82e90a8c5d1cfe42a70d.jpg
PGS.TS Nguyễn Huy Phương bên cha mẹ hồi nhỏ. 

Nguyễn Huy Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Anh sớm đến với âm nhạc và thành danh từ rất sớm. Anh là con trai cố nhạc sĩ Huy Du - cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - một trong những nhạc sĩ nữ thế hệ đầu sáng tác giao hưởng.

Năm 1980, khi mới 6 tuổi, Nguyễn Huy Phương được gia đình định hướng học piano. 8 tuổi, anh thi đỗ vào hệ sơ cấp 7 năm tại Nhạc viện Hà Nội dưới sự hướng dẫn của GS.TS.NGND Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Năm 1989, anh được học bổng sang Nga du học. Sau 14 năm theo học tại Học viện Âm nhạc Gnesin ở Nga, Nguyễn Huy Phương lần lượt tốt nghiệp xuất sắc các hệ Trung cấp, Đại học, Thạc sĩ biểu diễn piano và Tiến sĩ Âm nhạc học. Năm 2003, anh về nước bắt đầu cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà tại Khoa Piano - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

"Để thành công trong lĩnh vực âm nhạc, tôi vô cùng biết ơn cha mẹ và các thầy cô đã dẫn dắt mình. Bố là người truyền cảm hứng âm nhạc cho tôi, còn mẹ luôn theo sát con từ những nốt nhạc đầu tiên, những thầy cô kiên trì rèn giũa, truyền đạt cho tôi kiến thức, kỹ năng, thổi bùng cảm hứng và đam mê với nghệ thuật piano. Tất cả những điều đó đã nuôi nấng tâm hồn, giúp tôi vượt qua mọi thử thách, khó khăn để vững bước trên con đường âm nhạc", PGS.TS Nguyễn Huy Phương chia sẻ. 

7ed3e2afe23f4161182e.jpg
PGS.TS Nguyễn Huy Phương.

Trong quá trình công tác tại Khoa Piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đến nay, ngoài hoạt động chuyên môn về giảng dạy, biểu diễn và nghiên cứu khoa học, Nguyễn Huy Phương đã tham gia nhiều vị trí quản lý, lãnh đạo. Năm 2009 anh giữ chức Trưởng bộ môn hòa tấu - đệm thuộc Khoa Piano. Năm 2014, Nguyễn Huy Phương được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Piano.

Với những nỗ lực trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn sau đại học, Nguyễn Huy Phương được phong Phó giáo sư năm 2015. Năm 2020, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Đào tạo của Học viện. Năm 2021, PGS.TS Nguyễn Huy Phương giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Hơn 20 năm làm công tác giảng dạy và quản lý tại ngôi trường về âm nhạc hàng đầu Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Phương đã đào tạo nhiều lứa học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tham gia nhiều công trình khoa học, viết báo, xây dựng chương trình, giáo trình. Trong các thế hệ học sinh, sinh viên do anh đào tạo, có nhiều em đã tốt nghiệp thủ khoa, là sinh viên xuất sắc và đạt giải thưởng quốc tế, được cử đi học tập tại Nga, Mỹ, Bỉ, Thụy Điển...

eb3d635c64ccc7929edd.jpg
Nguyễn Huy Phương được phong Phó giáo sư năm 2015.

Không chỉ nỗ lực đóng góp cho việc giảng dạy, đào tạo thí sinh tham gia các cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Huy Phương còn dành tâm sức cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Rất nhiều chương trình giảng dạy do anh xây dựng mang tính ứng dụng cao, được áp dụng trong các cơ sở giảng dạy, đào tạo âm nhạc của cả nước.

Bên cạnh đó, hàng năm anh đều đặn tham gia vào những chương trình biểu diễn trong và nước ngoài với vai trò soloist cùng dàn nhạc và nghệ sĩ piano trong các nhóm hòa tấu thính phòng. Có thể kể đến những chương trình biểu diễn cùng các chỉ huy như: Xavier Rist (Pháp), Bernhard Epstein (Đức), David Gomez Ramirez (Tây Ban Nha), Honna Tetsuji (Nhật Bản), NSND Nguyễn Thiếu Hoa...  

Tuy bận rộn với công tác quản lý nhưng PGS.TS Nguyễn Huy Phương vẫn tâm huyết với giảng dạy và đào tạo. Anh âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà và thổi bùng đam mê đó cho các học trò. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Phương, để trở thành một nghệ sĩ piano giỏi, ngoài năng khiếu, sự quan tâm từ phía gia đình, người thầy giỏi, bạn phải có một tâm hồn đẹp, sự kiên trì, lao động, sáng tạo và môi trường đào tạo tốt.

Cũng theo nghệ sĩ, hiện nay vẫn rất ít người hiểu và cảm nhận được âm nhạc hàn lâm. Đối với đại đa số người Việt Nam, âm nhạc nhạc cổ điển khá xa lạ và khó tiếp thu. Bởi vậy, anh mong muốn truyền đạt giá trị, vẻ đẹp, tính nhân văn, sự thuần khiết của âm nhạc hàn lâm đến càng nhiều học sinh với hy vọng các em sẽ là cầu nối lan tỏa những thông điệp, giá trị tinh thần của nhân loại chứa đựng trong các tác phẩm âm nhạc đến với công chúng.  

b6dda08fa71f04415d0e.jpg
 Nguyễn Huy Phương và các học trò tài năng tham gia đêm nhạc mới đây. 

Trong quá trình giảng dạy, điều làm anh tự hào là những thành quả đến từ các học trò của mình. Theo Nguyễn Huy Phương, thành công lớn nhất mà anh có được chính là kết quả học tập, rèn luyện của các em học sinh, sinh viên. Mỗi khi họ gặt hái được những giải thưởng từ các cuộc thi, anh lại sung sướng và hạnh phúc. Đây không chỉ là niềm vui của riêng anh mà đó còn là tự hào của tập thể lãnh đạo, giáo viên, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và cả đất nước.

Trong các lứa học trò của mình, thầy Phương đặc biệt ấn tượng với anh em Nguyễn Trung Đức và Nguyễn Đức Kiên. Cả hai bộc lộ năng khiếu từ khá sớm. Nổi bật hơn là em Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 2008). Từ năm 6 tuổi, Kiên đã được gia đình đầu tư học piano và được đích thân PGS.TS Nguyễn Huy Phương hướng dẫn.

Nguyễn Đức Kiên đã giành các giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi quốc tế Mozart lần thứ 6 tại Bangkok, Thái Lan (2016); Giải Nhất cuộc thi Chopin quốc tế lần thứ 3 và 5 tại Bangkok, Thái Lan (2016, 2019); Giải Vàng cuộc thi Piano quốc tế Châu Á tại Seoul, Hàn Quốc (2018); Giải Bạc cuộc thi Piano quốc tế ICA (2019)...

Gần đây, Đức Kiên vào chung kết cuộc thi Piano quốc tế Rachmaninoff cho lứa tuổi trẻ tổ chức tại Nga (năm 2023). Đây là cuộc thi rất khó về chuyên môn, có sự cạnh tranh gay gắt từ hơn 120 thí sinh đến từ các cường quốc âm nhạc thế giới như Nhật, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

PGS.TS Nguyễn Huy Phương đã cùng 13 học trò xuất sắc nhất của mình tổ chức thành công buổi hòa nhạc Harmony of Generations diễn ra ngày 21/6/2024 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây là chương trình đặc biệt quy tụ nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, cựu sinh viên xuất sắc đã và đang học trong lớp chuyên ngành và hòa tấu piano của anh. 

Đỗ Lê 
Ảnh: NVCC