Chiếc tàu không gian phóng lên sao Hỏa thất bại của Nga vẫn đang lang thang trên quỹ đạo Trái đất với 12 tấn nhiên liệu độc.
Theo AP, tin tệ hơn là Phobos-Ground có thể rơi trở lại xuống mặt đất trong một vài tuần tới, nếu như các kỹ sư Nga không kịp kết nối lại với nó trước ngày mai. Họ cũng hy vọng số nhiên liệu trên tàu sẽ phát nổ trên thượng tầng khí quyển và không đe dọa đến mặt đất.
Tuy nhiên, nguy cơ là vẫn hiện hữu.
Tàu không gian không người lái trị giá 170 triệu USD mang tên Phobos-Ground với sứ mệnh khám phá sao Hỏa được phóng đêm qua từ Kazakhstan. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, theo kế hoạch, các động cơ của tàu sẽ phải kích hoạt hai lần để thắng được lực hút Trái đất và thoát về phía sao Hỏa.
Mặc dù vậy, tai họa đã xảy ra khi không một động cơ nào “lên tiếng”. Hậu quả là tàu không thể rời khỏi quỹ đạo Trái đất và đang bay lơ lửng ở độ cao từ 129 – 212 dặm phía trên mặt đất. Và theo quan sát của vệ tinh Mỹ, có vẻ như quỹ đạo bay này đang ngày một thấp xuống.
Văn phòng Không gian Liên bang Nga dự đoán rằng quỹ đạo của tàu và nguồn nhiên liệu trên tàu cho phép nó bay vòng quanh Trái đất trong khoảng 2 tuần. Ông Vladimir Popovskin, Giám đốc cơ quan này thừa nhận hệ thống duy trì cho tàu di chuyển đúng hướng có lẽ đã bị hỏng. Nỗ lực “giải cứu” tàu của các kỹ sư Nga đang gặp khó khăn chồng chất vì mạng lưới liên lạc giữa mặt đất với tàu bị hạn chế.
Trên thực tế, chính các nhà thiên văn nghiệp dư mới là đối tượng đầu tiên phát hiện ra sự cố với tàu Phobos-Ground khi họ nhận thấy con tàu vẫn đang mắc kẹt trong khí quyển.
Mặc dù vậy, ông Popovskin vẫn hy vọng đây chỉ là lỗi phần mềm có thể khắc phục được và hệ thống có thể khôi phục được.
Theo số liệu từ phía Nga, con tàu nặng khoảng 14,6 tấn nhưng phần lớn trọng lượng của nó (12 tấn) là nhiên liệu. Vấn đề then chốt là số nhiên liệu này vẫn còn ở dạng lỏng hay đã bị đóng băng. Nếu như nó là chất lỏng, nó sẽ bốc cháy một cách vô hại khi ở độ cao 80km so với mặt đất.
Nhưng nếu như nhiên liệu tàu đã đóng băng thì nguy cơ gây hại cho Trái đất sẽ lớn hơn, bởi số chất độc này sẽ vượt qua được bức tường lửa và rơi xuống đất. Với hợp chất nitrogen tetroxide và hydrazine, đây sẽ là “vệ tinh rơi độc hại nhất từ trước tới nay”.
Năm 2008, cũng vì lo ngại mức độ gây nhiễm độc của một vệ tinh chết (dù bình nhiên liệu titanium của vệ tinh này chỉ chứa khoảng nửa tấn hydrazine đóng băng), chính phủ Mỹ đã phải ra lệnh bắn hạ vệ tinh bằng tên lửa Hải quân.
Trọng Cầm