- Gần 80% phim ra rạp là phim Mỹ và toàn bộ thị trường phim ngoại nhập VN đều do các công ty phát hành tư nhân nắm giữ.


Trong khi năm 2011 chỉ có 17 bộ phim Việt Nam ra rạp thì lượng phim nước ngoài lên đến 106, đa phần là phim Mỹ. Thị trường phim nhập khẩu hoàn toàn do các công ty phát hành phim tư nhân kiểm soát. Từ năm 2009 Fafilm Việt Nam, đơn vị phát hành phim vốn làm mưa làm gió trước đây, không nhập được một phim chiếu rạp nào.

Thông tin này vừa được đưa ra trong hội nghị thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012 - 2015 được Cục Điện ảnh tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 7. Điều đáng nói là hội nghị này không hề có trong chương trình công tác năm 2012 của Cục điện ảnh nhưng đơn vị này đã đề nghị Bộ VHTTDL được tổ chức sự kiện trên vì thấy thực trạng nhiều bất cập trong hoạt động phát hành và phổ biến phim đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay. 

Doanh số chủ yếu đến từ các phim bom tấn của Hollywood

Hè 2011, Kungfu Panda 2 đạt doanh thu 2,6 triệu USD tại VN (tương đương 56 tỉ VNĐ)

Trong bài nhận định về sự phát triển của thị trường phim ảnh đăng trên chuyên trang Variey vào tháng 12/2011, ông Brian Hall, CEO của Megastar cho hay doanh doanh thu của năm 2011 của toàn thị trường VN là 35 triệu USD, trong khi năm 2010 chỉ là 23,7 triệu USD. Hiện VN có 184 phòng chiếu phim nhưng con số này sẽ tăng lên 350 vào năm 2016.

Doanh thu phim chiếu rạp của toàn bộ thị trường VN trong năm 2016 ước đạt 110 triệu USD. Vào thời điểm này Megastar dự kiến sẽ có khoảng 69 phòng chiếu tại VN. VN vốn là một thị trường nhỏ nhưng lại có tăng trưởng doanh thu đáng kể trong vài năm trở lại đây mà hầu hết đến từ các bộ phim bom tấn của Hollywood.

Đinh Thanh Hương, Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân Galaxy cho hay: "Trong những năm trở lại đây, hoạt động phát hành - phổ biến phim tại VN đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Thị trường liên tục tăng trưởng hàng năm về cả khán giả và doanh thu, biến VN trở thành 1 trong những thị trường điện ảnh phát triển năng động nhất khu vực.

Trong giai đoạn 2008-2011, thị trường đã tăng gần 4 lần về doanh thu, số lượng khán giả đến các rạp chiếu phim tại các thành phố lớn trong năm 2011 là 11 triệu lượt.

Dự kiến đến cuối năm nay tổng doanh thu toàn thị trường có thể đạt mốc 1000 tỉ đồng. Đặc biệt 2 năm trở lại đây phim Việt tăng cả về số lượng và chất lượng tuy vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối khiêm tốn so với phim ngoại.

Riêng với phim ngoại nói riêng, số lượng phim Mỹ vẫn chiếm đa số, tất cả những hãng phim lớn nhất Hollywood đếu có đại diện tại VN. Ngoài ra khán giả cũng được thưởng thức một số phim từ các nền điện ảnh khác như Hoa ngữ, Hàn Quốc, Pháp và gần đây nhất là Thái Lan". 

Sự bùng nổ của các cụm rạp hiện đại cùng sự ra đời của hàng loạt các công ty phát hành phim tư nhân với thế mạnh là nhập khẩu phim ngoại nhập mà đa phần là phim Mỹ đã thay đổi đáng kể bộ mặt của thị trường phim chiếu rạp tại VN. Vừa là chủ sở hữu một chuỗi rạp chiếu, MegaStar còn là nhà nhập khẩu phim ngoại nhập lớn nhất hiện nay với khoảng 70 phim nhập về mỗi năm với hầu hết những "bom tấn" của các hãng phim lớn nhất của Hollywood.

Lịch chiếu phim liên tục được rút ngắn khoảng cách so với khu vực Bắc Mỹ khi khán giả Việt Nam hầu hết được xem các bộ phim mới cùng thời điểm, thậm chí là sớm hơn nhiều tuần so với lịch phát hành chính thức tại các thị trường trọng điểm trên thế giới mà gần đây nhất là Battleship, Johnny English Reborn...

Phim Mỹ chiếm 80% thị phần phim chiếu rạp

Phim Mỹ áp đảo các rạp chiếu. Các bộ phim lớn ra rạp VN rất nhanh sau khi công chiếu trên thế giới.

Cục diện giữa các công ty phát hành phim nhà nước và tư nhân cũng đang có sự chênh lệch rất lớn. Tại thời điểm 2006, khi MegaStar bắt đầu có mặt tại VN, Fafim Việt Nam chỉ nhập về 4 phim trong khi tư nhân nhập khẩu tới 101 phim. Và từ năm 2009 đến nay thì Fafim Việt Nam không nhập được một phim nào và hoàn toàn mất vai trò điều tiết hoạt động phát hành phim, chỉ còn nhập được một số lượng phim bộ để phát hành trong hệ thống mạng lưới video gia đình và phát trên truyền hình.

Do vậy thị trường phim ngoại nhập hiện nay gần như chỉ do ba nhà phát hành lớn có các hệ thống rạp chiếu riêng thâu tóm là MegaStar, Galaxy, BHD...

