Có những kẻ sẵn sàng vứt bỏ giọt máu của mình thì cũng có những người mở lòng ra đón lấy những trẻ em không may ấy.

Một người mẹ nhận con nuôi ở Trung tâm số 4, từng băn khoăn hỏi tôi: “Chị làm việc ấy đúng hay sai?”. Tất nhiên, tôi nói chị làm đúng, vì tôi nhìn thấy đứa trẻ chị đang nuôi dưỡng cùng những đứa con của chị ngày một khôn lớn và đẹp đẽ. Nhưng, nghĩ đến việc chị đã phải bỏ tiền ra “mua” đứa trẻ ấy về, để nó được sống trong yêu thương tôi lại thấy buồn...

Không thiếu người bán


Lần gặp thứ hai, Công đưa tôi đến một quán nước đối diện cổng thứ hai của Bệnh viện Phụ sản Trung ương (số 1 Triệu Quốc Đạt - Hà Nội). Tại đây, hắn gặp người đàn bà tên Hiền để giới thiệu yêu cầu của “khách”. Hiền kéo Công ra chỗ khác nói gì đó, cốt để tôi không nghe thấy. Lát sau, Công trở lại chỗ tôi, giở giọng khó khăn: “Chị không gặp may rồi, thời điểm này trẻ con đang khan hiếm lắm. Mới Tết xong, chẳng ai muốn vứt bỏ con mình. Họ sợ đen đủi. Mụ Hiền này lúc nào cũng nuôi sẵn mấy bà chửa, họ lên bàn mổ đẻ ngay khi gặp người có nhu cầu xin con nuôi... nhưng Hiền bảo bọn chúng không chịu đẻ vào đầu năm”. Tôi quay sang tìm Hiền thì cô ta đã biến mất từ lúc nào. Một phụ nữ khác đến gần tôi, rỉ tai: “Để chị hỏi con Thanh cho, ngày xưa nó làm y tá ở viện này”. Qua người phụ nữ này, tôi được biết gia đình Thanh bán nước chè ở cổng Viện C, đó cũng là nơi Thanh môi giới bán trứng cho những phụ nữ hiếm muộn. Cô ta đứng giữa, “buôn” quan hệ với các y bác sĩ của bệnh viện với người có nhu cầu. Khi nào có trẻ bỏ rơi, Thanh sẵn sàng “giúp” những cô gái có ý định bỏ con... để nhận tiền bồi dưỡng từ người có nhu cầu mua đứa trẻ bị bỏ rơi. Mấy năm trước, Thanh bị đuổi việc vì vi phạm kỷ luật. Từ đó, cô ta nuôi sống gia đình bằng nghề tay trái: “buôn người”!

Tôi chưa kịp “bắt mối” với đường dây của Thanh thì Công sấn đến, kéo tôi theo hắn. Đi được một đoạn, Công bảo: “Cứ để anh tìm cho, làm gì phải vội. Làm món này thì nhiều người làm được lắm, nhưng mà giá cả thì còn tùy. Cô yên tâm, đã làm với anh thì giá cả phải chăng nhất rồi”. Tôi lấy lý do sắp phải ra nước ngoài thăm chồng hai tuần, cần phải có thông tin ngay về đứa trẻ định nhận làm con nuôi để hỏi ý kiến anh ấy. Công nói: “Vậy thì cho anh thêm hai triệu, anh sẽ tìm nhanh cho. Sáng mai cô đến phòng khám 934 Trương Định, ngồi đợi anh ở quán nước gần đấy”. Hôm sau, Công đến Phòng khám đa khoa phía Nam, tót thẳng vào bên trong. Khoảng nửa tiếng sau, Công quay ra bảo: “Không có”. Tôi hỏi: “Nghĩa là sao?”. Công nói: “Nghĩa là chưa có đứa nào bỏ con hôm nay”. Tôi hỏi: “Chỗ này có trẻ bán thường xuyên không?”. Anh ta xẵng giọng: “Hỏi lắm thế, có những điều cô không nên biết…”.

“Làm phúc”

Ông Cường đang trao đổi với PV

Đợi hai ngày sau không thấy tôi liên lạc lại, Công liên tục gọi vào số điện thoại của tôi. Tôi không bắt máy, anh ta nhắn tin: “Gọi lại cho tôi nhé!”. Trong thời gian ấy, tôi tìm được một người mang thai sắp “lâm bồn”, nhờ chị sắm vai cùng tôi để thâm nhập Phòng khám đa khoa phía Nam. Vào phòng khám, cô nhân viên văn phòng hỏi tôi đến tìm ai? Tôi nói: “Em gái tôi lỡ...”. Chỉ chừng đó thôi, cô nhân viên đã hiểu ý. Cô bảo: “Bác sĩ Cường không có ở đây, phải hẹn trước mới gặp được”! Nói đoạn, cô đưa cho tôi số máy của bác sĩ Cường để đặt lịch khám. Chiều hôm sau, tôi gọi cho số máy 0913.0281... Tôi nói: “Hôm qua em đưa đứa em gái đến gặp bác sĩ, nhưng họ nói em phải gọi điện trước”. Ông bác sĩ nói: “Biết là muốn gì rồi, đưa qua đây ngay đi”.

