Joseph S. Nye, chính trị gia, nhà nghiên cứu người Mỹ, định nghĩa rằng “quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo do sự hấp dẫn, thuyết phục chứ không phải do cưỡng bức, ép buộc”. Ông tổng kết rằng sức mạnh mềm của một quốc gia được tạo dựng trên 3 cơ sở: giá trị thể chế, chính sách đối nội, đối ngoại và giá trị văn hóa.

Đối với Việt Nam, sức mạnh mềm xuất phát từ những giá trị tự thân của đất nước như lịch sử, truyền thống, văn hóa, tư tưởng nhân văn, hệ thống quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan... và sự bồi đắp, quan tâm, phát huy thông qua chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như ý thức, hành động của mỗi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

{keywords}
Một góc thành phố Hồ Chí Minh

Theo ông Mai Phan Dũng (Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao), nguồn tạo ra sức mạnh mềm của Việt Nam có một số đặc điểm nổi bật sau:

Trước tiên, do vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam được coi là cây cầu nối giữa phần lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, là cửa ngõ giao thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhưng cũng chính vì vị trí địa lý này khiến Việt Nam luôn phải gồng mình chống giặc ngoại xâm.

Thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, dân tộc Việt Nam càng coi trọng giá trị của hòa bình, luôn tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh để chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, khi đứng trước kẻ thù lớn mạnh, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, bất khuất. Sự sáng tạo trong nghệ thuật dụng binh và ngoại giao tài tình đã tạo nên những chiến thắng vẻ vang trong trang sử hào hùng của dân tộc.

Điều thú vị là sau những chiến thắng, dân tộc ta luôn độ lượng, khoan dung với kẻ bại trận, sau đó sẵn sàng kết giao hòa hiếu, gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đây là lý tưởng cao quý mà thế giới ngày nay đang cùng nhau vươn tới.

Hai là, trong suốt quá trình lịch sử, cũng do vị trí địa lý là điểm kết nối “Bắc xuống Nam và Tây sang Đông” mà văn hóa Việt Nam có sự giao thoa và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa lớn, trong đó có văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây.

Tuy vậy, dân tộc Việt Nam vẫn bảo vệ, giữ gìn được bản sắc truyền thống, khéo léo tiếp thu chọn lọc, biến tinh hoa văn hóa bên ngoài phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của mình, do vậy đã tránh được sự đồng hóa của các nền văn hóa lớn. Nho giáo, Khổng giáo, Phật giáo, Kito giáo, Hồi giáo... khi du nhập vào Việt Nam đã được tiếp biến, hướng con người suy nghĩ, hành động theo giá trị chân, thiện, mỹ.

Thứ ba, mặc dù lãnh thổ Việt Nam không quá lớn nhưng lại có nhiều địa hình, địa lý đa dạng, là nơi chung sống của 54 dân tộc anh em. Chính điều này đã tạo ra sự phong phú về ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, các loại hình biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt tín ngưỡng… Sự phong phú, đa dạng này đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu và đầy sức cuốn hút của dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, với chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và chinh phục, cải tạo thiên nhiên, dân tộc Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống quan niệm, tư tưởng về nhân sinh quan, thế giới quan với những nét tiêu biểu là mối quan hệ hài hòa, tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên... Đó cũng  chính là các nhân tố tạo dựng nên người Việt Nam hiện đại với những đức tính cần cù, sáng tạo, dung dị nhưng sâu sắc, yêu lao động, yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường. 

Trong bối cảnh hiện nay, phát huy giá trị tự thân của đất nước vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Hồng Hạnh