Thực tiễn cuộc sống đã đúc kết thành bài học kinh nghiệm: lộ thông thì tài thông. Điều đó cho thấy giao thông có một vị trí đặc biệt, được xem là mạch máu đối với nền kinh tế.

Ở khu vực vùng sâu vùng xa, nơi nào giao thông phát triển, khu vực đó điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn. Phát triển giao thông nông thôn đã rút ngắn khoảng cách cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa với các vùng miền khác.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã tạo được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tuy vậy, cùng với những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế, nhất là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn.

Mặc dù được ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí nhưng đầu tư trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, hầu hết tập trung vào các công trình cấp xã nhưng do thiếu vốn cho nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả, dở dang.

Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh vùng xa, vùng cao hầu như chưa được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

{keywords}
Phát triển giao thông nông thôn là tiền đề quan trọng trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo - Hình minh họa.

Trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn từ 2010 -2015 chúng ta có bước phát triển khá toàn diện về giao thông nông thôn: chúng ta đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD cho giao thông nông thôn, thể hiện ở một số dự án giao thông nông thôn 2, giao thông nông thôn 3, đã phủ đường cho khoảng 50 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD.

Ngoài việc thu hút vốn từ các gia đình nông thôn, nông dân, các nguồn vốn của doanh nghiệp, Chính phủ đã dành nguồn vốn ODA khá lớn cho giao thông nông thôn.

Dự án của Ngân hàng Phát triển châu Á xây dựng hệ thống cầu yếu cho giao thông nông thôn khoảng 100 triệu USD, gần đây nhất là  thực hiện dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ cầu và đường dân sinh cho 53 tỉnh, thành phố cả nước với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD. Mặc dù  nhu cầu còn rất lớn nhưng chúng ta đã khẳng định tỷ trọng vốn ODA dành cho giao thông nông thôn chiếm khoảng từ 10 – 15% trong tổng nguồn ODA cho xây dựng giao thông vận tải. Đây là nguồn vốn không nhỏ trong lúc chúng ta còn khó khăn.

Khẳng định vai trò của giao thông nông thôn, ông Nguyễn Lâm Thành nhận định, từ việc phát triển giao thông nông thôn, kinh tế - xã hội của các vùng này cũng phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thay đổi trực tiếp cuộc sống của mỗi hộ gia đình, cuộc sống của các cộng đồng làng bản, thay đổi bức tranh nông thôn, giảm được tỷ lệ nghèo và tăng được tỷ lệ hộ khá và giàu ở các vùng nông thôn, miền núi.

Đề ra các giải pháp phát triển giao thông nông thôn trong thời gian tới, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng: Thứ nhất, đối với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ngân sách để đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn và phải coi phát triển giao thông nông thôn chính là phát triển cho đầu tư. Thứ hai, phải kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi thu mua sản phẩm, chế biến sản phẩm thì cũng phải nghĩ đến vấn đề giao thông. Thứ ba, tiếp tục kêu gọi xã hội hóa. Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi các nhà đầu tư.

Cuối cùng, phải quan tâm đến hiệu quả của vốn đầu tư, lâu nay chúng ta đầu tư lớn nhưng đâu đó vẫn có trường hợp đầu tư không hiệu quả, chất lượng kém. Nếu hiệu quả không cao, chất lượng kém thì dẫn đến việc làm đi làm lại. Do vậy, phải chống được tham nhũng trong đầu tư. Đồng thời, chống thất thoát và lãng phí.

Bài: Đỗ Thị Thúy Nga - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV