Lợi nhuận cao, không cần vốn nhiều, chi phí thấp khiến ngày càng nhiều người lựa chọn hàng xách tay để kinh doanh.

Ở đâu nhiều hàng xách tay thế?

Từ lâu buôn bán hàng xách tay đã được đồn thổi là loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, một vốn bốn lời. Các mặt hàng xách tay theo đó cũng mọc lên được bày bán rất nhiều trên các diễn đàn, cửa hàng qua mạng với giá chỉ bằng 2/3 giá tại các đại lý chính hãng.

Bày bán đại trà, đâu đâu cũng thấy rao bán hàng Anh, Mỹ, Úc,... chính hãng với giá cả phải chăng. Tìm hiểu mới biết, việc tìm mối nhập hàng xách tay hiện tại cũng khá dễ dàng. Đơn giản và được nhiều người biết đến nhất là nhập hàng xách tay được các tiếp viên ngành hàng không, sân bay gửi về. Địa điểm nổi tiếng nhất của Hà Nội chuyên lấy hàng xách tay từ nhân viên hàng không được biết đến là Nguyễn Sơn.

Cách trung tâm Hà Nội gần 10 km, đường Nguyễn Sơn gần sân bay Gia Lâm từ lâu đã được mệnh danh là thiên đường hàng xách tay. Nằm ngay cạnh nhiều cơ quan của ngành hàng không Việt Nam, hàng hóa của Nguyễn Sơn được tiếng là có nguồn gốc xịn, trực tiếp do các hướng dẫn viên và phi công mang từ nước ngoài về. Nguồn hàng ở đây cũng khá ổn định nên Nguyễn Sơn cũng là địa chỉ được nhiều cửa hàng bán đồ xách tay online, bán lẻ lựa chọn làm nơi lấy nguồn hàng.


Với hàng chục cửa hàng nằm dọc theo con phố, hoạt động kinh doanh ở Nguyễn Sơn luôn diễn ra khá sôi động. Mỗi cửa hàng đều bày bán hàng loạt các loại sản phẩm khác nhau từ thực phẩm chức năng, sữa, các loại phấn, kem trang điểm, làm đẹp, có nguồn gốc từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc,…

Các mặt hàng ở đây có giá rẻ hơn khá nhiều so với các mặt hàng cùng loại bán ở cửa hàng chính thức. Tham khảo một cửa hàng trên đường Nguyễn Sơn, một hộp kem dưỡng thể mang nhãn The Body Sop của Anh bán ở Việt Nam có giá tại đại lý là 419.000 đồng, các cửa hàng xách tay trên mạng bán với giá 350.000 đồng còn ở Nguyễn Sơn bán với giá 280.000 đồng.

Tương tự, một sản phẩm kem trang điểm của The Faceshop (Hàn Quốc) có giá bán đại lý gần 500.000 đồng nhưng hàng xách tay có giá thấp hơn khoảng 25%, chỉ 370.000 đồng. Đấy là chưa kể giá mà người bán hàng đưa mới là giá bán lẻ, nếu khách hàng có nhu cầu nhập sỉ số lượng lớn, giá sẽ còn giảm nữa.

Một cách khác mà các cửa hàng bán đồ xách tay sử dụng đó là gửi hàng qua đường chuyển phát nhanh quốc tế về trong nước. Hàng xách tay loại này hay được giới trong nghề gọi là hàng “ship”. Để ship được hàng về nước cũng có nhiều cách.

Nếu người buôn có người thân ở nước ngoài, họ sẽ gom hàng từ bên đó rồi gửi về. Nếu không, "con buôn" trong nước sẽ tự tìm hiểu, liên hệ và giao dịch mua hàng trực tiếp với người bán từ nước ngoài qua các trang mạng. Tại nước ngoài, giới buôn bán cũng thường lập ra các nhóm giao dịch để ship hàng đi các nước khác theo nhu cầu.

Ngoài ra, bên cạnh hàng xách tay đúng nghĩa, cũng có một bộ phận không nhỏ hàng xách tay "giả", hàng Trung Quốc trộn vào. Nếu người tiêu dùng không tinh ý, việc bị lừa và "tiền mất tật mang" không phải là lạ.

Lợi nhuận cao nhờ né thuế

Qua cách thức kinh doanh, có thể dễ dàng nhận thấy là dù chuyển hàng theo cách nào, lợi nhuận chủ yếu từ việc cung cấp hàng xách tay đến từ việc tránh được các khoản thuế. Hàng xách tay vốn được hiểu là hàng hóa mang từ nước ngoài về với mục đích sử dụng cá nhân, vì thế nó được phép qua biên giới mà không cần đóng một khoản thuế nào.

Đây chính là điểm được các cửa hàng bán đồ xách tay khai thác triệt để. Đặc biệt với những mặt hàng ở Việt Nam bị xếp vào loại “xa xỉ” như nhãn hiệu quần áo cao cấp, rượu, bia, thuốc lá, nếu nhập theo nguồn xách tay các cửa hàng này có thể né được những khoản thuế rất lớn.

Một cách khác để tăng thêm lợi nhuận thường được các cửa hàng xách tay chuyên bán quần áo áp dụng đó là gom hàng vào mùa sale off ở nước ngoài. Vào những mùa sale off, các loại quần áo có thể giảm tới 70%, đây là thời điểm “vàng” cho các tay lái gom hàng.

Sau khi chuyển về Việt Nam, hàng sẽ được bán với giá thấp hơn giá tại cửa hàng chính hãng một chút. Như vậy, người bán hàng xách tay vừa nhập được hàng với giá cực rẻ, vừa ăn chênh lệch từ thuế suất. Mức lợi nhuận “siêu khủng” này có thể nói là một vốn vài ba lời.

Đấy là chưa kể, đối với những mối hàng nhập số lượng lớn của các đại lý nước ngoài, các mối này cũng được chiết khấu cao (từ 20 – 30%) và đưa ra thêm dịch vụ hậu mãi như tặng hàng, free ship,…

Vốn ban đầu thấp (từ 50 - 100 triệu) nguồn hàng dễ kiếm, chi phí quảng cáo thấp, ít tốn chi phí nhân viên (thông thường một cửa hàng bán đồ xách tay chỉ cần thuê 1 – 2 nhân viên) và đặc biệt là lợi nhuận có thể lên tới 30%, ngày càng nhiều người chọn kinh doanh mặt hàng xách tay. Các cửa hàng xách tay cũng dần có sự chuyên biệt hóa như các cửa hàng chuyên bán sữa, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,...

Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người bán hàng xách tay lâu năm, những mặt hàng xách tay được kinh doanh kể trên thường có giá trị không quá lớn, khoảng từ 2 triệu đồng đổ về. Đối với những mặt hàng thực sự đắt tiền, có giá cả chục triệu đồng trở lên hay những mặt hàng đặc biệt như sữa bột cho trẻ sơ sinh, thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cũng tỏ ra rất khéo léo trong việc lựa chọn nguồn hàng.

(Theo Cafe F)