- “Với điều kiện hiện nay, đố có một cơ chế nào khuyến khích được người dân đi xe đạp? Bởi, xe máy đối với người Việt Nam đang quá thuận lợi, trong khi xe đạp lại khó khăn về hạ tầng và lưu thông lại mất thời gian. Hơn nữa, hiện nay xe đạp kết nối với xe buýt thì chưa thể, còn kết nối vận tải công cộng lớn lại chưa có tương lai rõ ràng...” - TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông.

Xung quanh việc triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, các chuyên gia giao thông đã bày tỏ quan điểm.

Nghiên cứ kỹ lưỡng trước khi triển khai

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng cục tưởng - Cục Đường bộ VN cho biết: Chủ trương phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại các thành phố lớn ở nước ta là cần thiết, nhưng nếu không cẩn thận khi đầu tư, triển khai sẽ không đem lại hiệu quả và tai nạn giao thông lại tăng thêm.

{keywords}
Với điều kiện hạ tầng hiện nay nếu không có đề án phát triển xe đạp công cộng hợp lý thì chỉ làm rối giao thông đô thị.

So sánh với các nước trong việc phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng, ông Hùng cho rằng, việc phát triển xe đạp ở các nước có quy hoạch rõ ràng và có đường dành riêng cho xe đạp, trong khi ở nước ta điều này lại chưa rõ ràng.

Do vậy, để phát triển dịch vụ xe đạp công cộng trong nội thành, trước tiên các thành phố lớn cần có điều chỉnh đường dành riêng cho xe đạp, không thể để xe đạp đi lẫn với xe máy, nếu không xe đạp sẽ trở thành phương tiện làm “rối” đô thị.

“Thực tế đường dành riêng cho xe đạp tại khu vực nội đô, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là rất khó. Ở một số nước, vỉa hè được dành làm đường cho xe đạp, nhưng ở nước ta dẹp được vỉa hè thì thật không dễ”, ông Hùng cho hay.

Cùng quan điểm với ông Hùng, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, hiện nay nếu phát triển phương tiện xe đạp công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân sẽ rất khó khăn do hạ tầng quá yếu kém.

Cụ thể, nhiều mặt đường ở Hà Nội và TP.HCM chiều rộng chỉ từ 12 – 15m (chiếm 60%), nên đường dành riêng cho xe đạp là rất khó khăn và như vậy bắt buộc xe đạp phải đi chung với xe máy.

Và khi xe đạp đi lẫn với xe máy, trong khi lượng xe máy quá lớn (Hà Nội 4,5 triệu xe TP.HCM khoảng 6,5 triệu xe) thì sẽ rất mất an toàn cho người tham gia giao thông.

“Nếu không có đường dành riêng cho xe đạp mà chúng ta cứ phát triển xe đạp thì tình trạng mất an toàn giao thông sẽ tăng lên...”, ông Thủy nhấn mạnh.

Ông Thủy cũng phân tích thêm, ở nước ta hiện nay xe đạp chủ yếu chỉ là phương tiện đi lại, trong khi lượng lớn xe máy vẫn là phương tiện chính để người dân mưu sinh. Do vậy, những người đi làm ăn sẽ không thể bỏ xe máy để đi xe đạp nên lượng người đi xe đạp sẽ rất ít.

“Hiện nay có tới 50 - 60% xe máy là cần câu cơm nuôi sống gia đình, thì người ta sẽ không thể bỏ để đi xe đạp. Hơn nữa, xe máy thuận lợi về tốc độ, đảm bảo vận chuyển hàng hóa và tương đối cơ động, hợp với túi tiền người dân nên vẫn được lựa chọn...”, ông Thủy nói.

Phát triển theo hướng nào?   

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong tương lai gần, từ 5 đến 10 năm tới ở nước ta cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho xe đạp phát triển. Và trong điều kiện hiện tại, trước mắt chỉ nên làm thí điểm ở một số tuyến đường, như ở Thủ đô Hà Nội chỉ phát triển quanh Hồ Gươm, từ đó rút kinh nghiêm chứ không nên cho phát triển đại trà.

{keywords}

Ở các nước phát triển có quy hoạch rõ ràng và có đường dành riêng cho xe đạp, trong khi ở nước ta điều này lại chưa rõ ràng.

“Phải có thí điểm và kết nối phù hợp thì người dân mới chuyến sang đi xe đạp, bởi thực tế hiện nay người dân chưa quen và nếu bất tiện thì sẽ không giải quyết được gì”, ông Hùng cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đối với Hà Nội và TP.HCM, thực tế trong 5 - 10 năm nữa vận chuyển bằng phương tiện công cộng có gia tăng, nhưng chỉ từ  đạt 5-10%. Bởi, hiện nay theo các dự án đang thi công mới chỉ có tuyến tàu điện ngầm Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành – Suối Tiên và một số tuyến tàu điện trên cao.

Đến năm 2020 vận chuyển phương tiện công cộng cũng chỉ đạt 15%, lúc đó xe đạp nối với phương tiện công cộng lớn vẫn còn xa, vì chỉ có 1 vài tuyến thì chưa thể giải quyết được nhiều.

Từ đánh giá trên, ông Thủy cho rằng trước mắt đề án phát triển xe đạp công cộng chỉ nên tập trung xây dựng cho khối công chức và những người làm việc ở các khu công nghiệm có cự ly đi lại chỉ  từ 5 -7km trở lại. Còn xa hơn, từ 10 -15km thì không hợp lý, không thu hút được người dân đi xe đạp.

Và sau khi tính toán cụ thể mới xây dựng phương án cho thuê xe đạp công cộng hoặc khuyến khích sử dụng xe đạp cá nhân.

“Việc này cần phải được lấy ý kiến tham khảo của người dân, nhất là công chức và những người làm việc trong các khu công nghiệp. Và chỉ khi tỷ lệ đồng ý tương đối thì mới triển khai”, ông Thủy nhấn mạnh.

Gia Văn