VIDEO TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: 

Kính thưa quý vị:

Là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những biến đổi, thăng trầm, Việt Nam chúng ta đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc.

Văn kiện Đại hội 13 của Đảng khẳng định: "Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".

Thuật ngữ "sức mạnh mềm" về văn hóa lần đầu tiên được xuất hiện trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng. Theo đó, khi đề cập đến việc "phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam", văn kiện khẳng định các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Làm thế nào để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Báo VietNamNet tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”. 

Xin trân trọng giới thiệu hai khách mời:

- Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ 

- Chuyên gia quản trị văn hoá Nguyễn Đình Thành

Xin cảm ơn hai khách mời đã nhận lời tham dự cuộc tọa đàm hôm nay.

W--tt-8297-1.jpg
Chuyên gia quản trị văn hoá Nguyễn Đình Thành

Thưa chuyên gia Nguyễn Đình Thành, khái niệm sức mạnh mềm nên hiểu như thế nào và sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được biểu đạt được những khía cạnh như thế nào, thưa ông? 

Trong ngoại giao quốc tế, khái niệm sức mạnh mềm khá phổ biến. Theo đó, một quốc gia bằng văn hóa của mình có thể làm cho các quốc gia hoặc các cộng đồng khác hành xử theo cách nào đó mà quốc gia ban đầu này mong muốn. Nó đối chọi với sức mạnh cứng nhiều khi là sự đe dọa quân sự hay là bằng vũ khí. Sức mạnh mềm càng ngày càng được các quốc gia chú trọng, bởi vì nó có thể ít tốn kém hơn, lại hiệu quả hơn và cũng như tránh gây ra các cuộc xung đột trong các quan hệ ngoại giao. 

Ở góc độ Việt Nam, tôi thấy rằng Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến câu chuyện củng cố sức mạnh mềm của Việt Nam. Nó được thể hiện qua nhiều các hoạt động ngoại giao, hoạt động mở mang văn hóa Việt ra những cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; từ chuyện dạy tiếng Việt, hay các trung tâm nói Việt; hoạt động của các đoàn nghệ thuật hay những trao đổi về học thuật. Qua đó, người ta nhìn thấy hình ảnh của một đất nước Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, người ta cũng hiểu hơn về các giá trị của Việt Nam để rồi điều này tác động tích cực đến nhiều các hoạt động mang tính chất ngoại giao giữa Việt Nam và các nước khác.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ: Xin hoàn toàn nhất trí với phân tích của chuyên gia Thành, bản thân qua quan sát tôi thấy rằng sức mạnh mềm văn hóa, đó chính là sự ảnh hưởng, là uy tín của một quốc gia có được từ các quốc gia khác xuất phát từ nguồn lực văn hóa của họ. Nguồn lực văn hóa đó được thực xây dựng trên rất nhiều yếu tố yếu tố văn hóa, văn hóa tự nhiên và văn hóa phi vật thể, đặc biệt là con người. 

Như vậy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam biểu đạt ở những khía cạnh cụ thể như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia quản trị văn hoá Nguyễn Đình Thành: Sức mạnh mềm có thể thể hiện qua việc số lượng người sử dụng ngôn ngữ của một quốc gia, hay ảnh hưởng của nước đó thông qua điện ảnh, nghệ thuật, thông qua các hoạt động khác nữa. Ví dụ như chúng ta nhìn vào đất nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản chẳng hạn. Mỗi khi có một triển lãm về nghệ thuật của Nhật Bản, Hàn Quốc thì thu hút sự chú ý đặc biệt ở các nước khác. Hay là Hàn Quốc, đầu tiên là điện ảnh và sau đó là lĩnh vực âm nhạc. Bây giờ mỗi khi tổ chức một hoạt động về văn hóa nghệ thuật nào đó của Hàn Quốc ở bất cứ một quốc gia nào đều thu hút được sự chú ý rất lớn của công chúng. Qua đó, người ta hiểu đất nước, con người tiến tới muốn làm ăn, giao dịch với Hàn Quốc và Nhật Bản hơn.

