"Ngọn hải đăng" là series truyền hình dài nhất trong lịch sử thế giới với gần 19 nghìn tập.

Nếu có người cho rằng Cô dâu 8 tuổi đã là bộ phim truyền hình dài nhất thì chắc chắn sẽ sốc khi tìm hiểu về series Ngọn hải đăng (The Guiding lights). Bởi bộ phim này được phát sóng trong vòng... 72 năm, từ năm 1937 đến năm 2009, với độ dài kỉ lục và khó tưởng tượng: gần 19 nghìn tập.

{keywords}

"Ngọn hải đăng" được chiếu trong vòng 72 năm với gần 19 nghìn tập.

Thuộc thể loại phim truyền hình thời gian thực (soap-opera), Ngọn hải đăng ra đời vào năm 1937 và được phát đầu tiên trên radio vì truyền hình thời gian đó vẫn chưa thịnh hành.

Bộ phim ra đời bắt nguồn từ sự việc cũng khá thú vị khi “mẹ đẻ” của phim này là Irna Phillips, sau khi sinh con ở tuổi 19, bà đã có cảm hứng về việc muốn làm một bộ phim trên radio nhằm truyền tải những giá trị nhân văn và thoải mái tinh thần cho khán giả.  

Ngày 25.1.1937, tập đầu tiên của Ngọn hải đăng dài 15 phút đã lên sóng đài phát thanh CBS.

Trong thời điểm lên sóng giai đoạn đầu, Ngọn hải đăng nhanh chóng tạo được cảm hứng cho những bà nội chợ vì nội dung chương trình phong phú, hấp dẫn và rất gần gũi.

Nội dung của Ngọn hải đăng kể về một linh mục tên Rev John Ruthledge và những người dân ở thị trấn giả tưởng Five Points. Phim xoay quanh những câu chuyện về người đàn ông với tính cách nhân hậu, là ngọn hải đăng, là ngọn đèn chỉ đường cho người xung quanh.

{keywords}

"Ngọn hải đăng" trong những năm 70, khi đó truyền hình đã có màu.

Tất nhiên, để bộ phim kéo dài được trong vòng 72 năm, cốt truyện có thêm nhiều tình tiết là những mối quan hệ ngang trái, phức tạp của những người thân của linh mục Rev John Ruthledge. Từ đó, phim tiếp tục mở rộng sang các gia đình khác trong thị trấn giả tưởng Five Points.

Đến khi Ngọn hải đăng được chuyển lên truyền hình vào năm 1952 thì bối cảnh toàn bộ câu chuyện đã thay đổi, thị trấn trong phim không còn là Five Points nữa mà chuyển sang thị trấn giả tưởng Selby Flats và kéo dài cho đến khi phim kết thúc.

Kể từ được chuyển lên truyền hình, Ngọn hải đăng có thêm sức sống mới và trở thành một trong những series ăn khách nhất nhiều năm liền. Điều này cũng dễ hiểu khi phụ nữ ở Mỹ thời đó còn chưa độc lập và chủ yếu ở nhà lo công việc nội trợ. Vì thế, những bộ phim như Ngọn hải đăng rất có tác dụng trong việc "xem cho đỡ buồn".

Thời kì đầu, mỗi tập của Ngọn hải đăng dài 15 phút, sau đó do nhu cầu của người xem nên nhà sản xuất đã tăng lên thành 30 phút rồi 1 tiếng/tập.

Tính từ khi đưa lên truyền hình vào năm 1952 sau 15 mùa trên sóng phát thanh, Ngọn hải đăng được sản xuất 15.762 tập trong vòng 57 năm. Tổng cộng, phim được sản xuất 18.262 tập trong vòng 72 năm, trải qua hai "đời" đài truyền hình là NBC và CBS.

Chính vì kéo dài trong vòng nhiều năm nên số lượng người tham gia vào công đoạn sản xuất cũng rất nhiều, lên đến hàng trăm người, chỉ tính nguyên đội ngũ giám đốc sản xuất, biên kịch, quay phim.

Còn dàn diễn viên, nếu tính tất cả trong vòng 72 năm, con số phải lên đến vài nghìn người và không ít trong số đó, hiện đã không còn sống nữa.

Trong 72 năm tồn tại và phát sóng, Ngọn hải đăng đã nhận được vô số giải thưởng lớn nhỏ cho nguyên phim hay các vai diễn, diễn viên trong phim. Trong suốt 72 năm tồn tại trên sóng truyền hình, Guiding Light đã giành được 69 giải Emmy, giải cao nhất của thể loại phim truyền hình Mỹ. Số lượng các giải thưởng đã nói lên sức ảnh hưởng và lượng fan đồ sộ của bộ phim.

Tuy nhiên, những năm cuối thế kỉ 20 và đầu thể kỉ 21, sức hút của thể loại phim truyền hình như Ngọn hải đăng bắt đầu giảm sút khi người xem bắt đầu bị cuốn hút bởi các gameshow, truyền hình thực tế. Rating giảm sút khiến Ngọn hải đăng bắt đầu khó bán quảng cáo trong khi chi phí sản xuất mỗi tập phim ngày càng đội lên do yêu cầu ngày càng cao của người xem truyền hình.

Trước tình thế đó, Ngọn hải đăng đã bị đài CBS ngừng sản xuất và phát sóng kể từ tập cuối cùng lên sóng ngày 1.4.2009. Sau khi Ngọn hải đăng kết thúc, những năm sau đó, số phận của các soap-opera ở Mỹ cũng không khá khẩm hơn, khi 2 soap-opera dài hơi tiếp đó là As the world turns và All my children cũng phải nói lời chào tạm biệt khán giả.

Theo Dân Việt