Cô gái và chàng trai kém tuổi thương nhau, lúc ưng cái bụng thì họ trao cái thân. Cô gái mang bầu, đi đòi anh chàng kia phải cưới hỏi mình nhưng anh này lại trốn tránh trách nhiệm. Để từ chối cô gái, gia đình anh này thách cưới rất cao dù biết gia đình cô nghèo khó, không thể nào đáp ứng được. Từ ngày thấy rõ bộ mặt “gã Sở Khanh”, cô gái phải chấp nhận một mình nuôi con, chịu bao nhiêu cay đắng, tủi buồn...

Bi kịch vì “ăn cơm trước kẻng”

Đó là chuyện buồn của Nay Hờ N (22 tuổi, buôn Thu, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). N là con gái áp út trong gia đình nghèo có đông anh chị em. Năm N lên 5 tuổi, người mẹ đổ bệnh rồi mất đi. 

Nhà nghèo, N chỉ được học hành trầy trật đến đầu cấp 2 thì nghỉ để lên nương lên rẫy. Dù chịu bất hạnh, thiệt thòi nhưng N càng lớn càng xinh, lại được cái nết cái na. Ai cũng nghĩ sau này N sẽ được hạnh phúc, đâu ngờ...

“Cách đây cũng hơn 2 năm rồi à, mình quen nó (ý nói người thương của N). Hai đứa đi làm thuê ở xã bên rồi gặp nhau. Nó kém mình 2 tuổi. Quen nhau chừng vài tháng thì thương. Cứ nghĩ nó thật bụng thật ruột. Ai có biết đâu cái miệng nó nói một đằng mà nó làm một nẻo...”, N thở dài, bỏ lửng câu chuyện mà mỗi lần nhắc lại là mỗi lần đau đớn.

Hồi lâu sau N mới kể tiếp, anh chàng kia tên là Y T (19 tuổi, người ở xã Sông Hinh). Ngày đầu nảy sinh tình cảm, đôi trai gái cứ quấn quýt với nhau không rời. Sống trong mối tình đầu, N hạnh phúc, mơ mộng và ao ước bao điều. 

Không ai khác, chính anh chàng kia đã giúp N tô vẽ nên những bức tranh lãng mạn về tương lai. Trong tình cảm thắm thiết, nồng nhiệt, N đã vượt qua ranh giới của tình yêu trong sáng. Rồi N mang bầu...

Khi biết chuyện con gái mang thai, bố N là ông Rô Y Tlưng (65 tuổi) đã vô cùng tức giận. Tuy nhiên, chuyện đã rồi nên ông chỉ còn nước nghĩ cách giải quyết cho êm xuôi. Lần theo địa chỉ, người cha tìm đến nhà T để hỏi chuyện bắt chồng cho con gái. 

Khi ông nói chuyện cưới hỏi, T và gia đình tỏ vẻ đồng ý, tuy nhiên với điều kiện là gia đình ông phải đáp ứng được mức thách cưới của gia đình T đưa ra. Theo đó, gia đình T thách cưới với giá hơn 50 triệu đồng, trong đó bao gồm tiền và trâu bò, lễ vật các thứ...

“Ban đầu nghe gia đình T nói sẽ thách cưới, mình thấy bình thường, vì phong tục là như vậy mà, dù muốn dù không thì vẫn phải làm. Với lại mình muốn làm đám cưới đàng hoàng cho con gái, mình cũng biết là phải đầy đủ lễ nghi. 

Nhưng mà khi nghe nhà thằng T thách cưới số tiền nhiều như vậy, mình ngả ngửa. Vì nhà mình thì nghèo, 17 năm nay mình gà trống nuôi con, kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy. Mình càng nghĩ càng thấy dường như không phải T thách cưới mà là nó đang thách thức mình vậy”, ông Tlưng bức xúc.

Trước điều kiện quá cao, ông Tlưng đã từ chối. Tuy nhiên vì thương con gái, người đàn ông đã nhiều lần đến nhà của T để bàn bạc lại chuyện cưới xin, hy vọng nhà trai có thể thách cưới thấp xuống, để lo được cho con gái ông tấm chồng, đứa cháu ngoại chào đời cũng có người cha. 

Tuy nhiên, gia đình nhà T trước sau như một, khăng khăng giữ mức thách cưới “trên trời”. Vì vậy, chẳng có đám cưới nào được tổ chức, cho dù là N đã mang bầu, cái bụng mỗi ngày một lớn.

{keywords}
Ông Tlưng kể về chuyện con gái và cháu ngoại của mình bị gã Sở Khanh hắt hủi

“Nó thách cưới cao chỉ là cái cớ”

Càng trò chuyện với chúng tôi, ông Tlưng như càng thêm buồn rầu, bởi càng về sau ông mới nhận ra bản chất thật của T và gia đình. Theo ông, gia đình T đưa ra mức thách cưới quá cao như vậy không phải vì muốn tiền, muốn được trâu, được bò mà là vì mục đích khác. 

Chuyện là từ ngày N mang bầu, T chẳng hề quan tâm, hỏi han gì đến người yêu lẫn máu mủ của mình. Khi cha mẹ thách cưới, T cũng chẳng có biểu hiện gì là mong muốn được cưới N làm vợ, được làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha.

Ông Tlưng kê lại, khi N mang bầu được vài tháng mà chuyện cưới hỏi vẫn chẳng thể giải quyết được, ông đã chở con gái đến nhà T để yêu cầu T chăm sóc, trông nom. Đến mức này, T đã buộc phải đưa N về lại nhà và ở lại đây cùng người thương. Tuy nhiên, lần đó T chỉ ở lại nhà người yêu đâu được 10 ngày rồi bỏ về. Trong thời gian ở đây, T cũng chỉ biết ăn, ngủ và nhậu nhẹt say xỉn chứ chẳng đỡ đần gia đình được gì. 

“Nó chẳng quan tâm, lo lắng cho con gái tôi. Nó ở chơi chán rồi thì nó bỏ đi về nhà nó, rồi sau đó tôi chẳng thấy cái mặt nó đâu...”, ông Tlưng buồn bực.

Ông Tlưng kể lại, sau ngày con gái sinh con, ông đã đến nhà của T để thông báo. Mục đích của ông là báo tin cho T biết rằng N sinh một bé gái để T biết mà đến chăm sóc cho hai mẹ con N. Tuy nhiên lúc đó T đã chẳng có chút gì vui mừng hay xúc động, ngược lại gã trai này thản nhiên nói: “Con ông thì ông lo, sao ông lại bắt tôi lo”. Lần đó ông Tlưng chẳng còn biết phải nói gì. Cũng từ đó, ông thấy rõ bản chất thật của T, một gã trai bạc tình bạc nghĩa.

Càng về sau, bản chất của T càng ngày càng lộ rõ khi gã vẫn dửng dưng, chẳng đoái hoài gì đến con gái của mình. Trong khi đó, N phải chịu đựng không biết bao nhiêu cay đắng, tủi buồn khi không chồng mà chửa, sau này phải làm mẹ đơn thân. 

“Nếu T nó thương và muốn làm tròn bổn phận với con gái mình thì mình cũng thấy an ủi. Việc thách cưới có tốn kém đến mấy mình cũng ráng lo cho con. Nhưng mà thằng T thách cưới cao chỉ là cái cớ để nó chạy làng, rũ bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ thôi...”, ông Tlưng phân trần.

Ông Tlưng tâm sự, vì nhẹ dạ cả tin mà con gái ông tự làm khổ bản thân và đứa trẻ. Nhưng chuyện đã rồi, có trách có mắng thì con gái ông cũng đã làm mẹ, cũng đã chịu quá nhiều đau khổ. Ban đầu ông chỉ biết cam chịu, cố gắng lo cho con cho cháu, hi vọng sau này N có thể tìm được nơi nương tựa. 

Tuy nhiên, thời gian chứng kiến con gái một mình nuôi con, chịu quá nhiều cay đắng, thiệt thòi, ông càng muốn đòi quyền lợi cho con gái. “Sắp tới tôi sẽ làm đơn, trình bày sự việc, gửi lên công an và tòa án để nhờ họ can thiệp, xác định cha cho đứa bé, buộc T phải có trách nhiệm với đứa con của mình”, ông Tlưng cương quyết.

Bố trò chuyện, N lặng lẽ bế bồng, nựng nịu con gái, gương mặt cố cười nhưng ánh mắt không thể giấu được nỗi buồn. Con gái của N nay đã hơn 1 tuổi, bụ bẫm, dễ thương. Con còn khá nhỏ, N phải ở nhà trông nom chứ chưa đi làm phụ giúp bố được gì. 

Suốt ngày, N quanh quẩn với nỗi buồn mà bản thân chẳng biết phải làm thế nào để dứt ra được. Nhiều lúc N muốn đi đâu đó cho phai lảng, người bớt đi cảm giác nặng nề. Tuy nhiên, N cũng tâm sự, bây giờ nhiều lúc chị chẳng có can đảm để ra đường, để gặp mọi người.

Khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, cha, mẹ, con, người giám hộ... theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự...

Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”.

Theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Hình sự: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

(Theo Pháp luật VN)