Cũng theo hướng thế này chúng ta nhìn thấy có những bộ phim của Việt Nam đã được trình chiếu trong các liên hoan phim và đạt giải cao. Ví dụ vừa qua có phim "Bên trong vỏ kén vàng" của Phạm Thiên Ân, là phim Việt thắng Camera d'Or - giải lớn vinh danh tác phẩm đầu tay ở LHP Cannes 2023. Trước đó phim của đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đạt thành tựu lớn. Anh ấy là người Pháp gốc Việt, nhưng hình ảnh Việt Nam và cái chất Việt Nam đã thể hiện rất rõ qua các tác phẩm của anh. Qua đó làm cho công chúng biết đến Việt Nam nhiều hơn. Chúng ta thấy trên Netflix cũng có những bộ phim của Việt Nam trình chiếu và lọt vào top những bộ phim được nhiều người xem…

Sức mạnh mềm phải cần có thời gian, có quá trình, không thể nói ngay là hiện nay sức mạnh mềm của Việt Nam đang ở mức độ bao nhiêu theo kiểu định lượng. Tuy nhiên sự hiện diện của chúng ta rõ ràng đang ngày càng mạnh mẽ và không phải chỉ thông qua các hoạt động về văn hóa nghệ thuật mà còn thông qua các hoạt động kinh doanh chẳng hạn. Tôi nghĩ đến đến sự hiện diện của Viettel qua các liên doanh ở các nước Đông Nam Á, Châu Phi, Nam Mỹ. Kênh Discovery cũng làm một phóng sự về sự hiện diện của Tập đoàn Viettel và văn hóa doanh nghiệp theo kiểu Việt Nam ở một nước Châu Phi hay Nam Mỹ. Như thế nhiều người sẽ biết đến sẽ dễ làm việc với Việt Nam hơn. Hoặc là những hoạt động của các tập đoàn như FPT ở Trung Cận Đông hay rất nhiều nước khác trên thế giới. Gần đây FPT có cả một trung tâm thu hút nhân tài tại Trung Quốc và tại Philippines để thu hút người bản địa đến làm việc cho một tập đoàn quốc tế có nguồn gốc từ Việt Nam…

Tất cả việc này đã tăng cường thêm sức mạnh mềm của Việt Nam cũng như nâng cao sự hiểu biết của thế giới về Việt Nam. 

VIDEO: Giữ gìn tiếng nói, chữ viết - linh hồn của đồng bào dân tộc Ê Đê

Chúng ta thường nói, trải qua quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, Việt Nam là nước giàu tài nguyên văn hóa. Vậy tài nguyên văn hóa nói chung hiểu ra sao, và tài nguyên văn hóa Việt Nam giàu có như thế nào, thưa Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ?

Tôi nghĩ không chỉ Việt Nam mà các đất nước đều có cái tài nguyên văn hóa của mình, đều phong phú ở mức độ khác nhau. Việt Nam có tài nguyên văn hóa thật sự rất phong phú, giàu có và đa dạng bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, đó là lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và đặc biệt là giữ nước. Quá trình giữ nước tạo nên cái cốt cách của người Việt Nam, bản lĩnh của người Việt Nam, sự dũng cảm, kiên cường và cả tính nhân hậu, vị tha. Đó là giá trị văn hóa rất lớn. Chúng ta có truyền thống văn hóa rất phong phú của 53 dân tộc Việt Nam và rất nhiều giá trị văn hóa, các môn nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Chúng ta có thiên nhiên cũng rất phong phú.

Việt Nam hiện nay là một đất nước đang trỗi dậy rất mạnh mẽ và như anh Thành nói, tài nguyên văn hóa của chúng ta đấy chính là sự trỗi dậy của các doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam, làm cho Việt Nam có sức thu hút nhiều hơn. Chính vì thế mà cái số lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng ngày càng đông, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp đến kinh doanh làm ăn ở Việt Nam và cũng có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài, tạo được hình ảnh một Việt Nam năng động, hiện đại, mở cửa, bắt nhịp với sự đi lên, vận hành và thay đổi của thế giới.

Theo chuyên gia quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành, với tài nguyên văn hóa đã có, chúng ta đã thực sự khai thác một cách đúng đắn và phát huy tiềm năng, lợi thế này chưa?

Chúng ta rất may mắn là có một đất nước tài nguyên rất phong phú về mọi mặt và văn hóa cũng như vậy. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa được thừa nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tức là cả nhân loại cùng gìn giữ. Việt Nam cũng có rất nhiều khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên mà chúng ta đang gìn giữ cho cả thế giới. 

Chúng ta đã khai thác tốt chưa? Câu trả lời là người ta luôn luôn có thể làm tốt hơn những gì chúng ta nhìn thấy. Ví dụ câu chuyện hoa văn từ thời Đông Sơn xuất hiện trong thời trang, sản phẩm lưu niệm tại Việt Nam. Và đến này không phải chỉ người Việt Nam khai thác mà còn nhiều thương hiệu quốc tế cũng đang khai thác, từ đó góp phần lan tỏa hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài. Như hãng đồng hồ cao cấp Speake Marin của Thụy Sĩ trình làng mẫu đồng hồ Đông Sơn dành riêng cho thị trường Việt Nam với giá rất cao. Đây là câu chuyện một nét đẹp đặc sắc của văn hóa Việt Nam đã được xuất khẩu như vậy. Một chiếc đồng hồ hay xe hơi siêu cao cấp, bút viết, điện thoại… sử dụng hình ảnh Việt Nam đều cho thấy các thương hiệu nước ngoài rất chú trọng khai thác và khai thác có hiệu quả.

