Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho thấy, hiện Việt Nam có gần 6 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, trong đó 30% phải sử dụng tín dụng không chính thức. Lý do khiến tỷ lệ doanh nghiệp vay thành công thấp là do 80% không có lịch sử tín dụng, 60% không đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp, 70% không có kế hoạch kinh doanh.

Tại tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ” do Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức ngày 1/7, PGS-TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình, cho rằng, không thể bắt ngân hàng cho vay những khoản vài ba triệu đồng vì chi phí giải quyết hồ sơ cao hơn cả số tiền cho vay. Do vậy, đảm nhận công việc này phải là các tổ chức tài chính vi mô.

GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, dẫn chứng câu chuyện của một người quen ở Bến Tre canh tác 2 công đất cần số tiền 15 triệu đồng để trang trải chi phí sản xuất. Trong khi ngân hàng không thể cho vay thì trên mạng xã hội liên tục chào mời những khoản vay hấp dẫn để “săn mồi”. 

“Nhiều người yếu thế, thu nhập thấp, thường ít có hiểu biết về tài chính, không có kế hoạch về dòng tiền, cần được hướng dẫn để nâng cao hiểu biết”, GS-TS Trần Ngọc Thơ chia sẻ.

ngan hang nam khanh 2.jpg
Phát triển chiến lược tài chính toàn diện đẩy lùi “tín dụng đen”

Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô cũng cung cấp các khoản vay nhỏ cho những đối tượng khó vay vốn từ ngân hàng. 

Tổ chức tài chính vi mô CEP (tổ chức phi lợi nhuận do Liên đoàn Lao động TPHCM sáng lập), cho biết, đến ngày 30/6/2024, CEP đang phục vụ hơn 340.140 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, thu nhập thấp thông qua mạng lưới 36 chi nhánh tại TPHCM và 9 tỉnh với tổng dư nợ cho vay trên 5.837 tỷ đồng. CEP cho vay lãi suất thấp và không thu bất cứ khoản phí nào, kể cả phí bảo hiểm vay vốn.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các khoản vay kịp thời, phù hợp với đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp… giúp người vay có được số tiền cần thiết, tránh được bẫy “tín dụng đen” mời chào đầy rẫy trên mạng xã hội, tờ rơi, cột điện, gửi tin nhắn đến từng số điện thoại…

Bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách thí điểm để người sử dụng dịch vụ tài chính được tiếp cận dịch vụ với chi phí hợp lý. 

Theo bà Chinh, các công ty fintech - với lợi thế giao dịch không tiếp xúc vật lý, chi phí rẻ, thời gian quyết định nhanh chóng, xóa bỏ mọi khoảng cách địa lý giữa người tiêu dùng và cơ quan cung ứng dịch vụ - sẽ hỗ trợ đắc lực cho tổ chức tín dụng truyền thống trong việc phủ “tín dụng trắng” đến tất cả đối tượng có nhu cầu trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Đại học Đại Nam, cho hay cần thay đổi mạnh mẽ chính sách về Fintech, bởi loại hình này không đơn giản là thanh toán hay dịch vụ tài chính, mà là tương lai của ngành tài chính; mọi đối tượng dễ dàng tiếp cận được tín dụng chính thức một cách nhanh chóng, thuận lợi và chi phí thấp. Khi đó sẽ góp phần rất lớn đẩy lùi “tín dụng đen”.

Còn Tổ chức CEP kiến nghị NHNN sớm nghiên cứu, ban hành quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tài chính vi mô theo hướng tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng với thủ tục đơn giản hơn, được vay các khoản phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần hạn chế “tín dụng đen”.