Khán phòng hơn 250 chỗ ngồi tại Trung tâm văn hóa Pháp không còn ghế trống, nhiều khán giả chấp nhận đứng hàng giờ liền để lắng nghe những chia sẻ chân thành và lời khuyên hữu ích của các diễn giả về cách tự học và áp dụng phương pháp giáo dục Montessori trong gia đình và giới thiệu bộ sách cùng tên “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori”.
Các diễn giả tham ra buổi ra mắt sách |
Với phương pháp giáo dục Montessori, trẻ sẽ được phát triển toàn diện trên 8 lĩnh vực cơ bản: thực hành cuộc sống, giác quan, toán học, ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, khoa học, nghệ thuật. Các bài học và khái niệm đều được đưa tới trẻ từ cụ thể đến trừu tượng. Thay vì phải học những điều thầy cô sắp sẵn, trẻ có thể tự do lựa chọn lĩnh vực, bài học mà mình yêu thích và học với khả năng, tốc độ của riêng mình.
Phương pháp giáo dục Montessori là một trong những phương pháp giáo dục trẻ khoa học, đã có lịch sử phát triển và được ứng dụng trên toàn cầu trong hơn 100 năm. Nhưng ở Việt Nam, phải tới năm 2012, các bậc cha mẹ mới bắt đầu tìm hiểu và tiếp cận với những tài liệu và thông tin về phương pháp giáo dục này. Do đó, bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori” được công ty sách Đinh Tị giới thiệu đã nhận được nhiều sự quan tâm cả các bậc phụ huynh.
Khán phòng không còn ghế trống, nhiều khán giả chấp nhận đứng hàng giờ liền để lắng nghe những chia sẻ của diễn giả |
Trong chương trình, cô giáo Hà Phương bật mí hình thức lớp học Montessori: “Phương pháp Montessori được triển khai trong một lớp trộn lẫn nhiều lứa tuổi, giống như một xã hội tự nhiên thu nhỏ. Các em nhỏ sẽ quan sát và học được nhiều điều từ các anh chị lớn, và ngược lại, các anh chị lớn cũng tự thấy mình trưởng hành hơn, có trách nhiệm hơn. Các giáo viên không có áp lực dạy những kiến thức giống nhau cho tất cả học sinh và cũng không phải gồng mình lên để làm sao cho tất cả các học sinh cùng giỏi. Trẻ sẽ được tự do học điều mình thích và chính điều đó đã nuôi dưỡng niềm đam mê học tập của trẻ".
Thực tế, việc dạy trẻ không chỉ diễn ra từ một phía nhà trường, mà môi trường gia đình cũng cần có sự đồng nhất trong quan điểm giáo dục để trẻ có thể tự do phát triển một cách toàn diện nhất.
Nhà báo Hà Việt Anh cho rằng: “Điều quan trọng nhất cha mẹ cần có khi dạy trẻ theo phương pháp Montessori đó là tinh thần tôn trọng trẻ, chấp nhận sự duy nhất của trẻ và cho phép trẻ phát triển theo khả năng và đam mê riêng của mình”.
Dạy trẻ theo phương pháp Montessori không đòi hỏi bố mẹ phải mua giáo cụ Montessori ở nhà bởi mọi thứ có sẵn trong gia đình mình đều có thể trở thành nguồn vui khám phá vô tận cho con.
Là một người mẹ đang áp dụng phương pháp Montessori tại nhà và cũng là dịch giả của bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori”, dịch giả Đỗ Thị Tố Nga chia sẻ: “Công việc bận rộn khiến tôi không có nhiều thời gian để dành riêng cho con. Ngoài thời gian khoảng một tiếng buổi tối để học và chơi có mục đích và có sự chuẩn bị trước với con thì tôi thường tận dụng các thời gian có thể để vừa chơi vừa học với con như trên đường đưa đón con đi học, hoặc trong khi nấu ăn, dọn dẹp… Đây cũng là những hoạt động cơ bản đã được đề cập đến trong bộ sách hướng dẫn các bậc phụ huynh về phương pháp Montessori - “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori”.
Một cuốn trong bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori” được giới thiệu trong chương trình sẽ phát hành trong thàng 7. |
Hiện nay, nguồn tài liệu về phương pháp giáo dục Montessori rất đa dạng, từ những cuốn sách giới thiệu về những nguyên tắc, triết lý giáo dục Montessori tới những cuốn sách hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết các hoạt động thực tế để cha mẹ có thể tự học và áp dụng tại nhà như bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori”. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp giáo dục Montessori trong gia đình là điều không khó, nếu cha mẹ chuẩn bị cho mình một tinh thần tôn trọng con và sẵn sàng yêu thương, thấu hiểu con như một “tiểu thế giới” riêng khác.
Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Năm 1907 bà bắt đầu sự nghiệp là nhà giáo dục khi bà được mời tổ chức 1 trường trong khu tái định cư ổ chuột khu vực San Lorenzo, Ý. Trong giai đoạn này bà đã quan sát thấy rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan.Tiến sĩ Montessori tiếp tục phát triển những sự trợ giúp dạy học chuyên biệt được dùng cho những trẻ trong môi trường thích hợp và tôn trọng những đặc tính riêng biệt của trẻ. Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessorri phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em. |
Tiêu Vũ