Theo đó, 29 dự án “ma” mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.HCM) tự vẽ ra để lừa khách hàng, hầu hết là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... do các cá nhân gồm: Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba; Nguyễn Thái Luyện Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thái Lực, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali và Trương Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp đứng tên.
Mục đích của việc phong toả này là để tránh những đối tượng trên sang nhượng và tẩu tán tài sản. Trong 29 dự án “ma” của Alibaba tại Đồng Nai thì huyện Long Thành có đến 27 dự án, nằm ở địa bàn 5 xã Long Phước, Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Địa bàn xã Long Phước là nơi có nhiều dự án “ma” nhất của Alibaba.
UBND huyện Long Thành cho biết thêm trong 27 dự án "ma" của Alibaba được xác định thực chất là 14 khu đất do 4 cá nhân Lĩnh, Luyện, Lực và Ngọc đứng tên. Trong đó, Ngọc và Lực mỗi người chỉ đứng tên 1 khu đất, còn lại là Lĩnh và Luyện đứng tên quyền sử dụng đất. Tổng diện đất nông nghiệp do 4 người trên đứng tên là hơn 40 ha. Thửa đất lớn nhất gần 7 ha, thửa nhỏ nhất 1,1 ha.
Ngay khi Bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM bắt giữ Lĩnh và Luyện, UBND huyện Long Thành đã yêu cầu các xã, phòng ban ngăn chặn toàn bộ giao dịch của các thửa đất có liên quan đến dự án"ma" của Alibaba. Đồng thời giữ nguyên hiện trạng đất, đợi cơ quan chức năng xử lý tiếp.
Tại huyện Xuân Lộc, Alibaba cũng thực hiện 1 dự án khống tại xã Xuân Hưng, song do huyện phát hiện kịp thời ngăn chặn ngay mọi giao dịch liên quan đến thửa đất đó từ trước khi 3 anh em Lĩnh, Luyện, Lực bị bắt hơn 4 tháng.
Tương tự, tại huyện Nhơn Trạch, Alibaba cũng tự vẽ quy hoạch, phân lô bán nền 1 dự án "ma" tại xã Long Thọ. UBND huyện đã cử lực lượng xuống tận nơi tháo dỡ tất cả các biển hiệu quảng cáo, cử lực lượng trực ngày đêm để kịp thời ngăn chặn xây dựng trái phép, khuyến cáo người dân không đến xem và mua đất.
Tại những khu đất nông nghiệp Alibaba quảng cáo có dự án “ma” đều đã được các xã cắm biển cảnh báo là khu vực đất nông nghiệp, cấm phân lô, bán nền, xây dựng trái phép. Các xã nơi Alibaba mở văn phòng trái phép tiến hành tháo dỡ tất cả bảng hiệu để trả lại nguyên trạng và thông báo cho người dân mua đất nền dự án “ma” của Alibaba đến công an tố cáo.
Theo Bộ Công an, đến thời điểm này đã xác định được Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã bán 40 dự án “ma” tại 4 tỉnh, thành phố là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP.HCM. Trong đó, Đồng Nai là nơi mà Alibaba rao bán nhiều dự án “ma” nhất với 29 dự án (huyện Long Thành 27 dự án, huyện Xuân Lộc 1 dự án và huyện Nhơn Trạch 1 dự án). Đến nay đã có hơn 6.700 khách hàng mua đất nền của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và số tiền đưa cho công ty này là hơn 2.560 tỷ đồng. Riêng Đồng Nai có hơn 600 khách hàng mua đất của Alibaba, số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo cafef
Sale Alibaba đã dụ cả bạn bè, người thân vào tròng như thế nào?
Bằng việc đưa ra những mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn, nhiều sale Alibaba dụ cả bạn bè, họ hàng và thậm chí là người thân trong gia đình đồng sở hữu tài sản với mình.