- Dù đã có rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lớn nhỏ, vạch tội, nhặt lỗi lẫn đưa ra giải pháp "giải cứu" chất lượng phim truyền hình Việt, nhưng mọi sự dường như vẫn không khá hơn bao nhiêu, thậm chí còn xuất hiện biến tướng mới.
Phim truyền hình: Vết thương cũ trên cơ thể bệnh tật
Quyền Linh: sợ phim Việt chẳng còn dám diễn
Rùng hết cả mình vì phim Việt
Nhức mắt với quảng cáo trong phim Việt
Phim Việt mất giá
Không thể một sớm một chiều có được những đổi thay, nhưng nói như đạo diễn Lê Cung Bắc, có còn hơn không, nói mãi thì hy vọng cũng có tác dụng cải thiện dần tình hình. Lược ghi những ý kiến từ cuộc tọa đàm "Giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam".
Phim dở, tại anh hay tại ả?
Đạo diễn Lê Cung Bắc chỉ đạo diễn viên trong phim "Vó ngựa trời Nam".
"Phim dở - hay thì còn tùy nhận định, chứ phim tào lao thì rõ ràng là người làm phim không có trách nhiệm. Phim hay sao được khi có những kịch bản viết rất tắc trách, câu chuyện, tính cách nhân vật không nhất quán. Điều này thì nhà đài hoàn toàn không biết vì họ chỉ duyệt trên đề cương.
Kịch bản là bột, nhưng bột bị sâu, mốc, thì làm sao cho phim hay được. Tình huống, câu chuyện dở thì có là đạo diễn đoạt Oscar cũng không làm gì được. Thêm một điều nữa, tốc độ làm phim quá nhanh như hiện nay sẽ gây ra sơ suất, không chỉn chu.
Phim hay nhờ kịch bản, đạo diễn, diễn viên hay, nên tôi nghĩ đạo diễn phải biết từ chối những kịch bản kém, diễn viên không nên nhận những vai dở, dù mất quyền lợi vật chất nhưng cái được vẫn nhiều hơn. Chẳng may một khâu bị chệch choạc thì vẫn đỡ hơn là các khâu đều cẩu thả". (Đạo diễn NSƯT Lê Cung Bắc)
"Muốn có một bộ phim chất lượng, cần nhiều yếu tố như kịch bản tốt, đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp, năng lực tài chính dồi dào. Hiện nay, lượng phim cung cấp cho các nhà đài mỗi năm lên đến khoảng 3.000 tập phim, một con số khổng lồ mà khâu biên kịch không thể đáp ứng nổi.
Cứ mỗi biên kịch chạy theo tiến độ cho ra 4 - 5 kịch bản phim mỗi năm thì sự sáng tạo không còn. Hiện có các nhóm viết kịch bản, căn cứ theo đường dây, mỗi bạn trẻ, thường là mới ra trường, viết một phần, sau đó người phụ trách mới xem lại tổng thể, thì khó mà không rời rạc được". (Bà Nguyễn Thị Trúc Mai - GĐ Hãng phim M&T Pictures)
"Nhiều chỗ trong kịch bản tôi viết bỗng đổi khác khi lên phim, nhưng không biết phải hỏi ai. Chẳng hạn phim "Màu của tình yêu" nếu giữ được ý tứ mà tôi đã viết trong kịch bản thì phim sẽ còn hấp dẫn hơn. Trong khi thực tế, diễn biến của phim nhiều lúc rất đột ngột. Tôi đã rút kinh nghiệm viết kịch bản vừa phải để không bị cắt bỏ nữa.
Các khâu trong thành phần chế tác phim cần được tôn trọng như nhau. Chứ như hiện nay, khâu kịch bản bị coi nhẹ. Chê phim mà đổ lỗi cho kịch bản thì̀ oan cho các nhà biên kịch lắm". (Biên kịch Diệu Như Trang)
"Đạo diễn hiện nay không có quyền quyết định về việc chọn diễn viên nữa, việc đó là của nhà sản xuất. Họ biết phải mời diễn viên nào thì mới thu hút được quảng cáo. Tôi làm phim "Về đất Thăng Long" có chút quyền đề xuất thành phần diễn viên, nhưng việc duyệt cái tên nào vẫn là quyền của nhà sản xuất.
Phim ảnh cứ dựa vào hot girl với hot boy, dựa vào những gương mặt kiểu như cởi đồ để bảo vệ môi trường thì không thể được. Tôi có tiếng liều mạng khi phim của mình trước đây thường không có ngôi sao hay chân dài nào cả. Chỉ có diễn viên giỏi, hợp vai hay không thôi.
Tôi xin đề xuất ý kiến: ban biên tập của các đài truyền hình nên mạnh dạn từ chối những kịch bản phim dở ẹt đến mức bó tay không thể sửa chữa được nữa". (Đạo diễn Trần Ngọc Phong)
Kém tài, thiếu tâm và không chuyên nghiệp
Nam diễn viên Khương Ngọc
"Tôi nhận được nhiều lời mời đóng phim nhưng rồi nhiều lần từ chối vì đọc kịch bản không thể cảm được. Còn thành phần diễn viên thì trong đó có cả cô nàng vừa cởi áo để nổi tiếng. Tôi luôn bị mâu thuẫn giữa hai thái cực khao khát được làm nghề và chán nản khi đứng chung với những người nổi tiếng bằng mọi giá.
