Các nhà khảo cổ học tin rằng, họ đã phát hiện bằng chứng vật chất đầu tiên về nơi danh tướng Julius Caesar, người anh hùng của đế chế La Mã cổ đại, bị ám sát đúng vào ngày lên ngôi hoàng đế, theo một báo cáo mới của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha.

Julius Caesar, người đứng đầu nền cộng hòa La Mã, đã bị một nhóm chính trị gia đối địch đâm chết vào ngày 14/3 năm 44 trước Công nguyên, tức là ngày 15/3 theo lịch La Mã cổ. Vụ ám sát đã được nêu rất rõ trong các văn tự cổ, nhưng mãi cho tới gần đây, giới nghiên cứu vẫn chưa thu được bất kỳ bằng chứng khảo cổ nào về địa điểm diễn ra sự cố đó.

Di tích của khu liên hợp tưởng niệm ở Torre Argentina (Rome), nơi Hoàng đế Julius Caesar bị đâm chết. Ảnh: Live Science

Mới đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một cấu trúc bằng bê tông, có kích thước gần 3 mét chiều rộng và 2 mét chiều cao, ở phía dưới Viện nguyên lão Pompey – nơi các nhà sử gia cổ đại có ghi chép là nơi đã xảy ra vụ ám sát.   

“Chúng ta luôn biết rằng Julius Caesar đã bị giết hại ở Viện nguyên lão Pompey vào ngày 15/3/44 trước Công nguyên vì các văn tự cổ đều nêu rõ việc đó. Tuy nhiên, cho đến nay không có bất kỳ bằng chứng vật chất nào về sự thực đó từng được phát hiện”, Antonio Monterroso, một nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây ban Nha, nhấn mạnh.

Các văn tự cổ còn lưu giữ được cũng ghi chép rằng, nhiều năm sau vụ ám sát, Viện nguyên lão đã bị đóng cửa và biến thành một nhà nguyện tưởng nhớ hoàng đế Caesar. Theo trang Live Science, các chuyên gia đang nghiên cứu tòa nhà này cùng với một công trình tưởng niệm khác trong cùng khu liên hợp, "Mái cổng trăm cột" hay còn gọi là Hecatostylon. Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực tìm kiếm các mối liên hệ giữa bằng chứng khảo cổ học về vụ ám sát với những gì được khắc họa trong nghệ thuật (bao gồm hội họa và kịch).

Tuấn Anh