Hệ thống phòng tập Lamita vừa thông báo tạm dừng hoạt động kể từ 4/1. Theo thông báo gửi khách hàng, hệ thống Lamita Dance Fitness sẽ phải dừng hoạt động không xác định thời hạn.
Đây là điều không hề mong muốn, nhưng do những khó khăn, vướng mắc nội bộ không thể giải quyết, Lamita buộc phải đi tới quyết định này. Phòng tập tới đây sẽ có thông báo chính thức tới học viên và đối tác về phương án thực hiện nghĩa vụ của họ với các khách hàng đã, đang hay vừa mới tham gia hệ thống.
Khởi đầu từ một trung tâm zumba, Lamita đã phát triển thành hệ thống các thương hiệu thành viên gồm Lamita Fitness, Lamita Star, Lamita Shop và La Phạm với 65 điểm tập.
Năm 2019, CEO Vũ Thị Thuỳ Linh từng được Shark Liên và Shark Hưng đồng ý rốt vốn đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần chuỗi Lamita Fitness. Tuy nhiên, dự án chưa nhận được vốn đầu tư vì gặp một số vấn đề. Sau đó, Lamita tiếp tục kêu gọi vốn từ một quỹ đầu tư trong nước. Chuỗi này được định giá 100 tỷ đồng.
Nhiều phòng gym gặp khó khăn do dịch bệnh |
CEO Vũ Thị Thùy Linh tự tin vào Lamita Dance Fitness có 3 thứ “độc quyền”, đó huấn luyện viên, học liệu và nền tảng số dành cho hệ thống phòng tập nhảy đầu tiên tại Việt Nam. Quan trọng nhất, những điều Lamita Dance Fitness hướng tới là giá trị cộng đồng, lan tỏa năng lượng tích cực và kết nối các cá thể độc lập; thêm vào đó là sự đồng hành của Shark Hưng và Shark Liên.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa nhận được tiền đầu tư, trong khi phải tăng về số lượng, Lamita gặp nhiều khó khăn chi phí mặt bằng và nhân sự. Sau giãn cách xã hội, Lamita hoạt động trở lại nhưng ngấm đòn khó khăn. Cuối cùng, hệ thống này đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Trước Lamita, một startup khác về phòng tập là Wefit (sau đổi tên thành WeWow) tuyên bố phá sản do nguồn vốn đã cạn. Theo chia sẻ của startup này, họ rất tiếc khi phải đóng cửa sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm 2020, dù đã nỗ lực cải tổ. Song, do ảnh hương của dịch, WeWow tiếp tục khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được.
Trong thư gửi khách hàng, đại diện WeWow cho hay, vốn hoạt động của công ty đã cạn kiệt hoàn toàn, do đó không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm, buộc phải dừng hoạt động từ 11/5/2020. Công ty đã mở thủ tục phá sản tại Toà án Nhân dân TP. Hà Nội theo các quy định của pháp luật.
WeWow khởi điểm từ Wefit, do Khôi Nguyễn thành lập tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness Việt Nam. Ứng dụng kết nối hơn 600 phòng tập và cung cấp hơn 5.000 lịch tập luyện mỗi ngày. Khách hàng có thể tập tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống của Wefit.
WeFit được ESP Capital rót 155.000 USD vào cuối năm 2017. Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital.
Tham vọng triệu đô, WeFit tuyên bố phá sản |
Nguyễn Hải Đăng đảm nhận vị trí CEO WeFit thay nhà sáng lập Khôi Nguyễn vào đầu tháng 2/2020 - thời điểm khó khăn chưa từng có của startup này trước scandal đến từ cả đối tác phòng tập/spa và khách hàng.
Bài học thất bại
Nhìn vào thất bại của các startup cho thấy, vấn đề về quản trị và dòng vốn có ý nghĩa sống còn. Theo Lamita, đơn vị này không lường trước được rủi ro của việc mở rộng hệ thống nên khi gặp dịch bệnh đã mất khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lý dòng tiền, trong đó có khoản dự phòng tài chính và quản trị chi phí, dòng tiền.
Hay như CEO của Wefit từng chia sẻ: “Thực tế đã có rất nhiều tháng mà chi phí chúng tôi trả cho phòng tập đối tác lớn hơn cả doanh thu; bên cạnh đó, còn nhiều khoản chi phí đến từ việc chúng tôi không kiểm soát được những lỗ hổng của mô hình tập luyện không giới hạn như: booking ảo, nhiều người dùng chung một tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng - đỉnh điểm là 202 lần/tháng... ".
"Chúng tôi đã sai ngay từ mô hình kinh doanh cho đến định giá không đúng sản phẩm, đưa ra các chính sách bán hàng không hợp lý và vận hành chưa hiệu quả", đại diện Startup thừa nhận.
Kẻ đi người đến, mới đây, Jetts 24 Hour Fitness vừa ra mắt phòng tập đầu tiên tại Việt Nam, ở TP.HCM. Theo kế hoạch, công ty sẽ mở 12 phòng tập tại đây trong năm đầu và hướng đến mục tiêu mở rộng chuỗi phòng tập lên con số 24 trên khắp cả nước trong vòng 2 năm.
Theo dự báo của Statistics, thị trường phòng tập tại Việt Nam có thể đạt quy mô 113 triệu USD vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%.
Trong đó, chiếm thị phần lớn là các thương hiệu cao cấp, còn các phòng tập bình dân chỉ giữ thị phần nhỏ. Dễ thấy những thương hiệu lớn như: California Fitness & Yoga, Getfit Gym & Yoga, Elite Fitness, hay Fit24 luôn được nhắc tới trong thị trường này.
Thư Kỳ