Hoặc thương hiệu Hanoia chẳng hạn. Đây là một thương hiệu do người Việt tạo dựng với sự giúp đỡ của rất nhiều nhà thiết kế trên thế giới. Những nét đẹp văn hóa của Việt Nam đã hiện diện trên các sản phẩm sơn mài chất lượng cao, bán giá rất cao cho khách du lịch quốc tế hay những người sưu tầm quốc tế… Nghĩa là nét đẹp văn hóa Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài một cách có giá trị.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu nổi bật. Họ tìm đến và đào bới tài nguyên văn hóa Việt Nam. Ví dụ một hộp cà phê đến từ Việt Nam, đâu đó sẽ có hình cao nguyên Lang Biang, đâu đó sẽ có hình của cây kơ nia, đâu đó sẽ có những hoa văn thổ cẩm… hay sản phẩm chè cũng vậy. Nghĩa là xuất khẩu sản phẩm và văn hóa hòa quyện, hỗ trợ nhau. Chúng ta cũng hy vọng rằng ngày càng có nhiều thương hiệu Việt Nam xuất khẩu thành công thì nét đẹp văn hóa Việt Nam càng lan tỏa hơn. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn dựa trên văn hóa Việt Nam để tìm điểm khác biệt. Vì thế giới càng phát triển thì người ta lại càng muốn có sự riêng biệt và văn hóa làm nên sự riêng biệt và tạo ra sự hấp dẫn trên thị trường cũng như là giúp chúng ta xuất khẩu và tăng cường sức mạnh văn hóa của mình.

Một trong những nội dung quan trọng của định hướng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được Đại hội 13 của Đảng đề ra là “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Vậy theo ông, chúng ta đã thực sự có công nghiệp văn hóa chưa? 

Ông Nguyễn Đình Thành: Chúng ta có một nền công nghiệp văn hóa rồi nhưng ở mức độ nào thì cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa. Bởi vì nói đến công nghiệp là phải có quy trình, phải rất bài bản, phải có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Chúng ta rõ ràng mong muốn xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Chúng ta trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như là điện ảnh, cũng có thể nói vận hành giống một nền công nghiệp. Tức là có công ty sản xuất, công ty phát hành phim, công ty quảng cáo và công ty chuyên về con người, hoặc công ty khai thác các giá trị từ một bộ phim. Nghĩa là làm việc rất chuyên nghiệp, từng khâu và kết nối nhuần nhuyễn. 

Trong lĩnh vực âm nhạc có những nhà sản xuất, người viết nhạc, người quảng bá, đại diện thương hiệu… hay trong lĩnh vực bảo tàng chúng ta cũng có rất nhiều chuyên gia nhưng thành công nghiệp văn hóa thì có lẽ chúng ta vẫn phải phát triển thêm nữa. Có công nghiệp văn hóa nhưng nó không đồng đều giữa các ngành, các cấp khác nhau, và sẽ phát triển nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta đã có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa nhưng điều cần thiết là làm sao phải có sự kết hợp công tư một cách nhịp nhàng, phải có những đại công trường để thu hút sự chú của xã hội thì qua đó mới đẩy nhanh được quá trình hình thành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Chúng ta có thể học mà nhiều nước, ví dụ như Mỹ đã phát triển công nghiệp văn hóa cùng với thời làm các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ 3, lần thứ tư. Những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản dù đi sau cũng đã có công nghiệp văn hóa, làm xuất khẩu văn hóa rất bài bản. Thực sự họ đã công phá và lan tỏa được sức mạnh văn hóa đất nước thông qua việc tổ chức thành những nền công nghiệp. Mức độ phát triển công nghiệp văn hóa của chúng ta chưa làm được như vậy. Tôi tin rằng phải có những đại công trường, nơi có nhà nước, nhà đầu tư cá nhân cùng nhau góp sức làm để tạo ra một sức đẩy lớn cho xã hội. Nếu chỉ riêng từng ngành sẽ phát triển nhỏ lẻ, không đồng hành cùng nhau, sẽ gây lãng phí nguồn lực hoặc không tạo ra sự đồng bộ, không tạo ra sự cộng hưởng thì không được đạt được sức mạnh cao nhất.

