LTS: Đến hẹn lại lên, năm hai lần họp phụ huynh đầu mỗi học kỳ phụ huynh rỉ tai nhau "đến nộp tiền là chính". Dù mặc định nhiệm vụ "bất khả kháng" phải tham gia các dịch vụ trường học đưa ra: Quỹ tự nguyện, quỹ thu hộ, bảo hiểm y tế, dịch vụ thư điện tử, học thêm...nhưng số đông ra về mang theo nỗi ấm ức. Ngoài các dịch vụ đó họ còn bị "chặt chém" các khoản của Ban phụ huynh lớp đưa ra, ít nhiều cũng phải đóng thêm 500.000 - 700.000 đồng/ cháu/ học kỳ để trang trí lớp học, để hỗ trợ giáo dục....Cũng từ đây, những bức xúc nổ ra. Từ thực tế thâm nhập trường học và thu thập ý kiến của phụ huynh VietNamNet đăng tải loạt bài "Những dịch vụ hốt bạc ngang nhiên thâm nhập trường học?" phác họa một phần "thị trường giáo dục" du nhập trường học ngay từ cấp phổ cập lâu nay và ngày càng tinh vi dưới mác "tự nguyện". |
Chưa hết năm học, con đã nhận phiếu mua sách
Trong cuộc trò chuyện phiếm trước khi vào họp phụ huynh tổng kết năm học vừa qua, anh Bùi Xuân Mỹ- Hội trưởng Hội phụ huynh lớp 6 tại một trường THCS có tiếng ở Hà Nội nói: “Có lẽ phải đề nghị với Ban Giám hiệu nhà trường và phường sở tại cho dẹp bỏ hết các quán ăn kinh doanh ở cổng trường”. Lập tức, nhiều phụ huynh khác lên tiếng ủng hộ. “Làm thế nào được, không khéo người ta có phần trăm chia cho cả nhà trường lẫn cơ quan chức năng khác cũng nên”- tiếng một vị phụ huynh khác cất lên vẻ tuyệt vọng.
Ảnh có tính chất minh họa |
Tình trạng quán xá kinh doanh ngay trước cổng trường vẫn chưa được coi là kinh doanh lấn sân vào trường học, bởi nói gì thì nói đó chỉ là hoạt động thuận mua, vừa bán, nó không thể gây phiền phức cho phụ huynh.
Nhưng, chị Ngân có con trai học một trường tiểu học công lập có tiếng ở Hà Nội bức xúc: "dịch vụ làm tôi khó chịu nhất là chưa hết năm học (còn khoảng tháng nữa) bán sách giáo khoa trong nhà trường. Vì chưa biết con có lên lớp hay không - mà cách ngày thi cả tháng cháu đi học về rối rít "mẹ đăng ký mua sách lớp 4 cho con, mai hết hạn...". Dù nghĩ nhà trường "chu đáo" nhưng không thể không đặt vấn đề: nhỡ cháu không lên lớp thì mua sách về để làm gì?
Trường hợp khác, khi đứa con gái của mình đã lên lớp hai, chị Nguyễn Hà Thu vẫn nhớ như in hình ảnh một bà mẹ phát khóc vì ất lung tùng trước sự đòi hỏi của con mình.
Chị kể: “Nhà trường cho các hãng sữa vào tiếp thị, bán sản phẩm kèm khuyến mại đồ chơi ngay tại sân trường. Lúc tan học, cháu nào cũng đòi cha mẹ mua sữa, thường thì các cháu đòi mua vì được tặng thêm đồ chơi chứ sữa gần như nhà nào cũng đã có sẵn loại các cháu thích uống. Mua sữa ở sân trường, tôi thấy một bà mẹ ra sức kéo vật một cháu bé đang gào khóc đòi mua sữa. Đôi mắt người mẹ ấy đỏ hoe. Tôi đoán là có thể người mẹ này tình cờ quên mất ví, chứ con cái ở tuổi mẫu giáo mà gào khóc đòi mua như thế thì chưa mẹ nào nỡ chối từ”.
Số đông phụ huynh được hỏi đều cảm thấy khó chịu và không hài lòng trước việc một số doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận đẩy hoạt động kinh doanh của mình vào trường học và được nhà trường "bắt tay" kiếm lời.
“Ngoài chuyện bán
sữa, việc đưa một số loại báo, tạp chí vào bán cho học sinh cũng khiến nhiều phụ huynh
khó xử. Tiếng là tự nguyện, mua thì mua, không thì thôi nhưng khi cô giáo phổ
biến dịch vụ như thế thì ít phụ huynh từ chối. Với những gia đình rất khó khăn, thu nhập thấp thì mỗi khoản thu thêm một gánh nặng. Mà không cho con tham gia thì sợ con bị lạc lõng, bị phân biệt đối xử..." - chị Hà suy tư.
