- Trung tá công an, người thụ lý điều tra vụ xe Camry đâm chết 3 người chia sẻ với Góc nhìn thẳng về sự vô cảm của người dân.

Vụ tai nạn thảm khốc xe Camry đâm chết 3 người ở quận Long Biên, Hà Nội đang khiến cả xã hội bàng hoàng. Bên cạnh nỗi đau ba người thiệt mạng, còn một nỗi đau khác khi đã có những sự vô cảm, né tránh việc cứu giúp người bị nạn.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với Trung tá Trương Quốc Hiên, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra hình sự, Công an Quận Long Biên, TP Hà Nội về câu chuyện này. Ông là cán bộ trực tiếp phụ trách thụ lý điều tra vụ tai nạn xe Camry này.

Mời xem cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Trung tá, dư âm về vụ tai nạn xe Camry đâm chết 3 người đang quá lớn và có nhiều người dân bức xúc khi cho rằng đã có những hành vi vô cảm, không tham gia cứu giúp em bé gặp nạn. Là những người trực tiếp thụ lý vụ việc, ông có thể phân tích cụ thể hơn câu chuyện này?

Trung tá Trương Quốc Hiên: Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 3 người chết, một số phương tiện bị hư hỏng. Vụ việc này liên quan đến một số việc người dân tham gia giao thông khi gặp những người bị thương mà không có hành vi cứu giúp. Việc này cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh.

Tuy nhiên, để phân tích sâu hơn việc này, có lẽ chúng ta phải hiểu cội nguồn của vấn đề là tâm lý tại sao người ta lai không làm những việc mà đáng ra họ phải làm.

Ví dụ, thấy người bị thương thì phải cấp cứu đưa đi bệnh viện hoặc có một cái gì đó để xử lý, hạn chế thấp nhất hậu quả tai nạn xảy ra. Ở đây, có thể là do tâm lý, người ta lo ngại về mặt tâm linh, ngại về việc cứu giúp thì sau này, công an lại hỏi, gây phiền hà, làm người ta mất thời gian. Thực tế là như vậy.

{keywords}

Về phía cơ quan điều tra, tôi cho rằng, hành vi thấy người bị tai nạn mà không cứu giúp là hành vi đáng chê trách. Tôi không nói quá lời, hành vi này là đáng lên án. Bởi vì, chúng ta là những con người, việc cứu giúp con người là trách nhiệm của tất cả mọi người. Việc không làm theo chức năng, bổn phận của con người, vừa là quy định của luật pháp, vừa là lương tâm trách nhiệm. Tôi nghĩ, một người có lương tâm, trách nhiệm thì phải làm việc đó, không cần đến pháp luật điều chỉnh.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo chia sẻ của một cô giáo là người trực tiếp đưa em bé bị nạn đi bệnh viện, có 2 lái xe đã bỏ chạy khi được đề nghị cứu giúp. Thực hư việc này ra sao, thưa ông?

Trung tá Trương Quốc Hiên: Hiện nay, cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh chi tiết này. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể tới quý vị.

Nhà báo Phạm Huyền: Như ông vừa chia sẻ, có những người không muốn cứu giúp người gặp nạn, vì họ ngại gặp công an, cho rằng như vậy sẽ phiền phức về sau trong cuộc sống, công việc hàng ngày của họ. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Trung tá Trương Quốc Hiên: Trước hết, cũng xin chia sẻ rằng, về phía cơ quan điều tra nói chung, đối với những người biết tình tiết của sự việc thì cơ quan điều tra sẽ phải gặp gỡ, thu thập các tài liệu liên quan vụ việc.

Tuy nhiên, xin nói rõ rằng, cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người cung cấp thông tin.

Vì chúng tôi cũng biết, tâm lý chung của các nhân chứng, người cung cấp thông tin thường ngại mất thời gian, sợ bị làm phiền hà, giờ giấc làm việc. Nhưng cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất phù hợp với công việc của người đó, ví dụ như chúng tôi sẽ gặp gỡ, lấy lời khai những người đó ngoài giờ làm việc hành chính, vào thời gian nghỉ ngơi để không ảnh hưởng đến công việc của họ.

Chỉ trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan điều tra buộc phải gặp gỡ, lấy lời khai để thực hiện một việc khẩn cấp nào đó thì chúng tôi mới phải làm việc trong giờ hành chính với người cung cấp thông tin.

Quý vị người dân có thể yên tâm là cơ quan điều tra sẽ không làm phiền.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, theo quy định của pháp luật, ở Bộ Luật Hình sự thì hành vi thấy người gặp nạn phải cứu giúp được quy định như thế nào?

Trung tá Trương Quốc Hiên: Theo quy định của pháp luật, có một điều luật quy định về tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu là người cứu giúp đó phải đủ khả năng cứu giúp. Nếu có khả năng cứu giúp mà họ không làm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nếu gặp những trường hợp tai nạn nghiêm trọng tương tự, nạn nhân hấp hối thì những người dân có mặt tại hiện trường cần phải làm gì để vừa cứu được người bị nạn, đồng thời đảm bảo hiện trường cho công tác điều tra của cơ quan công an?

Trung tá Trương Quốc Hiên: Trong các quy định của pháp luật cũng như quy định của ngành công an, khi có vụ việc tai nạn giao thông xảy ra, việc đầu tiên là cấp cứu người bị nạn, bằng mọi điều kiện, mọi khả năng có thể, vì con người là quý giá nhất.

Sau đó hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, về phương tiện hay về cháy nổ. Sau đó, khi làm các việc khẩn cấp đó rồi, báo ngay cho các cơ quan chức năng để giải quyết.

Nhà báo Phạm Huyền: Có nghĩa là người bị nạn cần phải đi bệnh viện gấp, người dân có thể chủ động gọi cấp để đưa đi, không nhất thiết phải chờ công an đến phải không ạ?

Trung tá Trương Quốc Hiên: Không nhất thiết, vì việc cấp cứu người bị nạn là ưu tiên nhất. Vì vậy, người dân có thể sử dụng mọi phương tiện có thể, đưa người bị nạn cấp cứu gần nhất, có thể hiệu quả nhất để cứu sống được con người.

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng tôi có một băn khoăn, giả dụ trong trường hợp này, lái xe được đề nghị cứu giúp mà cố tình bỏ chạy, trong khi anh ta không vướng bận việc chở khách hay có lý do chính đáng thì người đó có bị xử lý theo quy định của pháp luật hay không, thưa ông?

Trung tá Trương Quốc Hiên: Anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có đủ căn cứ chứng minh anh đã không giúp người bị nạn dù có đủ điều kiện.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông với những chia sẻ bổ ích!

Những sự vô cảm đáng sợ

8/11/2015: Vụ tai nạn xe taxi đâm liên hoàn ở cầu vượt Thái Hà, người bị thương nằm la liệt, kêu cứu nhưng đám đông vây quay chỉ mải lo quay phim, chụp ảnh, đăng facebook.

21/2/2016: Một nam thanh niên nhảy xuống hồ tự tử (Đà Nẵng), vùng vẫy 10 phút, nhưng không ai cứu giúp cho đến khi chìm hẳn. Nhiều người chỉ giơ điện thoại quay phim chụp hình.

29/2016: Vụ tai nạn thảm khốc xe Camry đâm chết 3 người. Có 2 lái xe đã bỏ chạy khi được đề nghị chở em bé bị nạn đi bệnh viện.

VietNamNet