Thực tế vừa nêu trên cho thấy, nếu được đầu tư đúng đắn thì văn hóa mang lại giá trị kinh tế rất lớn, thậm chí trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Là một nhà ngoại giao lâu năm, hoạt động ở những cường quốc văn hóa, cường quốc về du lịch như Pháp, Italia, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ có chia sẻ thế nào?

Pháp đúng là cường quốc về văn hóa và thực sự đúng như anh Thành vừa nói, họ có nền công nghiệp văn hóa thật sự. Thống kê vào khoảng 2021-2022, công nghiệp văn hóa Pháp đóng góp khoảng 90 tỷ Euro cho nền kinh tế. Công nghiệp văn hóa Pháp có rất nhiều lĩnh vực từ điện ảnh, sách, âm nhạc, du lịch… 

Để làm được điều này, họ có rất nhiều công cụ. Đơn thuần là câu chuyện tổ chức quảng bá lễ hội. Pháp có hàng trăm lễ hội. Họ tạo ra những lễ hội như lễ hội âm nhạc, âm nhạc đường phố. Rồi điện ảnh, festival Cannes rất nổi tiếng, rồi lễ hội ánh sáng của Lyon thu hút hàng triệu người. Họ tạo ra các sự kiện, ví dụ chương trình Paris Plage - Bãi biển mùa hè Paris, biến sông Seine thành bãi biển, thành một khu nghỉ mát thực thụ. Rồi số lượng các di sản được UNESCO công nhận có lẽ ở Pháp và Italia là nhiều nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà Pháp và Italia đón nhiều khách du lịch nhất thế giới. Số du khách còn đông hơn cả dân số, khoảng 80 – 90 triệu du khách/năm. Để làm được điều này, rõ ràng trong nước phải có hạ tầng văn hóa, hạ tầng du lịch rất lớn với những cách làm đa dạng, phong phú để thu hút du khách, từ đó quảng bá văn hóa của họ ra bên ngoài. 

Còn chuyên gia quản trị Nguyễn Đình Thành chia sẻ thế nào? 

Pháp phát triển công nghiệp văn hóa rất sâu, rất lâu như chị Huệ chia sẻ. Chúng ta nhìn thấy các festival đâu phải chỉ thu hút người đến mà còn khiến họ tiêu dùng, đi chơi, mua sắm đồ lưu niệm. Và Pháp rất chú ý điều này, nhìn đâu cũng có thể tạo ra giá trị cụ thể. Ví dụ một trong những nơi mà nhiều người thăm nhất ở nước Pháp thì là các nghĩa trang. Nghĩa trang Père Lachaise ở Paris có 14 cách để thăm nghĩa trang.

Từ nghĩa trang, bờ sông bờ kè, bảo tàng… tất cả những gì có trên đời người ta muốn xem thì nước Pháp có, và có ở mức độ công nghiệp từ cơ sở hạ tầng, đường sá, hướng dẫn viên, sản xuất đồ lưu niệm, bảo hành bảo hiểm… tất cả liên thông với nhau, tạo ra sức hút lớn cho đất nước.

Ngay tại Việt Nam gần đây cũng có một câu chuyện làm nức lòng những người làm di sản. Đó chính là tour thăm quan nhà tù Hỏa Lò với một ekip làm rất trẻ. Các bạn truyền thông theo cách người trẻ thích và muốn, thậm chí phải xếp hàng hai tháng mới đến lượt… Chúng ta đã làm được nhưng cần nhân thêm mô hình này. Chúng ta cũng đang cố gắng để đa dạng các sản phẩm văn hóa, dù trong quá trình làm sẽ phải thử, sẽ có sai và bắt buộc phải có điều chỉnh. 

W--tt-8403-1.jpg
Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ: Tôi xin quay lại một chút về những kinh nghiệm và những biện pháp mà các bạn Pháp, hay các cường quốc văn hóa đã làm. Chỉ ngay ở Hà Nội thôi, ta sẽ thấy các sứ quán đang triển khai văn hóa, ngoại giao văn hóa, xây dựng sức mạnh mềm một cách tích cực và năng động. Ví dụ Italia có ngày Design Day tại Việt Nam, không chỉ có thiết kế quần áo trang phục mà còn trong cả lĩnh vực kiến trúc, rồi ngày ẩm thực, tuần lễ phim, ngày ngôn ngữ tiếng Italia… Trong các chương trình quảng bá, họ kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa văn hóa, điện ảnh, thời trang, ẩm thực… qua đó thu hút sự tiêu dùng, sự chú tâm đến các sản phẩm Italia.

