Còn nhiều dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa

Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết quý I/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. 

Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 39,06% về số lượng và 20,64% về giá trị. Giao dịch TTKDTM tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,7% về số lượng và 33,12% về giá trị.

Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động TTKDTM, dịch vụ thẻ ngân hàng cũng được các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm phát triển, trong đó thẻ tín dụng là phương thức thanh toán đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của khách hàng. 

Tính đến tháng 3/2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ (tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023), với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Trong đó, 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC với hơn 15,3 triệu thẻ đang hoạt động.

Đáng chú ý, đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%). 

napas
Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc Napas - kỳ vọng thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng cũng như hạn chế vấn nạn tín dụng đen.

Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).

Thẻ tín dụng nội địa là loại thẻ thanh toán với phạm vi sử dụng trong nước. Hình thức sử dụng thẻ là chi tiêu trước – trả tiền sau. Ngân hàng sẽ cung cấp một hạn mức chi tiêu nhất định cho chủ thẻ. Chủ thẻ dùng số tiền trong hạn mức để thanh toán cho giao dịch của mình và trả lại khoản tiền đó cho ngân hàng vào thời gian được hiển thị trên sao kê hàng tháng. Hạn mức thẻ được xác định tùy thuộc vào khả năng tài chính và hồ sơ đăng ký của chủ thẻ. 

Thẻ tín dụng nội địa mang đủ tính năng của một chiếc thẻ chuẩn. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng tương tự như vay một khoản vay tiêu dùng nhưng lãi suất thấp hơn rất nhiều so với đi vay. Và hồ sơ mở thẻ đơn giản hơn so với việc làm khoản vay tín dụng.

Phát triển thẻ tín dụng nội địa để hạn chế tín dụng đen

Tại Hội thảo Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” do Báo Lao động phối hợp cùng Vụ Thanh toán (NHNN) và CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức chiều 21/5, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - đánh giá dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua

“Hiện nay, chúng ta có hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa, với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế” – ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Napas, kỳ vọng thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng cũng như hạn chế vấn nạn tín dụng đen. Thẻ tín dụng nội địa có các tính năng của thẻ tín dụng thông thường (như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày...), không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước mà còn sử dụng thanh toán/rút tiền ở một số quốc gia. 

Ngoài ra, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp. 

Thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, nhất là trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết thời gian qua, NHNN đã chủ động xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn. 

Để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa; Triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.