Suốt quá trình tồn tại và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành và phát triển nên một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc, với nhiều loại hình, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều sắc màu. Đó là tài sản vô giá của đồng bào, phản ảnh thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng dân tộc trong mối quan hệ tương thích với môi trường sống, được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển.

Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã và đang có những biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, cần có hệ thống giải pháp, chính sách để bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào, trong đó phát huy vai trò của gia đình trong bảo tồn văn hóa là một trong những cách tiếp cận cần được chú trọng.

Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình chính là nơi lưu giữ và trao truyền giá trị văn hóa tộc người. Với cái nôi gia đình, các giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền, thẩm thấu một cách tự nhiên. 

Trong mỗi mái nhà, các thế hệ thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hành, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc mình cho thế hệ sau; nhất là về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, các nghề truyền thống...

Buacom.jpg

Nhiều gia đình đề cao việc bảo lưu được truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ của tộc người, quan tâm thực hiện các nghi lễ vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, hình thành và phát triển nhân cách và gìn giữ, phát huy cốt cách của tộc người, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.

Chính việc lưu giữ, trao truyền văn hóa trong gia đình mà dù xã hội hiện đại có nhiều biến đổi nhưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tộc người vẫn bền vững qua thời gian.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số tộc người chưa quan tâm đúng mức đến việc gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Một số gia đình không chú trọng đến việc giáo dục văn hóa mà quá coi trọng chức năng kinh tế của gia đình. Một số gia đình quan tâm đến giáo dục văn hóa truyền thống thì tỏ ra lúng túng cả về nội dung và phương pháp. Đặc biệt, khi mà lớp người cao tuổi am hiểu sâu về bản sắc văn hóa của dân tộc còn rất ít thì việc trao truyền giá trị văn hóa trong chính mỗi gia đình lại càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, trong gia đình của một số dân tộc lại bảo lưu những phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình và cộng đồng. 

Vì vậy, để để công tác gia đình ở nước ta đạt được hiệu quả như mong muốn; gia đình thực sự là một “tế bào” của xã hội; góp phần xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, tiến bộ, hành phúc, văn minh”, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã xác định rõ Phương hướng, nhiệm vụ về công tác gia đình trong những năm tới gồm các nội dung trọng tâm sau:

Một là, Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với chủ đề công tác gia đình “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.

Hai là, Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, thực hiện Nghị quyết 113/2015/QH13 “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ba là, Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác gia đình. Đầu tư hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn. Tăng cường kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp.

Bốn là, Tập trung hoàn thiện các chỉ số, chỉ báo thu thập số liệu về gia đình, bạo lực gia đình kịp thời, chính xác phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách về gia đình.

Năm là, Đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng hình thức truyền thông; chú trọng tuyên truyền gương điển hình, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình, ngăn ngừa các thông tin, sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình. Gắn tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình với tuyên truyền thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.

Sáu là, Nhân rộng các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến về công tác gia đình và PCBLGĐ; tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình sao cho hiệu quả. Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về gia đình & PCBLGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình ở Việt Nam.

Quốc Huy và nhóm PV, BTV