Cam kết quốc tế khi VN gia nhập WTO dẫn đến không có hạn ngạch nhập phim cũng là điều kiện tốt để thả cửa cho các bộ phim ngoại nhập, chủ yếu là phim Mỹ vào VN không có giới hạn. Ngoại trừ những bộ phim vi phạm Luật điện ảnh hoặc thực sự có vấn đề mới không qua được cửa kiểm duyệt, còn lại hầu hết đều được duyệt ra rạp.

Nhờ đó khán giả được thưởng thức hầu hết những phim bom tấn của Mỹ cũng như nhiều nền điện ảnh khác một cách nhanh chóng với lượng phim cực kỳ phong phú, đẩy tỷ lệ phim Mỹ chiếu rạp lên tới 80%. Điều này dẫn đến những thách thức rất khó vượt qua trong việc sản xuất và phổ biến phim nội hay nói cách khác là việc bảo vệ nền điện ảnh dân tộc trên chính sân nhà.

Nhìn sang điện ảnh Trung Quốc. Dù nước này đã gia nhập WTO từ năm 2001 nhưng vẫn áp dụng hạn ngạch nhập khẩu phim rất hà khắc để bảo vệ nền điện ảnh nội địa. Nếu như trước đây, trong nhiều năm  Trung Quốc chỉ cấp phép cho 20 phim Mỹ và mới chỉ nới lỏng lên 35 phim từ đầu năm 2012.

Tuy nhiên, Trung Quốc khác ta ở chỗ nền sản xuất phim nội địa rất mạnh chứ không chỉ dừng lại ở con số 17 phim một năm như ở VN năm ngoái. Nếu như không có nguồn phim ngoại nhập thì khán giả có gì mà xem khi hiện nay trung bình mỗi tháng chưa có nổi 2 phim Việt ra rạp như hiện nay?

Phim Việt bị giới hạn về khả năng quảng bá


Phim nội thường thua kém về chi phí và khả năng quảng bá so với phim ngoại.

Cuộc chiến giữa phim nội và phim ngoại dường như không có hồi kết. Trong khi phim nội được đầu tư nhiều lắm cũng chỉ là 1 triệu USD (chừng trên 20 tỉ đồng, như trường hợp của Thiên mệnh anh hùng), thì các bộ phim nước ngoài, chủ yếu là phim Mỹ có chi phí lên đến hàng chục chiệu, thậm chí là vài trăm triệu USD với sự hỗ trợ tối đa của các phương tiện làm phim hiện đại bậc nhất.

Đã thế những bộ phim này lại được còn được PR rầm rộ và bài bản với những chiến dịch tốn kém do chính các hãng phim Hollywood rót kinh phí. Các bộ phim này khi vào VN thường được tổ chức ra mắt hoành tráng, thậm chí nhà phát hành tại VN còn tổ chức các sự kiện bên lề độc đáo để gây sự chú ý và lôi kéo người hâm mộ.

Gần đây nhất, để chào đón sự kiện bộ phim Step Up 4 trong loạt phim thành công nhất về đề tài vũ đạo công chiếu tại VN, nhà phát hành đã tổ chức cho các nhóm nhảy thực hiện màn biểu diễn flashmob đường phố tại nhiều tụ điểm công cộng ở Hà Nội và TP.HCM. Những người qua đường có dịp chứng kiến đã vô cùng thích thú, nhiều người đã dừng lại để cổ động và nhún nhảy theo những điệu nhạc sôi động.

Ở một tình thế đối nghịch, các bộ phim Việt Nam đa phần lại kiệm lời trong quá trình thực hiện. Chỉ vài năm trở lại đây các bộ phim nội mới được nhà sản xuất và phát hành xây dựng các chiến lược PR bài bản, tung thông tin từ khi dự án còn chưa bấm máy và cập nhật hình ảnh và thông tin liên tục về bộ phim trong quá trình thực hiện cũng như khi đã hoàn thành.

Tuy nhiên chỉ khi các bộ phim đó rơi vào tay những nhà sản xuất tư nhân hoặc công ty phát hành chuyên nghiệp như trường hợp của những Ngôi nhà trong hẻm, Thiên mệnh anh hùng (MegaStar), Long ruồi, Scandal (Galaxy) thì mới được đẩy lên.  

Đinh Thanh Hương, Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân Galaxy cho biết hoạt động quảng bá phim VN đang bị giới hạn trong điều kiện thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh gay gắt.

"Với quy định hiện hành của Bộ Tài chính giới hạn chi phí quảng cáo không vượt quá 10% chi phí giá vốn, hoạt động quảng bá phim đã phần nào gặp những khó khăn và hạn chế, các nhà phát hành buộc phải lựa chọn những phương thức nhất định để giới thiệu phim đến với khán giả. Trong khi đó, với đặc thù điện ảnh, nhiều hãng phim lớn trên thế giới thậm chí còn đầu tư cho việc quảng bá một bộ phim lớn hơn cả ngân sách sản xuất bộ phim đó".

Bà Hương cũng cho rằng phim Việt vẫn còn yếu trong việc tương tác với khán giả, chưa có ai nghĩ đến việc tạo ra một cộng đồng chung cho những khán giả yêu phim nội có thể tương tác và đánh giá phim như thế giới dã làm qua các trang imdb hay rottentomatoes...  

Bài sau: Rạp chiếu phim nhà nước ngắc ngoải vì tư nhân

Hoàng Vy