Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi phát tán clip nhạy cảm lên không gian mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người khác.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính: Người vi phạm sẽ phải chịu xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Thông thường phát tán clip nhạy cảm trên mạng xã hội thì số lượng người tiếp cận thông tin rất lớn.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đây là clip đồi trụy, có dung lượng từ 1GB trở lên, hoặc có từ 10 người tiếp cận trở lên thì người phát tán clip nhạy cảm này có thể bị xử lý hình sự về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo quy định tại Điều 326 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 15 năm tù.
Ngoài ra, người trong đoạn clip nhạy cảm bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người phát tán hình ảnh còn có thể bị khởi tố thêm về “Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể:
- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
- Nếu hành vi thuộc một số tình tiết định khung theo quy định tại Khoản 2, 3 điều này như: sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân hoặc làm nạn nhân tự sát thì người vi phạm có thể sẽ đối diện mức án tối đa 5 năm tù.