Chúng ta đã chia sẻ rất nhiều về thực tế, về cách làm của các nước. Như vậy ông Thành có thể khái quát hóa kinh nghiệm sử dụng văn hóa như một sức mạnh mềm để thúc đẩy thương hiệu quốc gia, từ đó tạo điểm tựa vững chắc cho sự phát triển kinh tế ở của một số nước đã thực sự thành công như Hàn Quốc, Pháp hay Italia?

Xây dựng sức mạnh mềm thì bao giờ cũng phải thông qua cái gì đấy rất cụ thể và ẩm thực luôn là một ngôn ngữ chung cho cả thế giới. Chúng ta nhìn thấy nước Pháp muốn xây dựng sức mạnh mềm thì phải nói đến ẩm thực Pháp. Khi nói đến thực Pháp thì họ sẽ thông qua Đại sứ quán Pháp, thông qua Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao, trường dạy tiếng Pháp, rồi các nhà hàng Pháp, rồi giải thưởng của Pháp như giải Sao vàng Michelin. 

Rồi câu chuyện các nước quảng bá chất lượng thịt bò, từ Pháp tới Nhật, tới Mỹ, Australia hay Argentina. Tương tự bao nhiêu nước bán rượu vang vào Việt Nam cũng đều làm ngày hội rượu vang, mang lễ hội văn hóa của đất nước đó đến Việt Nam. Rồi nước Đức có lễ hội bia, xúc xích. Hàn Quốc cũng vậy.

Chúng ta nhìn thấy nước nào cũng thế, để đẩy lên các sản vật, sản phẩm và cũng như để quảng bá văn hóa của mình thì họ luôn luôn đi qua một số con đường như thời trang, nghệ thuật… tất cả đều là văn hóa, để cuối cùng chúng ta yêu đất nước họ, dùng sản phẩm của họ, thậm chí chịu ảnh hưởng hay có cảm tình từ đó sẽ hành xử rất khác trong những tình huống phải ra quyết định. Đấy chính là sức mạnh mềm mà họ đang làm rất thành công.

Từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc các châu lục khác nhau. Tham gia và tham gia ngày càng tích cực vào nhiều tổ chức và diễn đàn khu vực và toàn cầu. Tổ chức thành công nhiều hội nghị, đàm phán tầm quốc tế… Góp phần không nhỏ vào thành tựu này, chính là kênh ngoại giao văn hóa. Qua ngoại giao văn hóa và nhiều kênh khác, thế giới biết nhiều hơn về một Việt Nam giàu đẹp, hiếu khách, hòa hiếu; dấu ấn Việt Nam ngày càng sâu đậm; sức mạnh mềm của Việt Nam nói chung, của văn hóa Việt Nam nói riêng ngày càng được nhân lên gấp bội. Như vậy, chúng ta có thể có một định nghĩa, một cách hiểu chung ra sao về ngoại giao văn hóa, thưa Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ? 

Tôi nghĩ rằng ngoại giao văn hóa không phải là ngành ngoại giao làm một mình. Ngoại giao văn hóa là một tổng hòa những hoạt động của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của các bộ, ngành, các địa phương, của mỗi người dân, các hội, đoàn. Và ngoại giao văn hóa chúng ta làm không chỉ ở nước ngoài. Trong nước, chúng ta cũng đang thúc đẩy rất mạnh ngoại giao văn hóa.

Chúng ta đã và đang làm ngày càng tốt hơn, thể hiện ở chỗ chúng ta đón khách du lịch ngày càng nhiều, các sự kiện tổ chức ở Việt Nam luôn luôn gây ấn tượng lớn. Không ngẫu nhiên mà nhiều ác sự kiện chính trị, văn hóa của khu vực, thế giới chọn tổ chức ở Việt Nam. Hiện nay chúng ta bắt đầu có những cái festival ngày càng có tên tuổi, như festival Huế, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, festival hoa Đà Lạt… Đây cũng là một hình thức làm ngoại giao văn hóa, kết hợp với quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. 

Các lễ hội Việt Nam ngày càng nở rộ, tạo ra không khí sôi động trong nước. Khi chúng ta đón 12 triệu khách du lịch/năm thì mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp làm du lịch cũng là một người làm ngoại giao văn hóa. Bởi họ tạo ra một hình ảnh Việt Nam đẹp, thân thiện, hiếu khách, tạo ra những dịch vụ tốt.

