Nà Hẩu là địa phương có diện tích rừng tự nhiên đặc dụng tương đối lớn, với gần 5.000 ha. Những năm qua, rừng luôn là nguồn sống, che chở cho đồng bào dân tộc Mông trong xã. 

Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tự nhiên 5.640ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500ha, là nơi lưu giữ được một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của 484 hộ dân với trên 2.490 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm 99%.

Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, toàn dân tham gia bảo vệ rừng, UBND xã Nà Hẩu đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu giao khoán quản lý bảo vệ trên 3.700ha rừng tự nhiên, rừng đặc dụng cho 3 thôn trên địa bàn xã. Qua đó nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

W-anhn226hu.png
Một góc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nhìn từ trên cao

Với người dân ở Nà Hẩu, việc giữ rừng giống như giữ nhà của mình. Lễ hội “Tết Rừng” của người Mông ở đây là một trong những nghi lễ truyền thống tốt đẹp. Theo quan niệm của người Mông Nà Hẩu, rừng là tất cả, là nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.

Hằng năm, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng, đồng bào tổ chức Lễ hội cúng rừng còn được gọi là “Tết rừng”. Tết rừng được xây dựng dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân no ấm hạnh phúc. 

Đây là nghi lễ truyền thống gắn con người với thiên nhiên, mang giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Đặc biệt, lễ hội cúng rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết của thôn bản về công tác bảo vệ rừng, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã. Việc thực hiện hương ước, quy ước về bảo vệ rừng đầu nguồn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ rừng nguyên sinh Nà Hẩu.

Nhờ đó, trong nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu không bị tàn phá, không để xảy ra cháy rừng. 

Đây là cơ sở để xã Nà Hẩu đang được huyện Văn Yên tập trung xây dựng trở thành xã du lịch trọng điểm của huyện. Lễ hội là dịp quảng bá ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của cánh rừng nguyên sinh, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra, từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển như mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Lê Thúy và nhóm PV, BTV