Phú yên 5.jpg
Thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) được Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông phổ cập kỹ năng số cộng đồng. Ảnh: CTV

Xu hướng tất yếu

Trong xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ công trực tuyến càng trở nên tất yếu, giúp tăng hiệu quả quản lý nhà nước, mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Đến nay, nhiều thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường trực tuyến ở mức độ toàn trình và một phần.

Theo ông Lương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT), dịch vụ công trực tuyến là hình thức cung cấp các thủ tục hành chính qua môi trường mạng, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện hầu hết thủ tục hành chính mà không cần trực tiếp đến cơ quan hành chính.

Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn giúp quy trình thủ tục hành chính được công khai, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực; cơ quan hành chính quản lý hồ sơ, dữ liệu hiệu quả hơn giúp nâng cao năng suất làm việc, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.

Bà Lê Thị Hải Hòa ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) cho biết: Được sự hỗ trợ tận tình của các đoàn viên, thanh niên địa phương, tôi và các con đều đã đăng ký thành công tài khoản dịch vụ công cá nhân.

Các bạn đoàn viên còn nhiệt tình hướng dẫn các bước thao tác trên điện thoại, cách đăng nhập và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Nhờ được hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc nên tôi đã thành thạo các thao tác trên cổng dịch vụ công của Tổng cục Thuế khi nộp thuế phục vụ công việc kinh doanh của gia đình. 

Phú yên 6.jpg
Người dân được hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khó khăn vì nhiều người dân vẫn chưa có tài khoản dịch vụ công, chưa có chữ ký số, thiếu hạ tầng công nghệ, thiết bị phù hợp...

Việc thanh toán trực tuyến trong dân cũng chưa được thực hiện rộng rãi, chỉ mới tập trung ở các khu vực đô thị, các vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất ít. Đồng thời, kỹ năng thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên điện thoại thông minh của người dân còn nhiều hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, công chức xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) cho biết: Người dân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã đa số là người lớn tuổi nên không sử dụng được điện thoại để thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, chưa có tài khoản ngân hàng, một số người vẫn còn thuê bao không chính chủ…

Đây là những nguyên nhân chính khiến cho tốc độ phát triển dịch vụ công trực tuyến chưa đạt được kết quả mong muốn. Thời gian tới, tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm tổ chức nhiều đợt tập huấn, phổ cập về sử dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân hiểu rõ lợi ích và cách thức sử dụng dịch vụ; đồng thời xây dựng hệ thống bảo mật chặt chẽ để bảo vệ thông tin, giúp người dân an tâm khi hoạt đông trên môi trường số.

Phổ biến đến người dân

Dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện chất lượng quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức, kỹ năng cho người dân được tỉnh đặc biệt quan tâm. 

Phú yên 7.jpg
Các bạn đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử. Ảnh: CTV

Thời gian qua, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông đã tập trung tuyên truyền về các quy trình, ưu điểm khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; giới thiệu, vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng tài liệu, hình ảnh, clip ngắn hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến phát tại các huyện, thị xã, thành phố, các cổng thông tin, trang mạng xã hội.

Trung tâm còn tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho bộ phận một cửa của UBND huyện, thị xã và các xã.

Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức qua hệ thống phát thanh các địa phương, truyền thông bằng xe lưu động, truyền thông trực tiếp tại bộ phận một cửa các huyện, xã, phường, thị trấn. 

Mới đây, từ tháng 9-11/2024, trung tâm đã tổ chức các đợt truyền thông về dịch vụ công tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa và TX Sông Cầu.

Ông Lương Công Đức cho biết: Tại các địa phương, chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu (gồm 25 dịch vụ công Đề án 06/CP, 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg) và các dịch vụ công khác; xây dựng tài liệu, poster, infographic phục vụ tuyên truyền tại bộ phận một cửa và một số địa điểm công cộng như nhà văn hóa thôn, buôn, khu phố.

Đồng thời, trung tâm còn phối hợp với các địa phương phổ cập kỹ năng số cộng đồng cho các tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền các mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả trong triển khai Đề án 06 để các nơi tham khảo, học tập, nhân rộng…

Ông Nguyễn Như Đông, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sông Hinh cho biết: Mới đây, tại buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, địa phương đã phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tổ chức truyền thông về dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân địa phương hiểu biết rõ hơn về tầm quan trọng, ý nghĩa và những tiện ích của dịch vụ công trực tuyến.

Thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng thị trấn Hai Riêng còn được phổ cập các kỹ năng số cộng đồng, từ đó sẽ chỉ dẫn lại cho mọi người, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt cộng dịch vụ công trực tuyến. 

Theo Sở TT&TT, việc triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn giúp tỉnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH trong giai đoạn mới.

Theo THỦY TIÊN (Báo Phú Yên)