Thực hiện chủ trương xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc rất ít người, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã chỉ đạo Truyền hình kỹ thuật số VTC thực hiện loạt chương trình truyền hình tuyên truyền về các dân tộc ít người ở Việt Nam.
Theo đó, loạt chương trình gồm 18 tập, mỗi tập có thời lượng 30 phút. Trong đó 16 tập đầu, mỗi tập tuyên truyền về một dân tộc (Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y, La Hủ, Phú Lá, Lự, Mảng, Si La, Cống, La Ha, Ơ Đu, Chứt, Rơ Măm, Brâu); hai tập cuối, một tập đề cập đến những giá trị cốt lõi về văn hóa của các dân tộc ít người và một tập có chủ đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đối với các dân tộc ít người.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết “Đây là một công việc hết sức công phu. Loạt chương trình truyền hình tuyên truyền về dân tộc ít người nhằm xây dựng lại và nêu ra những vấn đề liên quan đến đời sống, văn hóa của những dân tộc ít người Việt Nam nên cần thực hiện hết sức cẩn trọng. Để vừa đảm bảo tính khách quan đúng đắn vừa phản ánh sinh động nhất, thực tế nhất đời sống của các dân tộc”.
|
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại lễ ra mắt phim. |
Cũng theo Thứ trưởng khán giả truyền hình cũng sẽ thấy được sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, và ngay cả giữa các dân tộc ít người. Có những mâu thuẫn lớn, phức tạp đặt ra và có nguy cơ ngày càng sâu sắc hơn, đó là mâu thuẫn giữa sự phát triển và bảo tồn, giữa sự hội nhập với thế giới bên ngoài và gìn giữ những bản sắc truyền thống. Và một câu hỏi đặt ra, cùng một hệ thống chính sách, vì sao, dân tộc này lại đạt được nhiều thành quả phát triển hơn so với dân tộc khác?
Đơn vị tổ chức chương trình chia sẻ, họ đã gặp không ít khó khăn. Địa bàn sản xuất ở vùng sâu, vùng xa nên những người làm chương trình đã phải tác nghiệp trong điều kiện địa hình hiểm trở, thậm chí nguy hiểm; đòi hỏi người làm chương trình cần đầu tư nhiều thời gian, công sức để có thể ghi nhận một cách chân thực cuộc sống, tập quán của từng dân tộc.
Nhưng khó khăn lớn nhất đối với những người làm chương trình là hiện còn rất ít dân tộc lưu giữ được nguồn tư liệu cổ về những nét đặc trưng văn hóa, tập quán của mình. Các nghiên cứu về dân tộc ít người ở Việt Nam chưa nhiều, nằm rải rác, chưa được hệ thống; một số nghiên cứu đã được tiến hành từ cách đây nhiều năm, nay có sự khác biệt so với thực tế, nhưng không có điều kiện điều chỉnh, thậm chí có những thông tin mâu thuẫn nhau. Trong một số câu chuyện đã được lưu truyền, không có sự hỗ trợ của luận cứ khoa học và thực tiễn chứng minh.
Ngoài ra, để hoàn thành loạt chương trình truyền hình giá trị này, ban sản xuất còn nhận được sự hỗ trợ tích của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan chức năng ở trung ương, địa phương và các dân tộc rất ít người, đơn vị sản chương trình đã vượt lên những khó khăn, chọn cách tiếp cận văn hóa (khắc họa cuộc sống của những cộng động dân tộc ít người từ góc độ văn hóa).
Với cách tiếp cận này, những khó khăn, vất vả của một số dân tộc ít người được ghi nhận như là một lối sống đã duy trì từ nhiều đời nay, gắn với tập tục, những quan niệm tâm linh, những giá trị bền vững… mà với cuộc sống đó, đồng bào dân tộc ít người cảm thấy rằng, họ mới là chính mình! Bởi thế, quan điểm được thể hiện trong các chương trình là tôn trọng cái riêng, sự khác biệt của dân tộc ít người.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn hy vọng khi trình chiếu rộng rãi 18 tập phim này trên sóng truyền hình của các đài truyền hình trung ương và địa phương sẽ giúp khán giả hiểu hơn về cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là cộng đồng các dân tộc rất ít người.
Các chương trình truyền hình tuyên truyền về các dân tộc ít người ở Việt Nam sẽ được phát sóng VTC1 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vào 20h45 phút thứ bảy hàng tuần (bắt đầu từ ngày 2/1/2016), phát lại ở các kênh khác của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC và các kênh, các đài truyền hình khác. |
T.Lê