- Chia lửa với Bộ trưởng Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi người dân và các ĐBQH không nên ăn gà nhập lậu để tự bảo vệ sức khỏe. Ông cũng đề cử gà đồi Bắc Giang là gà chất lượng cao.

Đề nghị ĐBQH không ăn gà lậu

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra 5 tác hại của nhập lậu: đó là tổn thất về thuế, gây thâm hụt ngoại tệ, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gà trong nước và sức khỏe của dân (do lượng thuốc kháng sinh tồn dư trong thịt). Chưa kể còn gieo rắc bệnh cúm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Cụ thể là Chính phủ đang xây dựng một đề án ngăn chặn tình trạng nhập lậu gà và từ nay đến hết năm 2013 tập trung để ngăn chặn.

Hà Nội đã nêu quyết tâm trong vòng 1 năm làm thế nào cơ bản người dân Hà Nội không phải ăn gà nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Các giải pháp trên theo Phó Thủ tướng là hoàn toàn khả thi. Bởi, ai cũng hiểu hết tác hại của loại thực phẩm lậu này nên, "đề nghị bà con nhân dân, các ĐBQH gương mẫu không ăn gà nhập lậu, bảo vệ sức khỏe cho mình. Gà trong nước là gà đồi Bắc Giang có chất lượng cao, có thương hiệu", ông Nhân kêu gọi.

Bộ Công thương cho biết cả nước hiện nay không quá 20 chủ hộ chuyên tổ chức kinh doanh gà nhập lậu, "chúng tôi đã hỏi, kiểm tra và sẽ làm việc với các chủ hộ này, khẳng định tính trái pháp luật và đặt vấn đề phải chuyển đổi ngành nghề, nếu không sẽ bị xử lý. Xe chở gà nhập lậu không phải là xe thường mà là xe chuyên dụng, phải có đóng tầng không thì gà sẽ chết, cho nên chạy trên đường nhìn biết chỉ có chở gà thôi, cho nên có thể theo dõi được", Phó Thủ tướng quả quyết.

Vấn đề thứ ba là sẽ kiểm tra tốt các chốt tập kết. Thậm chí, theo ông Nhân, có một số nơi gà nhập lậu được tạm dừng và để tản vào gà bình thường nội địa hóa và xuất tiếp thì những người nuôi gà địa phương bình thường, xã cũng biết hết, ông nào mà nhận gà cho nội địa hóa việc này cũng biết và nguyên tắc là không được tiếp tay.

Giải pháp quan trọng khác là tăng cường lực lượng. Bởi theo ông Nhân, có lần đi kiểm tra 1 chợ đầu mối, thì lực lượng chức năng của xã cho biết chỉ đủ người trực ở 1 cổng, trong khi chợ có tới 4 cổng.

"Luật pháp phải nghiêm hơn, xử lý trường hợp kiên quyết hơn và xử phạt mạnh hơn nữa thì việc này tuần trước Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 91 về an toàn thực phẩm, qua đó các biện pháp, chế tài có thể xử phạt vi phạm đến 100 triệu đồng và có thể tịch thu phương tiện và cùng với luật pháp khác chúng ta thấy nếu làm quyết liệt thì có thể xử lý được vấn đề này. Chính phủ đang làm đề án. Chúng tôi muốn chọn con gà để làm để rút kinh nghiệm và sau đó sẽ mở rộng dần sang loại khác như con heo, hoa quả v.v... ", ông Nhân giải thích.

Nên hỏi nhà hàng là gà gì

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các địa phương vào cuộc tích cực để dân có bữa ăn an toàn.


Cũng theo ông Nhân, vừa qua truyền thông đưa nhiều thông tin về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, song địa chỉ ở đâu, từng địa phương an toàn đến đâu thì không rõ. Hiện, vẫn đang xây dựng bộ chỉ số an toàn thực phẩm, để khi nói đến an toàn thực phẩm thì có trách nhiệm của từng địa phương, trong địa phương thì có trách nhiệm của từng cơ sở.

"Riêng đối với Hà Nội chúng tôi phấn đấu từ nay đến Tết thì bữa ăn của người dân đặc biệt liên quan đến gà nhập lậu cơ bản sẽ khắc phục được. Mùa này là mùa cưới cũng nên hỏi nhà hàng gà này là gà gì để yên tâm", ông Nhân chốt lại.

Tiếp lời, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói vui, "ĐBQH chắc cũng không biết con gà nào là gà không an toàn, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu đại biểu không ăn gà, là gà mất vệ sinh nhưng cũng khó biết vì gà rán, gà nướng, gà nấu cháo rồi làm sao biết được".

Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng hy vọng, năm nay sẽ có thực phẩm an toàn để ăn Tết. Muốn như vậy, cần có sự vào cuộc của nhiều bộ ngành chứ không riêng ngành y tế.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng