mọi hoạt động vật chất, tinh thần, phong tục, tập quán, sinh hoạt cá nhân, mang diện mạo, trí tuệ, tâm hồn, phong cách của các dân tộc hay cộng đồng quốc gia - dân tộc và được tiếp nối, phát huy, phát triển trong các thời kỳ lịch sử. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Các dân tộc trên lãnh thổ nước ta dù tiếng nói, phong tục, tập quán khác nhau, nhưng đều là những bộ phận của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam, cùng chung lưng đấu cật, đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa để dựng nước và giữ nước.
Như vậy, có thể thấy, quan điểm “nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” là tư tưởng tiến bộ và nhân văn, phù hợp với thực tiễn xây dựng và phát triển của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và xu thế chung của cộng đồng quốc tế đang hướng tới với sự đa dạng văn hóa. Do đó, bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam là một nội dung cơ bản của xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đình Thành, Minh Hưng, Lê Thúy