Còn ở nước ngoài, chúng tôi rất vinh dự và may mắn được góp phần vào nỗ lực chung, để mang một Việt Nam đẹp đẽ, đang mở cửa, hội nhập, không chỉ gắn bó truyền thống mà còn rất hiện đại đến với bạn bè quốc tế. Trong rất nhiều năm làm công tác ngoại giao, nhiều nhiệm kỳ ở nước ngoài, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Những lúc vô cùng xúc động khi thấy cờ Việt Nam xuất hiện ở những ngôi làng nhỏ bé xa xôi nước Pháp. Hay vào năm 2013, 2014, Việt Nam và Pháp tổ chức năm giao lưu đã có hàng trăm sự kiện diễn ra ở hai nước. Tôi đã rất xúc động khi chứng kiến 3 DJ của Việt Nam tham dự sự kiện, với hàng nghìn thanh niên Pháp nhảy múa xung quanh. Nghĩa là Việt Nam không chỉ có nón lá, áo dài, mà còn có những phương thức biểu đạt nghệ thuật rất hiện đại…

Để làm được những việc đó phải có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành với rất nhiều kinh nghiệm mà trước hết là sự phối hợp tốt với nước bạn trong công tác truyền thông. Tôi cũng rất tâm đắc ở sự tham gia của cộng đồng người Việt trong các sự kiện. Chúng ta có 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong số đó có rất nhiều người yêu nghệ thuật, có cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Họ đã đóng góp một cách rất nhiệt tình, bền bỉ vào việc quảng bá Việt Nam, quảng bá tiếng Việt. Khi ở Italia, thật sự xúc động khi chúng tôi thấy các em học sinh người Italia trong trang phục quan họ, hát quan họ hay ngâm truyện Kiều… Nếu chúng ta tự làm hay làm một mình thì không thành công, phải dựa vào trường học của bạn, hội đoàn của bạn để quảng bá, quảng bá một cách bền bỉ qua năm tháng chứ không phải chỉ trong một Ngày Việt Nam hoặc trong một sự kiện.

Mới đây chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp tại Nhà hát Lớn, có 40 bạn sinh viên người Pháp mặc áo dài tham dự, là các sinh viên Pháp sang học ở trường kiến trúc. Các bạn ấy đã quảng bá cho Việt Nam một cách rất tự nhiên như thế.

-tt-8427-1.jpg
 Tọa đàm trực tuyến “Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”. 

Năm 2023 là năm nở rộ của các hoạt động ngoại giao văn hóa, chuyên gia quản trị văn hoá Nguyễn Đình Thành nhìn nhận thế nào về hiệu quả của các hoạt động này?

Tôi cho rằng những năm chẵn bao giờ cũng là 1 năm có nhiều năng lượng, mang tính bùng nổ, thu hút được sự chú ý của công chúng. Nhưng từ góc độ quản trị văn hóa và truyền thông văn hóa, tôi quan tâm hơn đến cách người ta làm, tức là không đợi đúng năm nay mới làm mà đã chuẩn bị từ rất lâu. Ví dụ như Nhật dựng một vở opera với Việt Nam, thì đã làm từ nhiều năm có sự kết hợp giữa nghệ sĩ giữa hai nước với nhau. Đây là cách làm mà rất hiệu quả. Tôi cũng nhớ lại khoảng thời gian khi còn làm ở Trung tâm văn hóa Pháp đã học được cách làm ngoại giao hai nước với nhau rất khăng khít. Chẳng hạn như Pháp với Đức là hai nước cựu thù trong chiến tranh. Sau chiến tranh làm sao để hàn gắn? Thì họ nghĩ ra là phải có quỹ làm các hoạt động văn hóa dành cho các nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật dành cho đại chúng. Như vậy hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người sẽ được nhìn thấy, trải nghiệm những hoạt động đấy và có sự hòa giải với nhau.

Không chỉ dừng lại ở đó, họ sang Việt Nam, họ thấy hip-hop là một bộ môn nghệ thuật đang phát triển Việt Nam. Họ đã mời một vô địch thế giới người Đức trong bộ môn này kết hợp với một biên đạo rất giỏi của Pháp, cùng sang Việt Nam làm với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam, tạo nên một số vở diễn trong nhiều năm để nói về một Việt Nam đương đại. Kết quả là có những tác phẩm có thể mang ra nước ngoài biểu diễn.

Những năm 1999, 2000 có những đoàn nghệ sĩ của Pháp sang đào tạo cho các nghệ sĩ Việt Nam về âm nhạc, về múa đương đại, xiếc rồi nhiều ngành khác nữa. Sau 5 năm, 10 năm, 20 năm, chúng ta nhìn thấy giờ đây có rất nhiều nghệ sĩ lớn của Việt Nam trưởng thành từ những chương trình hợp tác như thế.

