Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ “lõi” và công nghệ “nguồn”
Theo các nhà khoa học, việc sáng tạo ra trí tuệ nhân tạo là một bước nhảy vọt có tính đột phá về công nghệ, được coi là “điểm kỳ dị trong tiến trình công nghệ”, ở đó, nhân loại đã chia sẻ hành trình sống và suy nghĩ của mình với một đối tượng không phải con người nhưng lại có khả năng giải quyết vấn đề, học hỏi và thực hiện các hành động hiệu quả như con người trong các môi trường khác nhau.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam cách nay mấy năm đã về chủ đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”.
Nhiều ý kiến có cùng quan điểm, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi một cách sâu rộng đời sống kinh tế - xã hội. Công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, tự động hóa, dữ liệu lớn thực sự đang làm thay đổi tư duy nhận thức, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cách thức giao tiếp của chúng ta. Nó thực sự dần trở thành động lực quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh.
Khẳng định vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trí tuệ nhân tạo là một công nghệ “lõi” và công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia, có tác động mạnh, mang tính cách mạng và đột phá đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và mọi mặt đời sống của con người; tạo ra giá trị gia tăng trong các sản phẩm dựa trên hàm lượng trí tuệ trong mọi hoạt động. Công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo ra những cơ hội cho các quốc gia, nền kinh tế, các ngành và các tập đoàn có độ sáng tạo cao.
Có đại biểu nhận định, trong xu thế phát triển toàn cầu, việc xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phát triển trí tuệ nhân tạo, trong đó công nghệ và sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo là trung tâm, hạ tầng dữ liệu và tính toán là nền tảng, trí tuệ nhân tạo lõi mang tính động lực, sẽ góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực quân sự vừa là cơ hội, vừa là thách thức
Không chỉ phổ biến trong kinh tế xã hội, trí tuệ nhân tạo cũng đang được thúc đẩy ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.
Bên cạnh việc tạo ra các loại vũ khí thông minh hóa, trí tuệ nhân tạo còn thể hiện vai trò quan trọng trong các tiến trình phức tạp của chiến tranh, như: đánh giá tình hình, xử lý thông tin, chỉ huy điều hành, hỗ trợ quyết sách, tăng cường hệ thống tác chiến tự động, v.v. Điều đó sẽ tác động toàn diện tới các mặt hoạt động, có thể làm thay đổi căn bản quy luật, phương thức tiến hành chiến tranh tương lai.
Để có cách nhìn toàn diện, cần nhận thức rõ những đặc trưng chủ yếu của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:
Trang bị vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo trở thành trang bị vũ khí tác chiến chủ yếu. Ngoài chức năng trinh sát, tìm kiếm, chúng còn thực hiện cả chức năng tiến công mục tiêu hoặc làm mồi nhử, nghi binh, gây nhiễu hay tiến công kiểu khủng bố.
Bên cạnh đó, tác chiến sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể trở thành phương thức tác chiến chủ đạo. Đặc điểm cơ bản của phương thức tác chiến này là sử dụng số lượng lớn hỗn hợp hệ thống máy bay không người lái với tính năng, tác dụng khác nhau; tổ chức thành các nhóm tác chiến kết hợp các thủ đoạn: nghi binh, gây nhiễu điện tử, tiến công mạng, giáng đòn hỏa lực, v.v. Hiện nay, mặc dù phương thức tác chiến trí tuệ nhân tạo vẫn đang được nghiên cứu, phát triển, nhưng theo nhận định của các chuyên gia quân sự thì đây là phương thức tác chiến có rất nhiều tiềm năng cần khai phá; tương lai có thể trở thành phương thức tác chiến chủ đạo.
Ngoài ra, người ta cũng đã tính đến sử dụng trí tuệ nhân tạo cho việc ra quyết sách chỉ huy điều hành tác chiến. Công nghệ xử lý dữ liệu trí tuệ nhân tạo có ưu thế vượt trội trong tìm kiếm, lưu trữ, tính toán, khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ, đặc biệt là thích ứng với xử lý các loại dữ liệu mục tiêu từ hình ảnh vệ tinh, tín hiệu ra đa. Trí tuệ nhân tạo có thể chuyển hóa nhanh chóng lượng dữ liệu khổng lồ thành thông tin quân sự, cung cấp cho sĩ quan và binh sĩ các cấp khiến việc quyết sách khoa học hơn, phản ứng nhanh chóng hơn, hành động hiệu quả hơn. Với tính ưu việt đó, trí tuệ nhân tạo đã, đang được các nước lớn trên thế giới nghiên cứu, trang bị cho hệ thống quản lý thông tin quân sự, mạng hóa dùng trong chỉ huy, điều hành và hỗ trợ quyết sách thông minh hóa,… được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực an ninh quốc gia.
Như vậy, với sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thì việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực quân sự vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Nhận thức rõ điều đó và với quan điểm: đây là thời điểm mang tính lịch sử, cần hành động theo tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ”, đầu năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/2021/QĐ-TTg về “Ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Và mới đây, với chủ đề “Kiến tạo tương lai”, AI Day 2022, diễn ra tại Hà Nội đã quy tụ diễn giả là những nhà khoa học tiên phong đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp hàng đầu thế giới về AI. Sự kiện được tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Mạnh Hưng, Ngân Phương, Ngọc Dũng