Huyện Đắk Hà là địa phương có diện tích sản xuất cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum với tổng diện tích là 12.260 ha. Trong đó, có 13 cánh đồng chuyên canh sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.939 ha. Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển, sản xuất cà phê theo hướng bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ huyện Đăk Hà về xây dựng thương hiệu "Cà phê Đăk Hà vươn tầm Quốc tế”, sản xuất cà phê theo hướng bền vững, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum và huyện Đắk Hà đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế giai đoạn 2020 - 2025.
Thực hiện lộ trình xây dựng thương hiệu Cà phê Đăk Hà, các doanh nghiệp, Hợp tác xã có sự liên kết chặt chẽ với các các tổ chức kinh tế quốc tế, Nhà khoa học để tiếp nhận thông tin, kỹ thuật canh tác cà phê bền vững. Các Tổ hợp tác sản xuất Cà phê bền vững ngày càng phát triển số lượng thành viên và hoạt động có hiệu quả. Qua đó, nâng cao năng suất, sản lượng Cà phê trên cùng đơn vị diện tích. Thêm vào đó, yếu tố độc đáo trong quy trình canh tác và thu hái sản phẩm của người dân bản địa tại khu vực địa lý cũng góp phần tạo nên hương vị thơm ngon của cà phê Đăk Hà.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm Cà phê đáp ứng yêu cầu thị trường Quốc tế, huyện đã chú trọng vận động các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân đầu tư hệ thống thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến sản phẩm Cà phê.
Đơn cử, để việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín cao, tiếp tục xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”, huyện Đăk Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý trong việc thu hái, tiêu thụ cà phê của người dân trên địa bàn. Để hạn chế tình trạng người dân hái cà phê xanh bán ra thị trường, vừa qua UBND huyện Đăk Hà đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra về thu hái, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê 2023 (Đoàn kiểm tra liên ngành).
Đến nay, toàn huyện có 12 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm, với nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng như Cà phê bột nguyên chất; cà phê hòa tan, cà phê hòa tan 2 in 1, cà phê hòa tan 3 in 1 hương dừa, cà phê chồn nguyên chất, cà phê chồn túi lọc, cà phê sầu riêng...
Đặc biệt, tháng 12/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cà phê Đăk Hà. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Khu vực chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà có độ cao 580 - 650m, bao gồm: Xã Đăk Mar, xã Ngọk Wang, xã Hà Mòn, xã Đăk Ui, xã Đăk La, xã Đăk Long, xã Đăk Pxi, xã Đăk Ngọk, xã Ngọk Réo, xã Đăk Hring và thị trấn Đăk Hà, thuộc huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Đây là vùng có các loại đất phù hợp với nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây cà phê cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chất đặc biệt của sản phẩm chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà.
Việc sản phẩm cà phê Đắk Hà được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vinh dự, đồng thời gắn liền với trách nhiệm gìn giữ, quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và người dân trên địa bàn huyện.
Do vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Đắk Hà tiếp tục chủ động, sáng tạo, tập trung củng cố và nâng cao hoạt động quản lý ngành cà phê, tổ chức phát huy chuỗi các giá trị liên kết sản xuất, tích cực hỗ trợ nguồn lực để ngành cà phê vượt qua khó khăn, giữ vững thương hiệu cà phê Đắk Hà gắn liền với chỉ dẫn địa lý Đắk Hà.
Nhóm PV