Tiếp theo tôi cho rằng, nhân có những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sôi động như thế, thì cái gì phía sau mới là quan trọng. Khi những nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam, Việt Nam với Pháp, Việt Nam với Phần Lan, Thụy Điển và rất nhiều nước khác đã làm việc với nhau thì sẽ mở ra những sự hợp tác xuyên biên giới. Qua đó mang một Việt Nam đương đại ra với thế giới. Đấy vừa là phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, vừa nâng tầm văn hóa Việt Nam mà vừa nâng cao sức mạnh văn hóa Việt Nam. 

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ: Tôi rất chia sẻ với anh Thành về khía cạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa để chúng ta có thể xây dựng được những tác phẩm anh Thành nói là đương đại để mang một Việt Nam đương đại, hiện đại, mở cửa ra công chúng. Tôi cũng hoàn toàn tin tưởng là qua những dịp kỷ niệm 50 năm, 30 năm, những năm chẵn năm tròn cần có cả một quá trình chuẩn bị nhiều khi là 2 năm, 3 năm. Trong quá trình xây dựng, hình thành nên các tác phẩm nghệ thuật, sân khấu điện ảnh đó đã tạo nên được những đối tác, hợp tác và quan hệ tiếp tục được vun đắp để có được những thành quả tiếp sau đó.

Theo ông Thành, so với những thành tựu mà chúng ta đạt được trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., thành tựu trong lĩnh vực văn hóa thực sự tương xứng chưa?

Câu trả lời của tôi luôn luôn là chúng ta luôn luôn có thể làm tốt hơn. Nguồn lực của một đất nước, một quốc gia, một dân tộc, của mỗi con người là vô hạn. Thế nào gọi là tương xứng thì rất khó nhưng chúng ta luôn có thể làm tốt hơn. Chúng ta hãy đặt ra những mục tiêu càng ngày càng lớn cùng vị thế đi lên của đất nước.

Chúng ta mới có 3-4 thập kỷ phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, chính trị, là rất ngắn so với chiều dài của đất nước, của lịch sử phát triển các quốc gia khác. Chúng ta không nóng vội được nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ làm từ từ. Phải bắt tay bắt tay thực sự giữa nhà nước, nhân dân và các đối tác mới có đà, có lực phát triển.

Quay lại bài học của Hàn Quốc những năm 80 khi họ quyết định dùng công nghiệp văn hóa đưa đất nước đưa lên đi lên. Thời điểm đó phải có những đại gia tộc, những doanh nhân rất lớn đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, đưa hàng nghìn người đi học… Tất cả chung tay như thế trong vòng hai thập kỷ mới đạt được thành quả.

Văn hóa mở đường trước tạo ra ảnh hưởng thì người ta tiêu dùng sản phẩm của đất nước. Tiêu dùng sản phẩm có tiền lại trích lại làm văn hóa, cứ tiếp tục như thế. Chính vì vậy mà bây giờ thời trang, âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc phát triển vô cùng mạnh khắp nơi trên thế giới không phải ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ mà cả những vùng khó hơn như Trung Cận Đông, các nước Hồi giáo. Rõ ràng chiến thuật và chiến lược rất quan trọng, văn hóa đi trước hàng hóa theo sau.

Hiện nay khi các công ty như Viettel, FPT họ đang phát triển châu Phi, châu Mỹ đúng là mang kinh tế đến nhưng luôn luôn có nét văn hóa của Việt Nam theo cùng. Họ khiến người dân ở đấy cảm mến với văn hóa Việt Nam thì sau đó các doanh nghiệp khác đến mới có đất để phát triển. Có nghĩa là trong những thập kỷ tới, tôi nghĩ rằng ưu tiên sẽ là phát triển văn hóa Việt Nam ở trong nước để có nội lực phát triển ra nước ngoài. Kết hợp ngoại giao, kinh tế, văn hóa với nhau mới nâng được thế và lực của đất nước.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ: Trở lại câu chuyện văn hóa kết hợp với ngoại giao kinh tế. Chúng tôi khi ở các cơ quan đại diện làm các sự kiện không bao giờ làm ngoại giao văn hóa riêng hoặc ngoại giao kinh tế riêng. Khi chúng tôi đi xúc tiến thương mại bao giờ cũng có một phần văn hóa như mang các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoặc là hình ảnh, triển lãm ảnh hoặc cố gắng tổ chức ngày phim Việt Nam. Nghĩa là luôn luôn trong sự kiện kinh tế thì có văn hóa, trong sự kiện văn hóa thì có kinh tế.