Những diễn viên ấy diễn ầm ầm, trở thành sao giấy, đến với khán giả như chuỗi domino, nhà sản xuất lại mời vào phim mới vì có sức hút. Trong khi những người trăn trở, đam mê với nghề thì tàn lụi dần vì không được mời hoặc không thể tham gia.
Ngành sản xuất phim rất cần những người đủ khả năng, có tâm với nghề, cũng như điều kiện để phát huy điều đó. Đừng để những người không có tâm lợi dụng làm ảnh hưởng xấu đến nghề". (Diễn viên Kim Phượng)
"Các trợ lý, giám đốc casting của nhiều đoàn phim hiện nay rất cẩu thả trong việc chọn diễn viên. Họ chọn người quen của mình đưa vào phim, chọn những diễn viên có quan hệ tốt với mình vào ứng cử dù không hợp vai bằng tên tuổi khác.
Ngoài việc tiền ăn hàng ngày liệu có đủ bữa ăn cho diễn viên mà nhà sản xuất thường nói lý do là kinh phí hạn hẹp, còn là chuyện cách đối xử với nghệ sĩ. Chẳng hạn việc thay đổi lịch, bối cảnh quay rất thất thường. Diễn viên nam như tôi còn chịu đựng được cảnh quay suốt ngày ngoài nắng, chứ diễn viên nữ thì đâu có đủ sức.
Kịch bản cung cấp cho diễn viên chậm trễ, không có đủ thời gian để học thoại, chưa nói không phải diễn viên nào cũng có khả năng học thoại nhanh. Nếu muốn diễn viên làm tốt thì nhà sản xuất cần phải có kế hoạch khoa học hơn.
Nhưng những thay đổi phải đến từ từng bộ phận, chi tiết, từng con ốc, chứ chúng ta không thể mua một cái máy mới về mà ráp vào là được". (Diễn viên Khương Ngọc - ảnh)
Thẩm định, duyệt phim không được coi trọng
"Cơ chế duyệt phim ở Đài truyền hình TP.HCM hiện nay rất gắt gao. Từ lúc duyệt đề cương đến khi sản xuất và đưa phim lên sóng mất khoảng 8 - 9 tháng. Nếu không nắm kế hoạch, đài dễ bị thủng sóng. Nên khi một phim đã lên lịch phát sóng, các hãng phim đều báo kế hoạch sản xuất cho đài biết. Chúng tôi thường xuyên nắm lịch quay để cử đoàn xuống hiện trường kiểm tra việc thực hiện. Khoảng một tháng trước khi phim lên sóng, đài duyệt nội dung, kỹ thuật xong mới cho phát.
Kịch bản là khâu rất quan trọng nhưng tôi thấy có nhiều biên kịch không biết gửi kịch bản đi đâu. Họ không biết gửi cho nhà sản xuất nào có quota lên sóng ở đài. Nhà đài đứng ra làm đầu mối nhận kịch bản, sau đó phân phối kịch bản cho các đối tác đưa vào sản xuất, là một giải pháp cho việc này". (Bà Minh Hà, Phòng khai thác phim truyện HTV)
"Trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo đài nếu phim dở lên sóng. Quy trình thẩm định kịch bản, sản xuất và phát sóng đã không được coi trọng đúng mức. Thẩm định không chuyên nghiệp, người trong nghề không có trong ban thẩm định. Nhưng các đơn vị hợp tác sản xuất phim cũng cần có trách nhiệm với đài, chứ gặp nhau không hỏi phim có hay mà hỏi phim có bao nhiêu spot quảng cáo, là thực tế đáng quan ngại.
Quy định phim Việt Nam phải chiếm 30% thời lượng chiếu phim trên các đài, đã tạo ra mặt tích cực là phim Việt Nam đến với khán giả ngày càng nhiều hơn. Nhưng cũng tạo ra tiêu cực khi đẻ ra nhu cầu chiếu phim Việt Nam quá cao. Một số đơn vị sản xuất có vốn, vậy là đi đăng ký thành lập công ty, thuê đạo diễn, diễn viên làm phim, không đúng như một nhà sản xuất phim đúng nghĩa. Thế nên mới có những sản phẩm làm ra không đạt chất lượng.
Chúng ta chưa đề xuất nâng cao chất lượng phim, mà đã nâng số lượng. Cơ quan quản lý sẽ có cuộc làm việc với các đài truyền hình lớn, để định hướng, nâng cao chất lượng phim truyền hình. Chỉ sợ một điều, các nhà đài đặt quyền lợi khán giả thấp hơn các quyền lợi khác". (Ông Hữu Vinh, đại diện Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tại TP.HCM)
V.T (ghi)
Bài tiếp theo: Bao nhiêu spot quảng cáo thì phim được lên sóng?