Đường dây nóng 111 là kênh tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán, thường trực 24/7, miễn phí đối với người gọi. Hiện, số cuộc gọi của người dân đến Tổng đài 111 ngày càng nhiều hơn.

Từ khi thành lập đến nay, Tổng đài 111 đã thể hiện được vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa mua bán người.

6 tháng đầu năm 2021, Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tiếp nhận 1.020 cuộc gọi. Trong đó, có 854 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 147 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 19 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.

{keywords}
Lễ ký cam kết liên ngành trong tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. 

Đối tượng gọi đến Tổng đài phần lớn là người dân (85,3%); tiếp đó là người thân, bạn bè của nạn nhân bị mua bán (9,6%); các cán bộ địa phương, cơ quan báo chí trao đổi những thông tin liên quan đến phòng chống mua bán người (3,1%). Có 2% người gọi tới Tổng đài là nạn nhân của mua bán người.

Nhóm từ 26 - 40 tuổi có số cuộc gọi đến cao nhất, chiếm 53% trên tổng cuộc gọi đến. Nhóm thứ hai là nhóm người trên 40 tuổi, chiếm 27,6%. Nhóm thứ ba là trẻ em từ 11 - 14 tuổi, chiếm 5,9%. Nhóm tuổi từ 19 - 25 tuổi chiếm 5,4%. Nhóm trẻ em từ 15-18 tuổi chiếm 4,3% và nhóm trẻ từ 0-10 tuổi chiếm 3,8%.

Tỷ lệ nam giới gọi đến cao hơn nữ (nam chiếm 62,7%, nữ chiếm 37,3%). Sự chệnh lệch giữa nam và nữ không khác biệt nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (60,7% nam và 39,3% nữ).

Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực đồng bằng sông Hồng, chiếm tỷ lệ 32,4% trong tổng số cuộc gọi đến Đường dây nóng; các tỉnh Đông Nam bộ chiếm 15,5%; các tỉnh vùng Đông Bắc với 13,6%; vùng Tây Bắc với 10,3%; đồng bằng sông Cửu Long với 8,5%; khu vực Nam Trung Bộ 8,4%; các tỉnh khu vực Tây Nguyên với 6,6%; các tỉnh Bắc Trung Bộ có số cuộc gọi tới đường dây nóng ít nhất chiếm 4,7%.

Đường dây nóng tiếp nhận 147 cuộc gọi tư vấn liên quan đến vấn đề phòng chống mua bán người chiếm 14,4% trong tổng cuộc gọi đến với nội dung tư vấn chủ yếu là tư vấn về phòng chống mua bán người, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân…

Số lượng cuộc gọi chuyển tuyến 6 tháng đầu năm 2021 là 19 trường hợp với 28 nạn nhân. Trong đó có 04 nạn nhân là nam (chiếm 14,3%), 24 nạn nhân là nữ (chiếm 85,7%); 26 nạn nhân là người dân tộc Kinh (chiếm 92,9%), 02 nạn nhân là người dân tộc thiểu số (Thái và Mông) (chiếm 7,1%).

Có 21 nạn nhân bị mua bán ở trong nước (chiếm 75%), 07 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, chiếm 25% (trong đó có 06 trường hợp bị mua bán sang Trung Quốc, 01 trường hợp sang Singapore).

Có 05 trường hợp chuyển tuyến sang tổ chức phi Chính phủ, 10 trường hợp chuyển tuyến sang công an; 08 trường hợp chuyển tuyến đến ngành lao động, thương binh và xã hội; 02 trường hợp chuyển tuyến đến bộ đội biên phòng; 01 trường hợp chuyển tuyến đến Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Loại hình mua bán người: có 05 ca về kết hôn bất hợp pháp; 05 ca nhằm khai thác tình dục; 05 ca về bóc lột sức lao động; 01 nghi ngờ bị bắt cóc và 03 ca chưa xác định được.

Đặc biệt, có 03 trường hợp nạn nhân được giải cứu an toàn, 05 trường hợp người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý, pháp lý; 04 trường hợp xác minh không phải nạn nhân của mua bán người, 07 trường hợp đang trong quá trình theo dõi.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất, 9 tháng đầu năm 2021, Đường dây nóng tiếp nhận 2.129 cuộc gọi, trong đó:1.830 cuộc gọi cung cấp thông tin, 274 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, 25 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.

Giai đoạn 2021 - 2025, Đường dây nóng 111 sẽ tiếp tục đồng hành, chung tay cùng Đảng, Chính phủ, cơ quan ban ngành, lực lượng chức năng, tổ chức chính trị - xã hội ngăn chặn, giảm thiểu nạn mua bán người.

Diệu Bình