Trở lại câu chuyện của anh Thành vừa nói là văn hóa đi trước, mở cửa cho sản phẩm đi sau, tôi có thể nói rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta cũng không nhất thiết cứ phải văn hóa đi trước mà ở đây là sự có đi có lại. Đất nước chúng ta về GDP mới đứng khoảng 40 trên thế giới nhưng về quy mô xuất nhập khẩu thì đứng thứ 20. Tức là chúng ta xuất khẩu rất nhiều. Việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài cũng là một phần mang hình ảnh của Việt Nam. Các sản phẩm của Việt Nam ngày càng đẹp, nông sản của Việt Nam xuất sang nước ngoài hình thức đẹp, chất lượng tốt thì cũng là một hình ảnh văn hóa ẩm thực Việt Nam và góp phần mở đường cho việc bán những sản phẩm khác tốt hơn.

Tôi nghĩ rằng đó là sự tương tác. Chúng ta dùng cả ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế để bổ trợ cho nhau, hòa quyện với nhau, cái này tương trợ cho cái kia thì đấy cũng là cách làm tốt.

Như vậy theo bà, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa Việt Nam có cơ hội nào để lan tỏa ra thế giới? 

Tôi nghĩ rằng như phần đầu đã chia sẻ, chúng ta có tài nguyên văn hóa rất lớn, có nhiều di sản, cả cả kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống. Chúng ta có một Việt Nam đang mở cửa, hội nhập, một thế hệ thanh niên năng động. Chúng ta nói rất nhiều đến cách mạng 4.0, chuyển đổi số, từ đó tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật mới dễ tiếp cận hơn với công chúng, kết hợp được sự hiện đại của khoa học, công nghệ và vẫn giữ nghệ thuật truyền thống, bản sắc Việt Nam.

VIDEO: Nét đẹp đặc sắc ‘’Điệu múa dâng trời” của người Cơ Tu ở miền tây Xứ Quảng

Trở lại câu chuyện mà ông Thành đã chia sẻ về những người trẻ Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn riêng biệt, mới mẻ. Vậy theo ông, làm thế nào để kết hợp giữa tài nguyên giàu có của văn hóa Việt Nam cùng sức sáng tạo nhiệt huyết của người trẻ, để tạo ra các sản phẩm và hoạt động mang chiều sâu văn hóa và ảnh hưởng rộng rãi? 

Để phát triển được thì phải đầu tư và phát triển được ở mức độ công nghiệp. Công nghiệp là có khả năng kéo dài, có khả năng nhân bản và tạo ra nhiều các phiên bản khác nhau để khai thác.

Có được nguồn tài nguyên phong phú thì chúng ta phải tổ chức nó một cách khoa học, biến nó thành một ngành công nghiệp. Không chỉ có một tour thăm Hỏa Lò mà phải có hàng chục các sản phẩm như thế ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… để ngay người Việt Nam thôi cũng có nhiều chỗ đi xem, đi chơi, hay đến các thành phố khác. Từ đó tạo ra sức hút về mặt kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, tác động xã hội, kinh tế ngay từ trong nước. 

Như vậy cần phải đầu tư, phải có chiến lược. Các đơn vị quản lý ngoài việc quản lý ra thì thực sự phải tối ưu hóa việc sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ mới để làm sao đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời không làm một mình mà có sự kết hợp giữa nhà nước, nhân dân, tư nhân làm cùng nhau. 

Câu trả lời của tôi là vẫn phải đi theo hướng công nghiệp hóa có yếu tố con người trong đấy tức là luôn luôn có sự nhân văn, có sự hiện diện của con người nhưng phải công nghiệp hóa thì mới nhân lên được mức độ rộng hơn. Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn khi thế giới chuyển dần lên không gian số, công nghệ số. Nó giúp thu ngắn khoảng cách của chúng ta với thế giới. Nhưng đi kèm theo đó, chúng ta phải đào tạo nhiều hơn về mặt công nghệ để đón đầu, bắt kịp được với thế giới. 

Kính thưa quý vị, 

Có thể nói trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, bao vây cấm vận hay hội nhập, sức sống Việt Nam nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng không ngừng phát triển và lớn mạnh, luôn luôn trỗi dậy với một sức mạnh phi thường. Với lợi thế của mình, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đã góp phần làm sâu sắc thêm giá trị nhân văn, hun đúc nên cốt cách, bản lĩnh con người Việt Nam.

Với lợi thế của một nền văn hóa đa màu sắc, có nhiều nét độc đáo, mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế, việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là một chiến lược đúng đắn để thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Cảm ơn hai khách mời đã có những chia sẻ rất hữu ích trong buổi tọa đàm hôm nay.

Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.