"Tôi nghĩ, nhà trường là chỉ dạy và học”- chị nói.
…Phức tạp du lịch, rách việc tin nhắn
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không chỉ bó hẹp vào riêng sữa, văn phòng phẩm, các dịch vụ khác như dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống, tính toán nhanh…mà còn bùng nổ ở không ít dịch vụ khác.
Cách đây chừng bốn tháng, cô con gái đang học cấp hai của chị Bùi Thị Mai về nói với chị. “Sắp tới, trường con tổ chức đi Malaisia mười ngày mẹ cho con đi nhé”.
Cứ nghĩ là đến hè, sau khi thi xong, nhà trường sẽ tổ chức nên chị gật đầu. Không ngờ, khoảng tháng sau, con chị mang về tờ thông báo với nội dung đi du lịch và đến thăm quan một số trường ở một nước trong khu vực Đông Nam Á mười ngày với các giá trên 3.000 USD.
Trớ trêu là thời điểm đi là khoảng hai chục ngày trước kỳ thi cuối năm học. Chị khuyên: “Thế này thì không được con ạ, chỉ còn hơn hai mươi ngày nữa là thi, con đi mất mười ngày, về lại còn up ảnh lên Facebook, bàn tán về chuyến đi với các bạn là không còn thời gian ôn thi. Khi nào thi xong, kể cả trường con tổ chức đi Mỹ, hết bao nhiêu tiền mẹ cũng cho con đi”.
Phản hồi chị nhận lại là trận kêu gào, khóc lóc thảm thiết của cô con gái.
Không thể nào thuyết phục được con, chị Mai bèn bốc máy gọi cho các vị phụ huynh cùng lớp thì hầu như ai cũng trong tình cảnh như vậy.
Điều đáng nói là thời điểm nhà trường và doanh nghiệp liên kết chọn đi rất oái ăm, gần sát với kỳ thi hết năm học của các cháu. Hỏi mới biết, thời điểm đó nước mà các cháu đến du lịch đang có chính sách giảm giá rất mạnh, vì thế nếu đưa được khách đi, công ty sẽ có lãi rất lớn.
Chị nêu ý kiến, các hoạt động kiểu này nhà trường không nên dính vào, mà nên để hội phụ huynh, người ta thích thì tự nguyện tổ chức với nhau. Không nên vì mục đích lợi nhuận kiếm lời trên mức sống khó khăn của nhiều phụ huynh.
Dịch vụ tin nhắn hốt bạc
Chưa hết, dịch vụ tin nhắn với sự tiếp thị không mệt mỏi của cách doanh nghiệp cho đến nay đã gần như chui vào tất cả các nhà trường ở các tỉnh, thành phố lớn.
Không cần phải bàn cãi tác dụng của loại dịch vụ này nhưng nó cũng đặt ra cho phụ huynh, học sinh vô số tình huống dở khóc, dở cười. Cùng một loạt dịch vụ nhưng mỗi trường lại thu một mức giá khác nhau, có trường thu 50.000 - 70.000 đồng/ tháng nhưng có trường lại thu đến 200.000 đồng/ tháng…
Vấn đề gây khó chịu cho người tham gia dịch vụ là chất lượng đầu ra của từng tin nhắn khi mà các trường không thể kiểm soát sai sót?
Tiêu biểu nhất là nhầm điểm. Không hiếm là học sinh được điểm 10 lại nhắn thành điểm 1 do khâu nhập liệu gõ thiêu số 0. Thậm chí, có những phụ huynh ta hỏa khi nhận được tin nhắn khuyết điểm của con nhưng tìm hiểu lại thì là "tin nhắn nhầm"...
Những điều này đã khiến phụ huynh khó chịu vì không phải lúc nào cũng gọi điện cho cô giáo để “phúc khảo” kết quả tin nhắn nên đã mắng oan con và nhiều học sinh uất ức vì sự quá tin vào tin nhắn của cha mẹ. Điều này nếu thường xuyên xảy ra sẽ là một yếu tố vô cùng phản giáo dục vì cha mẹ không tin con cái, con cái uất ức vì tình ngay lý gian…
Bạn có gặp bức xúc tương tự xin gửi bài viết hoặc ý kiến tới bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn! |
Bài 2: Loạn quảng cáo du nhập học đường
- Hoàng Thư