“Tôi cảm thấy có lỗi vì mang đến gánh nặng cho các bạn”, người thừa kế tập đoàn Samsung cho biết sẽ “tự kỷ luật và đánh giá bản thân một cách khiêm tốn” trong thời gian ngồi tù.
Đây không phải lần đầu Lee Jae-yong lên tiếng từ khi ông bị kết án vào 18/1. “Chúng ta cần giữ lời hứa với mọi người”, ông Lee cho biết ngày 21/1 rằng Samsung cần bước tiếp trong mọi tình huống, kêu gọi nhân viên đoàn kết để xây dựng “một Samsung mới”.
"Thái tử" Samsung bị kết án 2,5 năm tù do hối lộ. Ảnh: Getty Images |
Theo Gizmodo, đây là lần thứ 2 phó chủ tịch Samsung bị kết án tù trong 5 năm qua. Năm 2017, Lee Jae-yong dính vào bê bối liên quan đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và bạn thân Choi Soon-sil. Vụ hối lộ được cho là đảm bảo quyền kế vị của Lee Jae-yong từ người cha Lee Kun-hee.
Năm 2014, Lee Kun-hee bị đau tim và phải nằm giường bệnh. Cho đến khi ông qua đời vào tháng 10/2020, Lee Jae-yong được xem là “thái tử” Samsung. Hiện tại, Lee Jae-yong là người lãnh đạo thực sự của công ty.
Ban đầu, Lee Jae-yong bị kết án 5 năm tù giam. Đây được xem là bản án lịch sử vào năm 2017 khi các lãnh đạo chaebol như Lee hiếm khi bị kết án do là “tội phạm trí tuệ cao” (white-collar crime). Tuy nhiên, ông được trả tự do vào tháng 2/2018 sau khi kháng cáo.
Đến 18/1, Lee Jae-yong tiếp tục bị kết án 2,5 năm tù nhưng không kháng cáo. Do đã ngồi tù một năm trước khi được trả tự do, “thái tử” Samsung chỉ phải ngồi tù đến tháng 7/2022.
Theo Bloomberg, bản án này khép lại scandal khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mất chức, cũng là một trong những bê bối tham nhũng nghiêm trọng nhất lịch sử Hàn Quốc.
Vụ bê bối liên quan đến người thừa kế tập đoàn Samsung là một trong những scandal tham nhũng nghiêm trọng nhất lịch sử Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Trong khi Lee Jae-yong kêu gọi nhân viên tiếp tục làm việc chăm chỉ, giới quan sát nhận định việc ông phải ngồi tù sẽ ảnh hưởng lớn đến Samsung, nhà sản xuất chip nhớ, smartphone và thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới. Khi ông Lee trở lại nhà tù, Samsung sẽ đối mặt với khoảng trống quyền lực lớn, theo CNN.
“Vai trò của ông Lee Jae-yong là chỉ đạo các dự án mới”, CNN dẫn lời nhà phân tích SK Kim thuộc hãng Daiwa. Ông Kim cho biết phó chủ tịch Samsung có tiếng nói quyết định trong những hợp đồng lớn của công ty.
Theo Yonhap, người ủng hộ “thái tử Samsung” mong muốn tòa án khoan hồng với ông bởi những đóng góp nhằm khắc phục khó khăn của tập đoàn trong diễn biến dịch Covid-19. Trái lại, những nhà hoạt động chống tham nhũng lại ủng hộ cơ quan tư pháp mạnh tay với ông Lee, nhằm đẩy lùi việc các công ty hối lộ quan chức nhà nước để có lợi thế kinh doanh.
(Theo Zing)
Samsung làm gì để tự cứu mình khi “Thái tử” chấp nhận ngồi tù?
Trước đó, Samsung dưới thời cố chủ tịch Lee Kun Hee thực sự lớn mạnh, ông đã đưa Samsung Electronics trở thành công ty công nghệ giá trị nhất châu Á.