Đang là giờ làm việc nên người phụ nữ mang thai hứa giúp tôi lại không thể đi khỏi cơ quan ngay. Tôi đến một mình. Hai nhân viên nữ trẻ măng đưa tôi lên tầng năm, qua một chiếc cầu thang tối tăm, sực mùi ẩm mốc và lạnh lẽo. Một cô gái mặc áo blouse trắng chỉ tôi ngồi vào chiếc bàn bề bộn. Mười phút sau, một người đàn ông có mái tóc muối tiêu xuất hiện. Đi ra từ một căn phòng tối om, tóc rối bù, mặt bóng mỡ, vừa đi vừa nhét áo sơ mi vào quần, ông ta ngồi xuống ghế đối diện, tự giới thiệu: “Tôi là Lê Cường, bác sĩ chuyên khoa II, giám đốc phòng khám này. Em gái cô đâu, tôi không có nhiều thời gian đâu”. Tôi chống chế: “Nó đang giờ làm, sẽ đi taxi đến sau em một lát. Em mới là người quyết định tất cả, nó còn nhỏ tuổi nên không biết gì đâu”. Ông Cường nói: “Cái gì tôi cũng giúp được hết nhưng nó phải qua đây để tôi khám. Em cô mang thai tuần thứ bao nhiêu?”. Tôi bảo: “Hình như tuần thứ 37-38 gì đó”. Ông Cường nói: “Được, tôi sẽ can thiệp cho nó đẻ sớm”. Tôi hỏi: “Em tôi sẽ sinh ở đâu?”. Ông Cường bảo: “Sinh ở phòng khám chuyên khoa sản đàng hoàng. Thích thì tôi cho sinh ở Trung tâm y tế huyện Thanh Trì, bệnh viện Phụ sản, hoặc cùng lắm thì sinh ở phòng khám của tôi. Tôi sẽ trực tiếp đỡ đẻ hoặc cho nhân viên của tôi đưa em cô đi đẻ đàng hoàng. Tùy cô chọn, tôi làm phúc là chính thôi”. Ông Cường khẳng định, sau khi đỡ đẻ xong, sẽ “cho” đứa trẻ em tôi sinh ra vào chùa B.Đ, đổi lại, em tôi sẽ nhận được năm triệu đồng tiền bồi dưỡng sức khỏe. Ông lại nói đến từ “làm phúc” khiến tôi không khỏi rùng mình. “Cô cho con, cho cháu cô vào chùa cũng là một cách tạo phúc, nhà chùa người ta cũng làm phúc cho cô, giúp cho con, cháu cô có một tương lai ổn định hơn, được đảm bảo hơn. Em cô sinh con mà không được gia đình thừa nhận thì cả nó và con cùng khổ. Tốt nhất là xác định mình sinh xong thì quên luôn đứa trẻ đó đi” - ông Cường lạnh lùng nói.

Rồi ông Cường lẩm bẩm tính tiền dịch vụ đỡ đẻ cho em gái tôi. Tổng số tiền mà tôi phải nộp trước cho ông là 4,5 triệu đồng. Tôi yêu cầu tính ra từng khoản cho rõ, ông Cường bực dọc: “Riêng tiền công cho uống thuốc kích thích đẻ sớm, tôi lấy hai triệu đồng. Cái này là tôi làm không đúng quy định của ngành y tế đâu. Người ta cấm can thiệp đẻ sớm, nhưng tôi làm phúc cho nhà cô nên linh động thôi. Còn các khoản khác là tiền vào viện, tiền bôi trơn bác sĩ, tiền công người ta đỡ đẻ...”. Ông Cường trấn an: “Cô yên tâm đi, em cô sinh xong, người ta sẽ “lại quả” cho ít nhất là năm triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Như thế là hay nhất rồi đấy, tôi thèm vào mấy đồng bạc lẻ tẻ này. Làm phúc là chính thôi”.

Như nhớ ra một điều quan trọng, BS Cường nghiêm mặt: “Nhớ điều này, việc tôi trao đổi với cô thì chỉ biết vậy thôi nhé! Nói ra thì bị công an bắt cả lũ. Nhà chùa xin con của cô họ không muốn biết gì về cô, về đứa trẻ, thậm chí về tôi... hãy giữ mồm giữ miệng đấy”. Cuối cùng ông Cường đưa cho tôi tấm name card của ông, hẹn tôi đưa em gái đến vào sáng hôm sau…

(Theo Phụ nữ TP.HCM)