Philippines tuyên bố sẽ điều tàu
chiến lớn nhất của họ tới một khu vực tranh chấp ở Biển Đông sau khi Trung Quốc
nói đang triển khai một trong các tàu tuần tra ven biển mới tới vùng biển này.
Philippines gỡ bỏ các cột trụ của TQ ở vùng tranh chấp
Tàu BRP Rajah Humabon, từng được
Mỹ sử dụng để chống lại các tàu ngầm Đức trong Thế chiến II, sẽ tuần tra xung
quanh Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Tàu BRP Rajah Humabon Ảnh: timawa
Trong khi đó, hôm qua, báo Ta Kung Pao của Hong Kong đưa tin, Trung Quốc đã điều động tàu Hải Tuần 31, nặng 3.000 tấn với bãi đáp trực thăng, với sứ mệnh kiểm tra các tàu nước ngoài và những cơ sở dầu khí tới khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
“Hải quân tiến hành tuần tra thông thường ở ngoài khơi và chúng ta không nên liên tưởng việc triển khai tàu Rajah Humabon với tàu hàng hải của Trung Quốc", Eduardo Batac, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Philippiness nói trong cuộc họp báo hôm nay (17/6). “Đó là một phần nhiệm vụ tuần tra thông thường của Hải quân”, ông nhấn mạnh.
Căng thẳng ở một trong những khu vực hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới đã gia tăng khi các tàu Trung Quốc có những hành động gây hấn ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông với Việt Nam và Philippines.
Theo giới phân tích, với việc khu trục hạm chống tàu ngầm BRP Rajah Humabon trọng lượng 1.400 tấn, tàu chiến hàng đầu của hải quân Philippines, được điều tới Biển Đông sau tàu Hải Tuần 31, tình hình tranh chấp hàng hải trong khu vực có nguy cơ tiếp tục leo thang.
Người đứng đầu Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama, khẳng định hải quân nước này "sẽ không có hành động khiêu khích nào ở Biển Đông". Ông nói lực lượng hải quân sẽ chỉ thực hiện công việc phòng thủ trong vùng biển chủ quyền của Philippines.
Tàu chiến Humabon, với 68 thủy thủ và 8 sỹ quan, hôm thứ Năm còn neo đậu tại cảng Poro Point trước khi lên đường tới Bãi Scarborough. Chỉ huy trưởng con tàu Celestino Abalayan nói:" Chúng tôi sẽ theo dõi để phát hiện các đe dọa an ninh trong khu vực, cũng như các hành động vi phạm chủ quyền của Philippines". Ông Abalayan nói hoạt động của chiếc tàu không liên quan gì tới tranh chấp quanh quần đảo Trường Sa và rằng đây chỉ là hoạt động thường kỳ.
Trước đó, Philippines cho hay, hồi tháng 5, Hải quân nước này đã tháo dỡ các cột trụ mà phía Trung Quốc dựng lên ở ba bãi đá ngầm thuộc Biển Đông gần đảo Palawan. “Chúng tôi rất quan ngại về những cột trụ dựng lên ở vùng biển, khu vực rõ ràng là của chúng tôi", Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario nói với báo chí tại Canberra, nơi ông có cuộc gặp với người đồng cấp Australia Kevin Rudd. “Những gì của chúng tôi là của chúng tôi. Chúng tôi được tự do làm điều mình muốn".
Giữa lúc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Mỹ và Philippines lên kế hoạch chuẩn bị tập trận vào cuối tháng này (28/6-8/7). Mỹ sẽ điều ba tàu tham gia tập trận chung gồm các tàu khu trục USS Chung-Hoon và USS Howard và tàu cứu hộ USNS Safeguard. Cuộc tập trận mang tên Carat năm nay nhằm duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của hải quân, nằm trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines. Năm nay, diễn tập có mục tiêu thử nghiệm khả năng của hải quân hai nước nhằm thực hiện “tự do các hoạt động hàng hải”.
Mới đây, người phát ngôn Hải quân Mỹ Jeff Davis cho hay, tàu sân bay USS George Washington "đang tiến hành tuần tra thường lệ trên biển ở Tây Thái Bình Dương" nhưng ông không cung cấp chi tiết gì thêm. “Biển Đông là vùng biển quốc tế và chúng tôi thường xuyên qua lại", Davis nói qua điện thoại từ Jakarta. Tàu sân bay “đã nhiều lần qua lại vùng biển này trước đây và sẽ tiếp tục như thế trong tương lai".
Đầu năm nay, Mỹ đã bán một tàu phòng vệ bờ biển trang bị bãi đáp trực thăng và hệ thống tên lửa cho Philippines. Đây sẽ là con tàu hải quân lớn nhất của Philippines khi nó được chuyển giao trong tháng 8.
Thái An (Theo bloomberg, BBC)