'Tình khúc Bạch Dương', bộ phim được đầu tư lớn của VTV mất tới 7 năm mới hoàn thành dù mới lên sóng được 8 tập nhưng đã bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi không hồi kết.
Trích đoạn tập 9
Sau 8 tập phát sóng, bộ phim ‘Tình khúc Bạch Dương’ tiếp tục nhận được những luồng ý kiến trái chiều từ khán giả truyền hình. Bên cạnh những nhận xét cho rằng bộ phim chưa phản ánh đầy đủ, chính xác về đời sống du học sinh, người lao động Việt Nam tại Liên Xô thì cũng có không ít khán giả thực sự xúc động, cảm ơn bộ phim đã giúp họ được trở về một giai đoạn quá khứ rất đáng nhớ.
Cảnh trong tập 1 của 'Tình khúc Bạch Dương' với căn biệt thự cũ ở Hà Nội. |
‘Tình khúc Bạch Dương’ lấy bối cảnh những năm 1988-89 và những ai đã từng trải qua thời kỳ mới bước qua bao cấp dễ dàng nhận thấy nhiều chi tiết, hình ảnh đặc trưng thời đó tại Việt Nam. Đó là những căn biệt thự ‘tập thể’ nơi nhiều gia đình chung sống, là chiếc xe đạp, là tủ, bàn ghế, điện thoại quay số, tủ lạnh Liên Xô, những bộ ấm chén… trong nhà Quyên, là ca khúc ‘Em bay trong đêm pháo hoa’ được phát trên loa phường hay phong trào nuôi chó Nhật…
Những chi tiết này được đánh giá khá cao vì đã thành công tái hiện phần nào không khí đời sống xã hội Việt Nam cuối thập niên 90.
Phong trào nuôi chó Nhật cũng được tái hiện trong phim. |
Câu chuyện của nhân vật Hoa (Kiều Anh) đi lao động xuất khẩu, bỏ chồng (Công Lý), con ở nhà cũng nhận được nhiều đồng cảm vì là hoàn cảnh khá phổ biến tại Việt Nam giai đoạn đó.
Chủ yếu xung quanh đời sống du học sinh Việt Nam tại Liên Xô, có lẽ ít có bộ phim nào lại tạo ra những tranh luận ‘gay cấn’ như ‘Tình khúc Bạch Dương’. Gần như bất cứ khía cạnh nào của bộ phim, cho dù nhỏ nhất cũng được để ý và ‘mổ xẻ’, từ phục trang, kiểu tóc, cách phát âm tiếng Nga… cho đến đời sống sinh hoạt, việc buôn bán của du học sinh…, và luôn có những ý kiến đồng tình và phản đối.
Bối cảnh phim gây nhiều tranh cãi. |
Lý giải việc này, phía nhà sản xuất VFC cho biết khi thực hiện bộ phim ê kíp đã có sự tư vấn kỹ càng của các chuyên gia, những người có nhiều thời gian sống và làm việc tại Liên Xô thời điểm đó. Tuy nhiên Liên Xô quá rộng lớn và có sự bất đồng giữa thành phố này và thành phố khác, chưa kể còn những thay đổi theo từng năm, do vậy có những ý kiến khác nhau là không tránh khỏi.
Các ý kiến tranh luận chia rẽ hai hướng khen và chê. |
Chuyện bối cảnh phim, đời sống người Việt tại Liên Xô một thời tạo nên tranh luận trái chiều. Một số khán giả cho rằng bộ phim đã tái hiện lại kỷ niệm một thời về thế hệ người Việt đã từng học tập và sinh sống tại Nga những năm 1980 với nhiều cảm xúc. 'Xem phim Tình khúc Bạch Dương làm mình nhớ lại một thời mơ mộng vô lo vô nghĩ... không thể quên được", bạn Tuyết Mai lê viết.
Tuy nhiên có ý kiến thẳng thắn cho rằng bộ phim chưa phản ánh đúng thực tế. Bạn Nguyễn Thanh Mai cho rằng cuộc sống thực tế của thế hệ chị khác xa với những gì thể hiện trên phim, cứ như tả về thập niên sau. Khán giả Xuân Thảo thì bày tỏ sự thất vọng vì 'Tình khúc Bạch Dương' vì cho rằng quá khác với những gì mình trải qua tại Liên Xô.
‘Tình khúc Bạch Dương’ có độ dài 36 tập và câu chuyện phim đang ngày càng hấp dẫn ở cả tuyến sinh viên và công nhân lao động. Có thể sẽ còn nhiều ý kiến trái chiều nữa nhưng điều đó cũng cho thấy những sự quan tâm lớn của khán giả đối với bộ phim.
Dương Nguyễn