- Khi phi công đã yên vị trong buồng lái thì vị khách bất ngờ yêu cầu được gặp tổ bay, chúc Tết và lì xì cả phi hành đoàn.
Anh Nguyễn Đức Ngọc Minh (SN 1976), Đội trưởng đội bay Airbus A350, Vietnam Airlines cho biết, ngày Tết nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, các chuyến bay phải tăng cường nên đây là đợt cao điểm bay.
Cơ trưởng Nguyễn Đức Ngọc Minh cùng cơ phó trên máy bay A350 |
An ninh ngành hàng không ngày càng được tăng cường nên ít nhiều ảnh hưởng đến sự giao tiếp giữa phi công và hành khách.
“Tuy nhiên, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt với các vị khách trên chuyến bay”, anh kể.
Cách đây ít năm, vào dịp Tết, khi anh đang trong buồng lái thì nữ tiếp viên trưởng vào báo cáo có một vị khách đặc biệt, nguyên là lãnh đạo cao cấp nhà nước. Người khách này bày tỏ ý muốn chúc Tết và lì xì phi hành đoàn.
“Tôi sắp xếp người trực ở buồng lái và cùng một số tiếp viên xuống khoang hành khách. Gặp vị khách ấy, tôi khá bất ngờ, bởi khi ông đương nhiệm, tôi đã có cơ hội lái chuyên cơ chở ông đi công tác nước ngoài. Lúc này ông đã về hưu và có chuyến bay đúng ngày đầu năm mới”, anh Minh kể.
Vị khách nói với mọi người, ông rất quan tâm, chia sẻ với nỗi vất vả, thiệt thòi của anh em làm nhiệm vụ. Ông đã chúc Tết, mừng tuổi và động viên cả phi hành đoàn.
Hơn 20 năm làm phi công, anh Minh chưa một lần đón Tết trọn vẹn với gia đình |
“Chúng tôi rất cảm động. Không chỉ thế, vào các ngày Tết, sau khi kết thúc chuyến bay, nhiều vị khách cũng vui vẻ bắt tay chúng tôi. Họ cảm ơn vì chúng tôi đã đem đến cho họ một chuyến bay an toàn, tốt đẹp”.
Những chuyến bay xuyên đêm
Anh Minh kể: “Tôi lái A350 là loại mới, chủ yếu bay đường dài như Hà Nội - Paris (Pháp), cũng có chuyến tầm trung như Hà Nội - Nhật, chuyến ngắn như Sài Gòn - Hà Nội.
Có những chuyến chúng tôi phải bay xuyên đêm, sang đến Paris thì trời bắt đầu sáng. Lúc người ta bắt đầu một ngày mới thì chúng tôi đi nghỉ sau một chuyến bay dài hơn chục tiếng đồng hồ”.
Khi đã theo nghề này, các phi công đều xác định tâm lý không có ngày lễ, Tết hoặc có nhưng không thể trọn vẹn. Vợ con, gia đình của họ cũng thông cảm khi chồng, cha vắng mặt vào những thời khắc quan trọng trong năm.
Anh nói thêm: “Tôi vào nghề từ năm 1994, năm 1996 bắt đầu lái. Hơn 20 năm nay, tôi chưa có Tết nào trọn vẹn với gia đình.
Tết Nguyên đán mọi người được nghỉ 7-9 ngày thì phi công tối đa chỉ được nghỉ 3 ngày”.
Cũng theo anh Minh, qua những đợt cao điểm, các phi công, tiếp viên được nghỉ bù dài hơn nhưng lúc này con đã trở lại trường học và vợ cũng đã đi làm.
Mặc dù vậy, anh khẳng định, khi theo nghề là phải xác định và chấp nhận. Điều may mắn với các phi công là được gia đình, người thân của họ luôn ủng hộ, thông cảm.
Các phi công đều xác định tâm lý làm nghề phi công thì sẽ không có ngày lễ, Tết hoặc có nhưng không thể trọn vẹn |
Những chuyến bay Tết, sau khi xong việc, anh em trong phi hành đoàn về khách sạn ở Pháp tổ chức liên hoan vui Tết bên nhau.
Những ngày đó, ở Paris đang là mùa đông, trời lạnh giá, chúng tôi ngồi trong khách sạn của nhìn tuyết rơi, ăn với nhau vài món nhẹ, chúc Tết nhau để rồi hôm sau lại lên những chuyến bay. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình…”.
Tết đặc biệt ở độ cao 10.000m của tiếp viên hàng không
Đúng 00h00', cả cabin máy bay bừng sáng, tiếng nhạc phát ra lời bài hát "Happy New Year" báo hiệu Tết đã đến.
CSGT trên trời 24 năm chưa một lần về quê ăn Tết
Từ ngày vào nghề kiểm soát viên không lưu, đã 24 năm, chàng trai Hà Nội Trương Hiệp Hòa chưa một lần được về quê sum họp lúc Tết đến.
Vũ Điệp