- Trong đường lối xử lý hình sự của chúng ta, một điều rất quan trọng là không được để lọt tội phạm nhưng kiên quyết không để oan sai cho người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ trao đổi nhanh với báo chí bên hành lang QH sáng nay (5/11):

Trong đường lối xử lý hình sự của chúng ta, một điều rất quan trọng là không được để lọt tội phạm nhưng kiên quyết không để oan sai cho người dân, đảm bảo chế độ pháp lý, đặc biệt là hình sự, văn minh, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo luật pháp đã quy định.

Thưa Phó Thủ tướng, trong thời gian qua có nhiều vụ việc cho thấy bị can trong thời gian bị tạm giam có dấu hiệu bị ép cung. Cần nhìn nhận và xử lý vấn đề này như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, nếu có trường hợp ép cung là trái pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi ở mọi lúc mọi nơi, kể cả trong nhà giam.

Cũng bên hành lang QH, ĐB Dương Trung Quốc cho hay nếu có cơ hội, ông sẽ chất vấn trước QH vụ 10 năm oan sai

Trong suốt 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn đã liên tục gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng hoặc không được quan tâm. Quan điểm của ông?

Theo kinh nghiệm của tôi, có những cái người ta trả lời, thậm chí phải trả lời nhiều lần, nhưng có cái không trả lời hoặc chưa trả lời, mà người ta vẫn cứ xét xử. Không phải cá nhân tôi mà một vài vị đại biểu QH khác cũng đã tham gia và đều không nhận được hồi âm, bản án vẫn được tuyên.

Cách đây vài năm, án oan sai được nói rất mạnh mẽ, nhưng thời gian gần đây các án oan được nói ít đi, vậy mức độ quan tâm có ít đi không, thưa ông?

Tôi không rõ trong quá trình gia đình kêu oan thì các cơ quan dân cử từ HĐND cho tới các ĐBQH đã tiếp cận được chưa, và có tạo ra áp lực cần thiết theo quy định của pháp luật chưa.

Có những vụ việc chúng tôi đưa yêu cầu tới Tòa án tối cao và chưa có trả lời thì đã xử lại rồi. Tôi có đặt vấn đề với Chủ tịch nước, là người đứng đầu công tác cải cách tư pháp rằng: như thế thì để làm gì?

Lần này, có cơ hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao tôi sẽ chất vấn về vấn đề này.

Quy trình tố tụng phải thay đổi, mà muốn thay đổi thật sự thì không có gì khác là phải nâng cao quyền giám sát của nhân dân. Câu chuyện này làm rúng động dư luận là vì một loạt các vấn đề về cơ chế và trách nhiệm.

Sắp tới, xét xử đúng người đúng tội và giải oan cho ông Chấn thì phải đền bù, mà tiền đền bù lấy từ công quỹ nhà nước, chứ không phải những người làm sai bỏ tiền ra đền bù. Rõ ràng ở đây có cả bài toán kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Năng, chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn năm 2004 có nói: “Tôi quên phiên xét xử đó rồi. Có gì nhà báo cứ xem bản án. Giờ tôi không trả lời gì được đâu. Hồi xưa xét xử thì dựa trên chứng cứ, tài liệu vụ án, chứ giờ vụ án đã lâu không nhớ nổi. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được…”. Ông nghĩ gì trước phát biểu này?

Thực ra, ông ấy có quên cũng là điều dễ hiểu vì khối lượng công việc lớn, hơn nữa họ xét xử dựa trên kết quả điều tra của cơ quan công an chứ không phải tự họ đứng ra làm. Vì vậy, bây giờ truy trách nhiệm cuối cùng cũng rất khó.

Từ vụ oan sai cụ thể này, ông nhìn nhận thế nào về cải cách tư pháp trong 10 năm qua?

Chưa làm được. Chỉ có vai trò của luật sư đã thay đổi rất nhiều, nhưng phải nói là số lượng luật sư rất ít, điều kiện cho số đông người dân, nhất là những người dân không có điều kiện thì còn rất hạn chế.

Vấn đề còn lại là nếu sự việc xảy ra mà cơ quan điều tra đi đến cùng thì sẽ khắc phục được sự việc này. Tôi lấy thí dụ như là có ép cung hay không ép cung, theo như người ta tố cáo là bị áp lực.

Làm thế nào để hạn chế hơn nữa tình trạng án oan, thưa ông?

Tôi cho rằng, phải minh bạch trong quá trình xét xử, đồng thời phải tạo điều kiện cho các bị can được hỗ trợ tư pháp, vì thực tế là một phần lớn họ không có điều kiện tự bảo vệ mình.

T.Lý - T.Lâm ghi - X.Quý - L.A.Dũng