Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa có báo cáo tình hình thực hiện Đề án Bảo vệ rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; các thách thức, cơ hội cho quản lý rừng ngập mặn ở Việt Nam.

Ngày 04/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” (Đề án 1662). 

Sau khi Kế hoạch được ban hành, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 7308/KH-BNN-TCLN về triển khai quyết định số 1662/QĐ-TTg; Ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện đề án. Đến nay, các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết định số 1662/QĐ-TTg.

18 bo nong nghiep phat trien rung ven bien.jpg
Nhiệm vụ đặt ra cần giải quyết là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích  rừng vùng ven biển hiện có. 

Thông báo về kết quả bảo vệ và phát triển rừng, Cục Lâm nghiệp cho biết, giai đoạn 2021-2023 đã  bảo vệ được 309.131 ha; Trồng rừng 6.315 ha, đạt 31,6% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, trong đó: Trồng rừng mới 3.057 ha; Trồng bổ sung, phục hồi và làm giàu rừng 3.258 ha. Trồng được 327 nghìn cây phân tán. Một số địa phương trồng rừng đạt kết quả cao có thể kể đến Quảng Ninh (843 ha); Hải Phòng (663 ha); Quảng Bình (601 ha); Hà Tĩnh (599 ha); Quảng Trị (533 ha).

Giai đoạn 2021-2023, có 71 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển với tổng vốn đầu tư 2.165,9 tỷ đồng, đạt 72,9% so với kế hoạch của Đề án (2.972,0 tỷ đồng), theo các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA và các nguồn vốn khác.

Đại diện Cục Lâm nghiệp cũng cho biết, hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất quy hoạch trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều dự án trồng rừng ven biển triển khai thực hiện còn chậm tiến độ, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số địa phương chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, một số dự án gây bồi, tạo bãi để trồng rừng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều địa phương phải thay đổi vị trí trồng rừng nhiều lần mới thành rừng; Công tác kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng giống còn hạn chế và số liệu thống kê, báo cáo về rừng ven biển của một số địa phương còn bất cập, chưa chính xác và thiếu thống nhất.

Nguyên nhân có thể kể đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xói lở bờ biển cửa sông, gây mất rừng khó khăn cho trồng rừng. Các loài sinh vật gây hại như Hà (Barnacle), Giáp xác chân đều (Isopoda) gây chết rừng ngập mặn ở nhiều tỉnh (Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Định). Ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp hoặc những khu nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa… có nguy cơ tăng;  Hiện trường trồng rừng ngày càng khó khăn, bãi bồi ngập nước sâu, đất cát nghèo dinh dưỡng. Cùng với đó, đất quy hoạch rừng vùng ven biển thường xuyên biến động do nhu cầu sử dụng đất để phát triển KTXH.

Nguyên nhân chủ quan do vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển còn hạn chế. Huy động các nguồn ngoài ngoài khác còn rất thấp (6,61%); Thủ tục thực hiện dự án theo Luật đầu tư công, Luật Đấu thầu mất nhiều thời gian dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm, một số dự án phải điều chỉnh. Bên cạnh đó, quy hoạch và quản lý quy hoạch đất trồng rừng ven biển ở một số địa phương còn hạn chế, bất cập; chưa quyết liệt xử lý tình trạng xâm chiếm đất trái phép, thu hồi đất để trồng lại rừng theo quy định; Công tác nghiên cứu khoa học về các giải pháp hỗ trợ chắn sóng, xói lở bờ biển còn hạn chế; chưa có giải pháp hữu hiệu phòng chống sâu bệnh hại rừng ngập mặn.

Nhiệm vụ đặt ra cần giải quyết là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích  rừng vùng ven biển hiện có. Trồng rừng mới: 20.000 ha, gồm: Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn): 9.800 ha; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay: 10.200 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 là 11.000 ha. Trồng bổ sung phục hồi rừng, làm giàu rừng 15.000 ha, gồm: Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn): 6.800 ha; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát): 8.200 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 là 9.000 ha.

Các giải pháp được đặt ra gồm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Lâm nghiệp; rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách; Nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng rừng có sức chống chịu cao; Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai thực hiện Đề án và các dự án đầu tư cụ thể, bảo đảm phân bổ vốn đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển.

Huy Phúc và nhóm PV, BTV