Như Thông báo của Thường vụ Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, sáng 14-6, trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, chiếc máy bay Su-30MK2 mang số hiệu 8585 của Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) do Thượng tá Trần Quang Khải và Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường điều khiển đã bị mất liên lạc ở khu vực đảo Hòn Mắt (Nghệ An).

Trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công và máy bay Su-30MK2, sáng 16-6, chiếc máy bay CASA-212 mang số hiệu 8983, cũng bị mất liên lạc tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), trên máy bay có 9 cán bộ, chiến sĩ... Trong suốt 10 ngày qua, công tác tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) đã được Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng và nhân dân triển khai tích cực, khẩn trương và có hiệu quả.

Chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ

Chứng kiến hoạt động TKCN các quân nhân và hai máy bay gặp nạn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Trong hai vụ tai nạn máy bay vừa xảy ra, chúng ta đã nỗ lực tìm kiếm những đồng chí bị mất tích và các máy bay với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền, nhân dân địa phương. Chúng ta đưa ra các phương tiện từ thô sơ đến hiện đại nhất của các đơn vị, các lực lượng để tìm kiếm. Mặc dù máy bay rơi ngoài biển rất xa bờ, công tác tìm kiếm là vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng chúng ta đã sớm xác định được vị trí máy bay rơi, cứu được 1 phi công và tìm kiếm được các đồng chí khác hy sinh. Vì tai nạn xảy ra trên biển nên ngư dân của ta cũng đã góp phần rất quan trọng trong công tác TKCN...”. Còn Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, thì đánh giá: “Tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và toàn dân trong nỗ lực tìm kiếm các phi công bị nạn trong hai vụ tai nạn vừa xảy ra. Việc TKCN người trên biển luôn vô cùng khó khăn. To như những chiếc tàu, thuyền của ngư dân khi đi tìm, cứu cũng đã khó, đằng này phi công nhảy dù ra khỏi máy bay thì chỉ có chiếc thuyền phao dài 2m, rộng chưa đến 1m lênh đênh trên biển trong điều kiện thời tiết phức tạp nên rất khó phát hiện. Khi cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường, chúng ta càng có hy vọng tìm được phi công Trần Quang Khải. Do vậy, việc huy động tổng lực với nhiều lực lượng, phương tiện và mở rộng phạm vi tìm kiếm là hoàn toàn phù hợp...”.

{keywords}
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác tìm kiếm

Đồng quan điểm với Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, nhận xét: “Tôi nhận thấy, công tác TKCN các máy bay và phi công gặp nạn trên biển đã được Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn dân đồng lòng, chung sức, nỗ lực thực hiện và sớm đạt được kết quả trong một thời gian ngắn. Ngay sau khi biết tin máy bay Su-30MK2 bị mất liên lạc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, kịp thời tổ chức công tác TKCN. Khi máy bay CASA-212 bị nạn trong quá trình TKCN máy bay Su-30MK2 vào ngày 16-6, ngay đêm hôm đó, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng đã họp gấp để triển khai khẩn trương, đồng bộ, toàn diện các biện pháp và huy động tổng lực thực hiện công tác tìm kiếm. Tôi cũng được biết, ngay sáng hôm sau (17-6), đồng chí Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã kịp thời có mặt tại khu vực máy bay mất tín hiệu để chỉ đạo công tác TKCN. Các trang thiết bị, phương tiện hiện đại của quân đội đã được huy động ở mức cao nhất để phục vụ công tác tìm kiếm... Những việc làm ấy đã làm ấm lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và các gia đình, người thân của các quân nhân mất tích...”.

Quân đội vào cuộc khẩn trương, quyết liệt

Qua thực tiễn có thể khẳng định, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, chủ động, kịp thời trong TKCN. Đề cập đến vai trò của các đơn vị quân đội, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), nói: “Tôi thấy sau khi tai nạn xảy ra, các đơn vị quân đội đã nhanh chóng điều động các lực lượng: Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Công binh… cùng các phương tiện, trang bị cả hiện đại lẫn thô sơ tham gia tìm kiếm với tinh thần và ý thức trách nhiệm rất cao. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển trong việc điều động tàu, thuyền của ngư dân, nên công tác tìm kiếm được triển khai đồng bộ, quyết liệt và nhanh chóng. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động TKCN đã có kết quả... Từ sự kiện này, tôi thấy vai trò của quân đội và sự phối hợp giữa quân đội với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là rất quan trọng”.

