- “Tôi không gọi đó là phố ông đồ, mà là những chợ chữ nơi một số người tham gia đã khiến hình ảnh ông đồ trở nên mất thiêng”, thạc sĩ ngành văn hóa Nguyễn Hiếu Tín.
Xem clip: “Phố ông đồ” tấp nập người xin chữ |
Sắc màu Tết đã bắt đầu tràn khắp phố phường Sài Gòn, trong đó phố ông đồ là một trong những hình ảnh đặc trưng. Nhìn ở góc độ tích cực, nét văn hóa truyền thống này cho thấy sự bén rễ vào tâm thức của những người trẻ hôm nay. Khi họ tìm thấy ở thư pháp chữ nghĩa một cách riêng cao nhã để bày tỏ những tình cảm, suy nghĩ hay ý chí tu thân lập nghiệp. Nhưng cũng bởi đã làm thành phố xá, ồn ào bán buôn nên cũng lắm chuyện không hay xảy ra.
Hình ảnh phố ông đồ Tết 2013 trước cổng Cung văn hóa Lao Động.
Nhân dịp này, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Th.s Nguyễn Hiếu Tín, trưởng bộ môn Việt Nam Học của Đại học Tôn Đức Thắng. Anh cũng là người có nhiều nghiên cứu về thư pháp đã được xuất bản, công bố, bên cạnh các hoạt động thực hành thư pháp và triển lãm.
Mỗi độ xuân về, người Việt thường đi xin chữ thư pháp từ các thầy đồ. Từ đâu mà dân tộc có phong tục tốt đẹp này, thưa anh?
Dân tộc Việt có nền văn hóa kính chữ, trọng chữ và truyền thống hiếu học. Ông cha xem chữ là của bậc thánh hiền. Những người có văn hay chữ tốt, viết chữ đẹp luôn được cộng đồng quý trọng. Từ đó mà nảy sinh chuyện viết câu đối ngày Tết, đi tìm chữ đem về treo ở phòng khách với tấm lòng thành kính, chứ không chỉ tìm may mắn.
Khác với một số nước trong khu vực, ông đồ Việt phóng bút cho chữ và người nhận chữ cùng tham gia vào một trò chơi mà cả hai phía tạo cảm hứng cho nhau. Do vậy, thư pháp Việt trọng ở cái tình và thuộc về dân gian. Người Việt cho và tặng chữ để bày tỏ tình cảm. Trong khi ở Nhật hay Trung Quốc, thư pháp chỉ dành cho giới quý tộc và trí thức, mang nặng tính trình diễn và đẩy nghệ thuật lên rất cao, có người cả đời chỉ học viết thư pháp cho đúng một chữ.
Trong cảm nhận của anh, việc thực hành thư pháp chữ Hán Nôm và thư pháp chữ quốc ngữ với ký tự La Tinh có điểm chung và sự khác biệt nào về mặt cảm xúc nghệ thuật và hình thức thể hiện?
VN với một lịch sử bị đô hộ và đấu tranh giành độc lập đã để lại một hệ quả khá lạ. Ngoài những gì để lại trên trống đồng Đông Sơn hay bãi đá cổ Sapa…khiến giới nghiên cứu đặt giả thiết về một loại văn tự tạm gọi là Hoa Đẩu tồn tại trong lớp văn hóa bản địa, ở VN tồn tại 3 loại văn tự dưới dạng văn bản gồm: chữ Hán thời Bắc Thuộc, sau được sáng tạo ra thành chữ Hán Nôm dưới sức mạnh tinh thần dân tộc của tầng lớp trí thức, cuối cùng là chữ quốc ngữ.
Thư pháp là sự bày tỏ tinh thần, tình cảm chủ quan từ phía người cho lẫn người nhận, nhưng khái quát hơn, nó thể hiện tinh thần của thời đại. Thư pháp chữ quốc ngữ tương ứng với thời đại ngày nay, vậy nên cũng có sự khác biệt so với thư pháp chữ Hán Nôm. Một bên là chữ tượng hình, một bên là chữ dùng một chuỗi ký tự để ký âm. Chữ tượng hình có lợi thế lớn về nghệ thuật, nên xét về hình thức, thư pháp Hán Nôm chắc chắn đẹp hơn về hình thể. Cả hai chỉ có điểm chung là tinh thần của việc viết thư pháp.
Khi tôi làm luận văn về thư pháp, có ý kiến phản đối thư pháp chữ quốc ngữ vì cho rằng ký tự La Tinh thì làm gì có thư pháp. Tôi đi tìm hiểu và phát hiện bất cứ dân tộc nào có chữ viết thì đều có thư pháp. Ta phải hiểu thư pháp theo nghĩa phổ quát là nghệ thuật viết chữ đẹp. Có thể nói VN là nước đầu tiên dùng bút lông để viết thư pháp ký tự La Tinh. Bởi trước khi có chữ quốc ngữ, cha ông ta cũng dùng bút lông để viết.
Tôi không giải thích được về mặt khoa học. Bản thân việc viết thư pháp chữ quốc ngữ cũng do người viết và người nhận đều không còn hiểu chữ Hán Nôm, trong khi công cụ và bút pháp – tức cái hồn của thư pháp như cách gọi của thi sĩ Vũ Đình Liên trong bài “Ông đồ” – vẫn không hề mất đi. Nếu ngoài miền Bắc còn ưa chuộng thư pháp chữ Hán thì ở miền Nam thiên về chữ quốc ngữ.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tín, sinh năm 1980, người có nhiều nghiên cứu và đam mê trong lĩnh vực thư pháp Việt.
Nếu như việc viết chữ quốc ngữ có thể nâng lên thành nghệ thuật thư pháp thì hẳn các thầy đồ ở thế kỷ 20 đã làm, nhưng thực tế nó chỉ xuất hiện ở đầu thế kỷ 21…
Sử liệu ghi lại từ thập niên 30 – 40 của thế kỷ 20, nhà thơ Đông Hồ đã bắt đầu thử nghiệm viết thư pháp chữ quốc ngữ trong bối cảnh giao thời giữa cái mới và cái cũ. Ông am hiểu chữ Hán đồng thời cổ súy cho chữ quốc ngữ. Khi sáng tác thơ bằng chữ Hán, nhân tiện ông dùng cây bút lông viết thử nó ra bên cạnh bằng chữ quốc ngữ. Nhiều người lại thích vì họ không hiểu chữ Hán. Ông viết tặng cho bạn bè và được nhiều người bắt chước.
Tuy nhiên, những thử nghiệm này vẫn nằm trong cuộc chơi tự phát giữa các nhà thơ, bạn thơ, không thành lập thành phong trào gì hết. Mãi dài cho tới năm 2000, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn mới là người đầu tiên lập ra câu lạc bộ thư pháp chữ Việt, mở ra phong trào như đã thấy hiện nay. Có thể khi hội nhập càng nhiều, thì nhu cầu quay về tìm lại bản sắc của con người ta càng lớn.
Mỗi dịp Tết gần đây, Sài Gòn thường có những phố ông đồ mở ra để mua bán thư pháp. Phải chăng chúng ta đang thương mại hóa một di sản tinh thần của cha ông?
Số lượng ông đồ xuống phố ở Sài Gòn là khoảng 200 ông đồ. Nhà văn hóa Thanh Niên và Cung văn hóa Lao Động mỗi nơi 60 người, Galaxy khoảng 30 người, ngoài ra còn có các trung tâm văn hóa quận, huyện. Chưa kể các ông đồ tại gia và tại chùa. Muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận đó là một nhu cầu để con người bày tỏ tình cảm.
Tôi là người hơi cổ hủ. Năm 2006, tôi tiên phong đưa ra mô hình phố ông đồ trình lên ban giám đốc một nhà văn hóa. Mô hình của tôi hơi lý tưởng: mỗi năm chọn lọc khoảng 15 ông đồ viết chữ thật đẹp, kêu gọi nhà tài trợ dựng không gian cho chữ cổ kính, trả lương cho ông đồ và đặt ống heo kêu gọi ủng hộ. Nhưng họ rất nhạy kinh doanh nên chuyển qua hình thức cho thuê diện tích, mỗi chiếu 2x2m có giá 2,5 triệu một ngày, khoảng 30 người đăng ký trong năm đầu.
Tôi không gọi đó là phố ông đồ, mà là những chợ chữ nơi một số người tham gia đã khiến hình ảnh ông đồ trở nên mất thiêng. Những mua bán mặc cả ở đây cũng giống như chuyện trùng tu di tích, người ta đập bỏ cái cũ đi để làm cái mới. Nhưng không trách được. Những ông đồ ngày xưa tương đối biết chữ, cho dù họ có thi rớt.
Ông đồ ngày nay rất ít người có học, nhiều người vì thất nghiệp, thi rớt mới đi làm ông đồ. Tôi không nói văn hóa tương đồng với học vấn, nhưng khi học vấn thấp, các ông đồ viết sai chính tả rất nhiều, chủ yếu đánh vào thị hiếu trong bối cảnh nhiều người xem chưa biết phân biệt chữ đẹp – chữ xấu.
Hoạt động mua bán thư pháp tại một phố ông đồ năm 2013.
Trong bối cảnh phần lớn người Việt không còn sống trong môi trường làng, xóm cách biệt như thời cha ông, các trường học cũng không đào tạo ai đó trở thành ông đồ. Vậy làm thế nào để gọi một người là ông đồ?
Gọi ai đó là ông đồ quả thật hơi khó. Hiện chúng ta cứ thấy ai viết chữ thư pháp thì gọi là ông đồ. Nhưng về bản chất, ông đồ chính là người dạy học, một nhà giáo trong làng xã. Nhưng hiện không phải ai là ông đồ cũng là nhà giáo.
Nếu nhìn những nội dung thư pháp bán chạy hoặc được yêu cầu nhiều nhất hiện nay, như tấm gương phản chiếu tâm trạng xã hội, thì tấm gương này đang nói lên điều gì, thưa anh?
Những nội dung thư pháp bán chạy thường tập trung vào những câu về đạo đức, nhân nghĩa và một phần tài lộc. Đối với viên chức, nhà giáo, họ chọn những câu phúc đức, người kinh doanh chọn tài lộc, nhóm thứ ba tạm gọi là có tri thức chọn những câu học làm người như chữ tâm, nhẫn…Đa số chọn những câu tốt đẹp, mang tính giáo dục, răn dạy truyền thống trong gia đình. Đôi khi là những câu thể hiện khát vọng khi xã hội không được lý tưởng như mong muốn.
Anh dự cảm thế nào về con đường sắp tới của thư pháp Việt?
Chắc chắn là thư pháp Việt vẫn phát triển. Hiện nay người ta vẫn gọi là đã bão hòa, do nó quá nhiều và không còn giá trị thiêng như 5 – 7 năm trước. Tình hình bão hòa này có ưu điểm là nhiều người đã biết và giới truyền thông, giới học thuật khó tính đã chấp nhận nó. Trong tương lai, tôi nghĩ nó vẫn tồn tại và có sự chọn lọc. Bởi xuất phát điểm quá thấp, mới có hơn 10 năm, trong khi thư pháp Trung Quốc có lịch sử hàng ngàn năm, nên thực tế, thư pháp chữ Việt còn đang định hình.
Xin cảm ơn anh
Minh Chánh thực hiện