Thực hiện các nội dung liên quan đến phóng xạ, hạt nhân
Hoạt động thực thi các điều ước quốc tế trong thời gian qua đã thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình và quan điểm ưu tiên tuyệt đối về an toàn, an ninh hạt nhân của Việt Nam, tạo niềm tin của cộng đồng hạt nhân quốc tế.
Về cơ bản, việc thực hiện các điều ước quốc tế về an ninh hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm và chủ yếu là thực hiện Quy tắc ứng xử về an toàn 31 và an ninh nguồn phóng xạ (Việt Nam tham gia năm 2006) và Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi của Công ước (Việt Nam gia nhập năm 2012). Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ định Cục An toàn bức xạ hạt nhân là đầu mối cho các hoạt động của Công ước; thành lập Tổ Công tác liên bộ trong lĩnh vực hạt nhân.
Tổ Công tác đã hoạt động rất hiệu quả và đã đề xuất nhiều điều ước quốc tế được Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định gia nhập; nghiên cứu toàn diện các điều ước quốc tế liên quan đến hạt nhân, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phương án tham gia, phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành có liên quan khi triển khai thực hiện điều ước quốc tế về hạt nhân, phóng xạ.
Thực hiện các nội dung liên quan đến sinh học
Vũ khí sinh học được coi là nguy hiểm nhất vì khó kiểm soát, thiếu sự kiểm tra độc lập đối với các quốc gia, trong khi mỗi cá nhân lại có thể dễ dàng tự nghiên cứu và phát triển các loại virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Công ước Công ước chống vũ khí sinh học và hợp tác quốc tế nhằm đối phó với khả năng chủ nghĩa khủng bố có thể tận dụng những bước tiến của công nghệ sinh học để chế tạo vũ khí có sức huỷ diệt lớn sử dụng để tấn công thực vật và động vật, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Thực hiện các nội dung liên quan đến vũ khí hóa học
Theo Nghị định số 38/2014/ND-CP, Việt Nam đã thành lập Cơ quan Quốc gia Việt Nam nhằm: i) Tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học; ii) Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và có hiệu quả giữa các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học; iii) Theo dõi, kiểm tra đảm bảo việc tuân thủ Công ước Cấm vũ khí hóa học; iv) Đầu mối quan hệ công tác giữa Việt Nam với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ là cơ quan đại diện, thường trực thay mặt Cơ quan Quốc gia Việt Nam giải quyết các công việc liên quan đến Công ước Cấm vũ khí hóa học, bao gồm: i) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học; ii) Cấp, đình chỉ, thu hồi theo thẩm quyền Giấy phép sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; iii) Quản lý việc sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động này tại các cơ sở hóa chất thuộc phạm vi quản lý của mình; iv) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước Cấm vũ khí hóa học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; v) Chủ trì thực hiện hợp tác quốc tế trong khuôn khổ của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến Công ước Cấm vũ khí hóa học trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tổ chức thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Việc thực thi các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về phòng ngừa, ngăn chặn và làm gián đoạn các hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến WMD
Nghị quyết 1718 (2006), 1737 (2006) và các Nghị quyết kế thừa hiện tại của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia phải áp dụng không chậm trễ các biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua tại Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc liên quan đến việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và làm gián đoạn hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và việc tài trợ cho các hoạt động này.
Trên thực tế, Nghị quyết 1718 (2006) và 1737 (2006) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các Nghị quyết kế thừa là các biện pháp trừng phạt đối với các chủ thể Nhà nước và phi Nhà nước liên quan đến việc phổ biến và tài trợ phổ biến WMD nhằm triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về cấm các loại WMD.
Từ năm 2013 đến 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có gần 20 văn bản hành chính chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên hợp quốc về phòng ngừa, ngăn chặn và làm gián đoạn các hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến WMD. Theo đó, giao các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương v.v…) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tháng 3/2018, Việt Nam thành lập cơ chế liên ngành để xử lý các tàu nước ngoài liên quan đến hoạt động hoặc vận chuyển hàng hóa bị cấm bởi các Nghị quyết liên quan của HĐBA cũng như không cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm cho các loại tàu này.