Bên cạnh vai trò của các đơn vị chủ lực, không thể phủ nhận vai trò của LLVT địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, các Quân khu 3, Quân khu 4 đã kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện, nhất là lực lượng DQTV và ngư dân của các địa phương tham gia TKCN. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), cho biết: “Ngay khi nhận được lệnh của Ban CHQS thị xã, chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương điều động trung đội dân quân biển bố trí hơn 10 tàu cá tham gia cùng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng dân quân biển của phường đã cùng lực lượng dân quân và ngư dân trên các tàu, thuyền tăng cường quan sát, tìm kiếm. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, sóng to, gió lớn, nhưng anh em chẳng ngại khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia tìm kiếm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Qua thực hiện nhiệm vụ cho thấy, anh em dân quân biển cũng như bà con ngư dân rất tích cực và phối hợp chặt chẽ trong tìm kiếm. Qua đây vừa thể hiện tình cảm của bà con nhân dân đối với Bộ đội Cụ Hồ, vừa thể hiện trách nhiệm của các công dân đối với quân đội và đất nước...”. Ông Võ Văn Lý, Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), kể: “Ngày 15-6, sau khi có lệnh của trên, phường Nghi Thủy khẩn trương bố trí lực lượng xuống gặp các ngư dân huy động tàu, thuyền và ngay trong buổi sáng đã huy động ngư dân phối hợp với lực lượng của Ban CHQS thị xã Cửa Lò cùng Bộ đội Biên phòng nhanh chóng ra khơi...”. Mặc dù ngư dân rất bận rộn với công việc đánh bắt hải sản, nhưng khi có tình huống cứu hộ, cứu nạn, họ rất trách nhiệm. Đề cập đến việc này, ông Nguyễn Văn Bình, chủ tàu cá NA 90539 (Nghệ An) nói: “Ngư dân chúng tôi dù bận rộn với kế sinh nhai, nhưng khi nhận được tin máy bay và phi công của ta gặp nạn bị rơi ngoài biển, không ai bảo ai, tất cả để dồn hết tâm sức tham gia tìm kiếm. Chẳng ngại khó khăn gian khổ, anh em chia nhau túc tực ngày đêm, bằng mọi khả năng của mình... chỉ mong tìm được phi công và máy bay gặp nạn càng sớm càng tốt...".

Hợp tác quốc tế trong tìm kiếm cứu nạn được phát huy

Không chỉ huy động sức mạnh tổng hợp từ trong nước, trong quá trình TKCN, chúng ta còn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Bà Nguyễn Thanh Hà, con gái của “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn, hiện sống tại Hà Nội, bày tỏ: “Theo dõi công tác tìm kiếm, cứu hộ máy bay Su-30MK2 và máy bay CASA-212 gặp nạn, chúng tôi biết đã có nhiều nước bày tỏ thiện chí muốn cùng Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay và phi hành đoàn. Tôi được biết phía Trung Quốc đã chủ động đề nghị ta cung cấp thông tin để cùng phối hợp TKCN và đã cử một số tàu, máy bay trực thăng tới khu vực phía Đông đường phân định (là khu vực thuộc Trung Quốc), gần khu vực nghi máy bay rơi, tích cực tham gia tìm kiếm máy bay CASA-212 của Việt Nam gặp nạn. Hành động này vừa mang tính nhân đạo, vừa thể hiện thiện chí của phía Trung Quốc và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Gia đình tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam đánh giá cao và xúc động trước nghĩa cử cao đẹp trên. Chúng tôi mong rằng trong tương lai, hai nước tiếp tục có thêm nhiều sự hiểu biết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực...”.

{keywords}

Ngoài ra, trong cuộc tìm kiếm này, chúng ta cũng đã nhận được nhiều thiện ý tốt của bạn bè quốc tế. Đáng chú ý như: Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gửi thông báo sẵn sàng cử lực lượng, phương tiện cùng tham gia TKCN khi Việt Nam có yêu cầu; Tập đoàn Airbus, Tây Ban Nha đã liên hệ bày tỏ tinh thần sẵn sàng phối hợp, giúp đỡ Việt Nam giải mã hộp đen, tìm nguyên nhân tai nạn... Thực tế cho thấy, Việt Nam đã tạo ra được sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế về công tác TKCN, sự hợp tác quốc tế trong công tác TKCN các quân nhân và máy bay mất tích đã được phát huy.

Sự hy sinh đáng cảm phục, trân trọng

Với sự nỗi lực không ngừng nghỉ của các lực lượng, ngày 15-6, chúng ta đã tìm thấy Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường-phi công trên máy bay Su-30MK2 đang trôi dạt trên biển. Ngay sau đó, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được đưa vào đất liền an toàn và đưa về điều trị tại Bệnh viên Trung ương Quân đội 108. Sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe của phi công Nguyễn Hữu Cường đã tiến triển tốt.

