- Những ngày gần đây, chất lượng đào tạo đại học đã trở thành vấn đề “nóng” trên bàn nghị sự. Có lẽ chưa bao giờ xã hội lại dành cho vấn đề này sự quan tâm đặc biệt như thế. Giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu? Vì sao chất lượng đào tạo đại học mãi không vươn lên được? Và làm thế nào để tìm được lời giải cho bài toán quan trọng này?
Thực tế và khát vọng
Cái tin các trường đại học ở Việt Nam không có, hoặc có vị trí rất khiêm tốn trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á, là nỗi buồn và thất vọng cho không ít người.Bởi như thế là giáo dục đại học Việt Nam đã tụt hậu khá xa so với khu vực, chứ chưa nói đến thế giới.
Tuy nhiên, nếu bình tâm nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, thì điều này cũng bình thường thôi. Điều quan trọng là đừng lẫn lộn giữa thực tế và khát vọng. Nếu ai đó đã có dịp đến thăm các trường đại học nước ngoài thì dễ thấy các trường đại học của Việt Nam còn lạc hậu lắm, còn xa lắm mới sánh vai được với các trường đại học châu lục.
Chuyện một trường đại học lớn ở Việt Nam không đủ phòng học, phải đi thuê, sinh viên phải học nhiều ca, không đủ phòng bộ môn, máy móc, thiết bị vừa thiếu vừa quá lạc hậu, môi trường cảnh quan quá chật hẹp, thiếu chỗ sinh hoạt văn hóa, thể thao cho sinh viên (sân vận động, bể bơi, nhà văn hóa, công viên cây xanh…) là chuyện quá bình thường và phổ biến ở Việt Nam. Trong khi tổng đầu tư cho một trường đại học của thế giới có thể lên tới hàng tỉ đô la mỗi năm, còn cỡ vài trăm triệu đô la là phổ biến, thì ở Việt Nam số trường đại học được đầu tư khoảng 10 triệu đô la một năm, chỉ được đếm trên đầu ngón tay, còn phổ biến chỉ ở mức vài ba triệu.
Thu nhập và mức sống của giảng viên và giáo sư đại học cũng quá chênh lệch.
Ngay ở Đài Loan, rất gần Việt Nam, lương giảng viên đại học khoảng 38 triệu, lương giáo sư khoảng 45 triệu đồng VN/1tháng, ấy vậy mà nhiều giảng viên đại học Đài Loan còn bỏ nghề đi làm việc khác, vì cho rằng thu nhập như vậy là không đủ sống.
Còn ở Việt Nam, lương và thu nhập của giảng viên đại học phổ biến chỉ bằng 1/5 -1/6 lương của Đài Loan. Đương nhiên so với lương giảng viên đại học ở các nước phát triển thì còn thấp hơn nhiều. Rất nhiều giáo viên trẻ phải quá vất vả cho sự mưu sinh, lương thấp, phải đi thuê nhà ở tạm, phải làm thêm đủ thứ nghề để sống… Ấy vậy mà họ vẫn làm việc hết mình, vẫn dành cả tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo các thế hệ tương lai…
Với một nguồn lực như thế, với thu nhập và đời sống dựa trên cơ sở của một nền kinh tế như thế, mà đại học Việt Nam sánh vai được với các trường đại học hàng đầu châu Á, mới là chuyện lạ.
Vì thế xin nhắc lại rằng, đừng lẫn lộn giữa thực tế và khát vọng. Điều đó cũng giống như, ai cũng mong đội tuyển bóng đá Việt Nam ngang hàng với các đội bóng đá ở châu lục, mong ngày nào đó, Việt Nam có mặt ở đấu trường World Cup… Mơ ước thì cứ mơ ước, khát vọng thì cứ khát vọng, nhưng điều đó không phải diễn ra nay mai, mà sẽ là chuyện của tương lai, của nhiều chục năm nữa. Đừng lẫn lộn giữa thực tế và khát vọng để khỏi bi quan, chán nản, để trân trọng những gì mình đã làm được, đã vượt qua trong muôn vàn gian khó, để vững tin ở con đường đi tới.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Các nhà hoạch định chiến lược đã mổ xẻ khá kỹ nguyên nhân của tình trạng tụt hậu (xin được tạm gọi như thế) của giáo dục đại học Việt Nam.
Phần nhiều đổ lỗi cho khách quan, cho tình hình kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành giáo dục và đào tạo. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ và quan trọng hơn đó chưa phải là nguyên nhân cơ bản.
Tôi cho rằng, trách nhiệm quạn trọng nhất thuộc về sự quan tâm của nhà nước, sự quan tâm và đầu tư mang tầm vĩ mô đối với giáo dục đại học Việt Nam.
Bài toán: Xây dựng một nền giáo dục đại học mạnh, tiếp cận được với khu vực và thế giới, nhưng lại dựa trên xuất phát điểm của một nền kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn như ở Việt Nam, đã được đặt ra từ lâu và đã có lời giải cho bài toán này.
Đó là câu chuyện từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Đảng và Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng 2 đại học quốc gia và sau đó là 2 trường ĐHSP trọng điểm (ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), coi đó như những mũi nhọn, những đầu tàu, những quả đấm chiến lược, có ý nghĩa đột phá khẩu để đưa giáo dục đại học Việt Nam vươn ra thế giới trong thời kỳ hội nhập.
Rất tiếc, gần 2 thập kỷ đã trôi qua, vì nhiều lý do khác nhau, khát vọng đó vẫn còn ở phía trước, và bây giờ các nhà hoạch định chiến lược lại đang loay hoay kiếm tìm những mô hình đại học mới - đại học tầm cỡ quốc tế, đại học ngang tầm châu lục…
Bài toán của gần 2 thập kỷ trước vẫn còn đó và không biết đến bao giờ nó mới tìm được lời giải trong hiện thực, nếu như các trường đại học Việt Nam chỉ được duy trì ở mức đầu tư như hiện nay- một mức đầu tư quá xa so với khu vực, so với nhu cầu, một mức đầu tư nhiều lắm cũng chỉ đủ để tồn tại chứ không đủ để phát triển.
Nhà nước có thể bỏ ra gần 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 1km cầu đường và hàng năm có hàng trăm km cầu đường như thế được xây dựng. Nhưng kinh phí đầu tư cho 1km đường ấy (xin nhấn mạnh là chỉ 1km đường thôi) lại là con số quá lớn, con số của mơ ước trong đầu tư xây dựng đại học, nó có thể bằng tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản cho các trường đại học ở Việt Nam trong nhiều năm.
Hà Nội đã dành mấy trăm héc ta đất để quy hoạch một số trường đại học lớn ở khu vực Hà Nội, nhưng lâu nay không có biến chuyển gì và rất có thể quy hoạch vẫn chỉ là quy hoạch!
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến và cho phép trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm quy hoạch 200ha đất tại Ba Vì để phát triển, nhưng bây giờ đã nằm trong quy hoạch của “đại nghĩa trang” của Hà Nội.
Trên bàn nghị sự, Quốc hội đã bàn nhiều việc lớn, với những quyết sách hàng trăm ngàn tỷ đồng, hàng chục tỷ USD, nhưng hình như chưa bao giờ có nghị sự đầu tư chiến lược cho xây dựng các trường đại học. Nói đúng hơn, bàn về giáo dục đại học, mổ xẻ yếu kém của giáo dục đại học, phê phán giáo dục đại học thì có, nhưng bàn về đầu tư chiến lược cho giáo dục đại học thì chưa!
Nhớ lại lúc sinh thời, cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội- người lĩnh ấn tiên phong trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học- đã từng mơ ước: Đại học Việt Nam muốn phát triển, cần lắm phải có những quyết sách chiến lược, những đầu tư chiến lược, kiểu như quyết sách của Đường Hồ Chí Minh, của Đường dây 500KW.
Thiết nghĩ- giáo dục đại học Việt Nam xứng đáng phải có những quyết sách chiến lược mang tầm cỡ như vậy, bởi đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung, cho giáo dục đại học nói riêng là đầu tư cho đào tạo trí tuệ, đầu tư cho nhân tài, đầu tư cho nguyên khí quốc gia, và cũng bởi vì trong các loại tụt hậu thì sự tụt hậu về trí tuệ là sự tụt hậu đáng sợ nhất. Bởi đó sẽ là một trong những căn nguyên của nhiều loại tụt hậu khác.
Việt Nam không thiếu nhân tài, không thiếu những nhà khoa học, những giáo sư có tên tuổi của thế giới, học sinh Việt Nam cũng giỏi và thông minh không kém các nước tiên tiến, nhưng với một hệ thống cơ sở đào tạo đại học lạc hậu, thiếu những quan tâm đầu tư chiến lược như hiện nay, thì nạn chảy máu chất xám là điều khó tránh khỏi. Đó là sự lãng phí ghê gớm mà không phải lúc nào cũng cảm nhận thấy được.
Bởi vậy, trong những lời giải cho bài toán của giáo dục đại học thì đầu tư tập trung và chiến lược cho giáo dục đại học có lẽ là điểm nút quan trọng nhất.
Quyết sách chiến lược ấy phải ở tầm vĩ mô, phải vượt xa hơn tầm quyết sách của ngành giáo dục và đào tạo. Đó phải là quyết sách của Nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ. Bởi không có sự quan tâm và đầu tư chiến lược như thế, không có một “cú hích” chiến lược như thế, khát vọng về một nền giáo dục đại học Việt Nam phát triển ngang hàng với Châu lục và Thế giới, có lẽ vẫn còn ở rất xa!
- PGS.TS Kiều Thế Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội)