Yêu thích bức tranh thêu, vị khách Nhật Bản nài nỉ được mua với giá gần nửa tỷ đồng. Tuy nhiên người phụ nữ nghèo quyết định từ chối…
Video: Chị Hoàng Thị Khương chia sẻ về nghề thêu
Nhiều người bảo, người phụ nữ này lập dị, không có tiền nhưng sản phẩm làm ra lại không muốn bán, muốn giữ lại cho riêng mình… Thế nhưng có dịp nói chuyện với chị mới hiểu, phía sau lời từ chối món tiền lớn là cả một ước mơ chưa thành hiện thực.
Chị là Hoàng Thị Khương (SN 1966, Quất Động, Thường Tín, Hà Nội). Năm 2015, chị Khương được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội trong lĩnh vực thêu tranh truyền thống.
Ở cái nôi của nghề thêu - Quất Động, chị Khương không phải người đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Tuy nhiên ước mơ và những điều đặc biệt ở người phụ nữ này không phải ai cũng có.
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương (SN 1966, Quất Động, Thường Tín, Hà Nội). |
Chị Khương vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm thêu.
“Nghe bố mẹ tôi kể lại, sau khi sinh tôi được ít ngày, mẹ tôi đã đặt tôi vào gầm khung thêu rồi ngồi vào đó miệt mài thêu thùa kiếm thu nhập”, chị Khương chia sẻ.
Vì quá mải miết với nghề nên mẹ của chị không để ý đến con. Hậu quả, chị trở thành người con thiệt thòi nhất trong gia đình 6 anh chị em.
“Lúc đó, tôi 3 tháng tuổi, bị sốt cao nhưng mẹ tôi không biết. Cơ thể tôi bị biến chứng, bà cũng không nhận ra. Hôm sau, trong lúc bế tôi đi dạo quanh xóm, một người hàng xóm nhận ra chân tôi có dấu hiệu bất thường, động vào không thấy phản ứng. Mẹ tôi mới tá hỏa đưa tôi đi kiểm tra”, chị Khương nhớ lại câu chuyện do bố mẹ kể lại.
Sau khi kiểm tra tình trạng bệnh, bác sĩ thông báo một bên chân của chị Khương đã bị liệt, vĩnh viễn không thể chữa khỏi.
Chị Khương gắn bó với nghề thêu từ khi mới 8 tuổi. |
“Mang theo khiếm khuyết của cơ thể, tôi nghĩ mình không có khả năng làm tốt việc gì. Vì vậy 8 tuổi, tôi đã học cách cầm kim và thêu những mũi thêu đầu tiên”, chị Khương chia sẻ với PV.
Đến nay, 40 năm đã trôi qua, chị Khương vẫn tiếp tục gắn bó với nghề trong khi nhiều người không còn mặn mà với nó.
“Công việc cặm cụi tối ngày nhưng thu nhập không cao nên mọi người bỏ nghề. Còn tôi, cái nghề đã ăn sâu vào máu nên tôi cứ mãi gắn bó với nó”, chị Khương trải lòng.
Theo chia sẻ của chị Khương, chính vì niềm đam mê với nghề truyền thống của quê hương, chị đã cần mẫn làm việc và đào tạo nghề thêu cho hàng trăm trẻ em và những người khuyết tật.
Tiền thu nhập do nghề mang lại không nhiều nên chị Khương vẫn phải nhận trợ giúp của anh chị em trong gia đình. Thế nhưng những người biết chị Khương đều không ít lần bất ngờ khi thấy chị nhất định giữ lại "đứa con tinh thần" mà từ chối món tiền lớn của khách.
“Tôi mặc cảm với bản thân nên không dám lập gia đình. Vì vậy các anh chị em trong nhà vẫn hỗ trợ tôi về kinh tế. Tôi dựa vào đó để giảm bớt gánh nặng tiền bạc, dành thời gian làm những việc mình thích và giữ lại các bức tranh thêu…”, chị Khương bộc bạch.
Bên cạnh đam mê thêu, chị Khương hướng dẫn các em nhỏ và những người khuyết tật kỹ năng thêu. |
Theo lời chị Khương, năm 2010, chị đã từng mang những sản phẩm của mình đi giới thiệu trong dịp Hà Nội 1000 năm Thăng Long. Nhiều người xem xong trả giá khá cao, thế nhưng chị lắc đầu từ chối.
“Mục đích của tôi chỉ là giới thiệu những "đứa con tinh thần" của mình đến với mọi người. Thế nhưng nhiều người năn nỉ muốn mua. Trong đó, có một vị khách rất thích bức tranh căn nhà nhỏ giữa rừng của tôi. Ông ta hỏi tôi giá bán. Tôi nói đùa là 100 triệu đồng (mức giá rất cao so với những bức tranh đã từng được bán trước đó của chị Khương). Không ngờ, vị khách này trả giá 96 triệu”, nghệ nhân này nhớ lại.
Đây là món tiền khá lớn với một người phụ nữ nghèo như chị Khương. Nhưng đó là bức tranh mà chị thích. Trong bức tranh thêu, chị đã phác họa hình ảnh một ngôi nhà nhỏ. Bên cạnh ngôi nhà là con suối và một cánh rừng hoa.
“Đó chính ngôi nhà mơ ước của tôi. Tôi muốn giữ nó lại cho riêng mình”, chị Khương trải lòng.
“Nhiều người trong nhà nói tôi dị tính, tiền không có, nhiều lúc phải vay mượn anh em để duy trì cuộc sống, công việc. Thế nhưng tranh của mình lại không muốn bán”, chị Khương nói tiếp.
Bức tranh được trả giá gần nửa tỷ nhưng chị Khương quyết định giữ lại cho mình. |
Năm 2015, có một người phụ nữ Nhật đi thăm quan làng nghề, nhìn thấy bức tranh đồng quê trên của chị, vị khách rất thích. Bà đến 2 lần, trả giá bức tranh gần nửa tỉ đồng và năn nỉ chị Khương bán. Tuy nhiên chị nhất định từ chối.
Bức tranh được chị bắt đầu thêu từ những năm 2000, đến năm 2015 mới hoàn thành và vừa được lên khung nên chị Khương rất quý.
Người phụ nữ này cho biết, sau khi từ chối món tiền lớn, có nhiều người thắc mắc với chị Khương tuy nhiên vì ước mơ mở phòng tranh thêu trên chính mảnh đất quê hương mình nên chị quyết tâm bỏ qua lợi nhuận kinh tế.
“Mục đích mở phòng tranh của tôi vừa là lưu giữ lại cho hậu thế, vừa muốn gửi thông điệp đến các bạn trẻ. Đó là, một người khuyết tật như tôi có thể tạo ra các tác phẩm như thế này, thế hệ trẻ tương lai sẽ tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp hơn, góp phần giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình”, chị nói.
Đám cưới nhà giàu xưa khiến cả vùng xôn xao
“Một con lợn 30kg được 2 người thanh niên lực lưỡng khênh trước dẫn đoàn. Vừa đi, họ vừa đánh thật mạnh để lợn kêu to.Tiếng kêu thay lời thông báo với người dân trong làng về một đám cưới sắp diễn ra” - bà Bùi Thị Hánh nhớ lại.
Minh Anh - Hoàng Tuân