Patrick Smith là một phi công đang sống ở Somerville, Massachusetts, Mỹ. Ông đã tới thăm hơn 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quá ấn tượng với giao thông ở Hà Nội, ông đã viết một bài về cảm xúc của mình trên Salon.com


Điều gì xảy ra khi hàng trăm nghìn xe máy đổ xuống đường phố ở Hà Nội - ngày nào cũng như ngày nào?

Các sách hướng dẫn du lịch thường gợi ý bạn nên đi tham quan Vịnh Hạ Long khi du lịch tới Hà Nội, cách phía đông thành phố này khoảng ba giờ rưỡi lái xe. Và có thể đúng vậy. Hạ Long, một di sản thế giới, chắc chắn là một trong những nơi đẹp nhất hành tinh, với những núi đá vôi trông như những chiếc răng cưa - hàng nghìn núi như vậy, mỗi núi cao vài trăm mét nhô lên khỏi mặt biển.

Nhưng có lẽ, trên và vượt xa tất cả, điều khiến tôi nhớ nhất về Hà Nội là giao thông nơi đây.

Nếu như tất cả các nhà văn du lịch trên thế giới chung sức để miêu tả về giao thông ở thủ đô Việt Nam, tôi cho rằng họ không thể lột tả hết.

Đó là một kiểu đi lại khác biệt, không giống như những hỗn loạn ở Cairo hay nạn kẹt xe ở Bangkok. Đó không phải là ùn tắc giao thông vì luồng chạy ít khi dừng lại. Thực sự, nó di chuyển giống như một con sông: chầm chậm nhưng đều đặn và có thể dự đoán được cả về số lượng lẫn tốc độ.

Đa số các phương tiện chạy trên đường không phải xe hơi cũng chẳng phải xe tải mà là hàng trăm nghìn xe máy và một con số nhỏ xe đạp. Người dân ở Hà Nội thường trong trạng thái di chuyển chầm chậm trên một loại xe nào đó: cả đàn ông và phụ nữ; các cô gái ngồi vắt chân một bên mang theo ô; những em bé ngồi sau ôm chặt lấy lưng ba mẹ chúng.

Phần lớn các hoạt động buôn bán của Hà Nội cũng "di chuyển" theo cách này, với các bó, các hộp và mọi thứ được chất cao hơn cả người lái.

Luật lệ giao thông, nếu chúng ta có thể gọi như vậy, khá dễ hiểu: di chuyển, di chuyển và tiếp tục di chuyển, mắt chăm chăm nhìn về phía trước. Không có chuyện chậm lại, không đổi hướng vì lợi ích của những người lái xe máy khác - và chắc chắn là không phải vì lợi ích của người đi bộ.

Mọi ngã tư đều giống như tổ ong, với các phương tiện đan chéo nhau, không theo một trật tự hay quy định nào.

Dù sức mạnh nào khiến cho các xe không đâm vào nhau thì cũng khó có thể nhìn thấy bằng mắt. Chỉ bằng cách di chuyển chậm, có lẽ, một hệ thống trật tự nào đó, một kiểu cho và nhận nào đó, mới được bộc lộ.

Từ quan điểm của một khách du lịch, thật khó mà đoán được làm thế nào một người có thể sang đường và sống sót để mà thuật lại. Thật thú vị khi nghĩ đến giả thiết nếu không sang đường được thì những người sống ở mỗi bên của con đường phải sống tách biệt nhau cả đời bởi dòng xe nối đuôi nhau chẳng thể xuyên thủng được.

Nhưng họ sang được đường. Và du khách cũng không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải liều một phen. Bạn phải đi thật rón rén, thật thận trọng vào "tổ ong". Bạn không được chờ hoặc xin đi đúng đường, bạn phải giữ đúng hướng trong dòng xe nườm nượp, với liên tiếp xe này xe kia xuất hiện như xông vào bạn. Người đi bộ di chuyển chậm nhưng liên tục. Nó giống như bơi, như một điệu nhảy trên chiến trường.

Trong tất cả những điều nguy hiểm nhưng thú vị nên chứng kiến, có lẽ hãi hơn cả là cảnh trẻ nhỏ, thậm chí toàn bộ gia đình, cưỡi trên một chiếc xe máy, lượn quanh các phố và vun vút qua các ngã tư.

Vào một hôm, khi có một trận bão kéo tới, tôi chứng kiến một phụ nữ vội vã mặc chiếc áo mưa cho đứa con nhỏ khi đứa trẻ ngồi chênh vênh trên chiếc xe máy Honda của mẹ. Vài giây sau, mẹ và con lại phăm phăm phóng trên đường, chẳng có mũ xe máy. Đứa trẻ bám chặt mẹ hết sức có thể.

Thanh Hảo (gt)