Đến chiều 17-6, thi thể phi công Trần Quang Khải cũng được tàu của ngư dân ta trên đường đi đánh cá phát hiện trên vùng biển Nghệ An. Ngay trong đêm 17-6, tàu cứu nạn CN09 của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đưa thi thể phi công Trần Quang Khải về đất liền trong vòng tay của người thân, anh em đồng chí, đồng đội. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã truy thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá cho phi công Trần Quang Khải. Lễ viếng, lễ truy điệu Đại tá Trần Quang Khải được tổ chức chu đáo, trang trọng theo nghi thức của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi biết tin máy bay Su-30MK2 và sau đó là CASA-212 mất tích trên biển, bà Phạm Hồng Thắm, ở khu phố 1, phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, cũng như hàng triệu người dân cả nước đều nghẹn ngào đau xót. Bà Phạm Hồng Thắm chia sẻ: “Dẫu hy vọng có phép màu xảy ra, nhưng rồi đất nước mất đi những người con ưu tú, vùng trời Tổ quốc mất đi những chiến sĩ gan dạ, trung kiên. Trong những ngày qua, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã làm hết sức mình, nỗ lực cố gắng từng giây phút. Chúng tôi cảm phục tinh thần huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ không quân nói riêng và Quân đội ta ngày nay nói chung. Hằng ngày, hằng giờ, chúng tôi chờ đợi thông tin từ báo, đài. Hễ có bất cứ dấu hiệu mới nào được phát hiện trong quá trình TKCN, mọi người dân trong khu phố chúng tôi lại chia sẻ cho nhau. Không chỉ đẩy mạnh quá trình tìm kiếm người gặp nạn, chúng tôi nhận thấy, Đảng ta, Nhà nước, các ngành, các cấp còn có những chế độ hậu phương đầy nhân văn, quan tâm tới đời sống của thân nhân những chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc. Sự hy sinh của người lính trong thời bình càng làm sáng đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Điều đó cổ vũ tôi và mọi người luôn yên tâm lao động, công tác, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội...”.

Sự ra đi của các đồng đội không làm những cán bộ, chiến sĩ ở lại sờn lòng. Đại tá Ngô Vi Sơn, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng PK-KQ, chia sẻ: Các tai nạn bay huấn luyện vừa qua là một mất mát lớn đối với quân đội và đất nước. Các đồng chí hy sinh, mất tích là những phi công, nhân viên chuyên môn kỹ thuật giỏi, là đồng đội của tôi cũng như bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ bộ đội không quân. Sự việc xảy ra, tất nhiên ai cũng suy nghĩ, đau buồn nhưng trong công việc, chúng tôi vẫn thể hiện bản lĩnh, sự vững vàng của một phi công. Những ngày qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã quan tâm huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cùng với đó là sự cưu mang, giúp sức của nhân dân, nhất là ngư dân trực tiếp trên biển, đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm với những người lính hy sinh trong thời bình. Đó là nguồn động lực để chúng tôi thêm vững vàng, tiếp tục huấn luyện nâng cao khả năng SSCĐ. Thời gian qua, mọi chế độ, hoạt động của đơn vị chúng tôi vẫn duy trì như bình thường. Chúng tôi vẫn trực SSCĐ 24/24 giờ, tổ chức giảng bình, rút kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ thuật nghiêm túc và sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào khi có lệnh. Đối với một phi công, được bay là niềm tự hào. Mỗi một chuyến bay có cả ngàn con người theo dõi, phục vụ và mỗi lần trở về mặt đất là bản thân đã mang theo về niềm hạnh phúc và niềm tin của tất cả đồng đội, đồng chí. Hơn hết, điều đó khẳng định QĐND Việt Nam nói chung, Không quân nhân dân Việt Nam nói riêng trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn quyết tâm huấn luyện giỏi, làm chủ vũ khí trang bị, làm chủ bầu trời, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo thông tin từ Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị: Đến chiều 24-6, nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội đã đến thăm, động viên, hỗ trợ gia đình các quân nhân bị thương, hy sinh trong vụ máy bay Su-30MK2 và CASA-212 gặp nạn. Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã đến thăm, động viên 4 gia đình quân nhân gặp nạn trên máy bay CASA và Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình. Các gia đình khác, Tổng cục Chính trị ủy quyền cho Quân chủng Phòng không-Không quân chuyển lời thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ 10 triệu đồng tới mỗi gia đình. Lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân đã đến thăm, động viên và hỗ trợ 9 gia đình quân nhân bị nạn trên máy bay CASA-212, mỗi gia đình 30 triệu đồng; hỗ trợ 50 triệu đồng đối với gia đình Đại tá Trần Quang Khải hy sinh trong khi bay huấn luyện trên máy bay Su-30MK2 và 5 triệu đồng đối với Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, bị thương trong khi bay huấn luyện trên máy bay Su-30MK2. Các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội những ngày qua đã đến thăm, động viên và hỗ trợ các gia đình quân nhân bị thương và hy sinh. Thành phố Hà Nội đã quyết định tuyển dụng đặc cách chị Trần Thị Hà, vợ Đại tá Trần Quang Khải vào biên chế chính thức tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội; Tập đoàn Mường Thanh tặng vợ, con Đại tá Trần Quang Khải 1 căn hộ chung cư diện tích 80m2...


  • Theo Quân đội Nhân dân