Đây là thông tin được chia sẻ trong Báo cáo "Tác động và cơ hội: lý do để đầu tư vào kiểm soát ung thư phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương", được xuất bản bởi Economist Impact và tài trợ bởi Roche. Báo cáo đánh giá gánh nặng của ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở sáu quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam và xác định những thách thức và cơ hội để cải thiện riêng cho từng quốc gia. 

Dự kiến ca mắc ung thư vú, ung thư cổ tử cung sẽ tăng nhanh

Theo Báo cáo "Tác động và cơ hội: lý do để đầu tư vào kiểm soát ung thư phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương", nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư cổ tử cung đối với phụ nữ châu Á - Thái Bình Dương (APAC) cao hơn so với phụ nữ trên toàn cầu. Với các biện pháp can thiệp và hành động chiến lược, có mục tiêu và bền vững, các nền kinh tế mới nổi ở APAC sẽ có vị thế tốt hơn để giải quyết những gánh nặng ngày càng tăng do bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu của WHO đối với cả hai căn bệnh này.

Tại châu Á, số ca mắc ung thư vú dự kiến sẽ tăng 20,9% và tỷ lệ tử vong tăng 27,8% trong giai đoạn 2020-2030. Số ca mắc ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng 18,9% và tỷ lệ tử vong tăng 24,9% trong cùng kỳ. 

Hiệu quả điều trị đối với phụ nữ mắc ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở các nước thu nhập thấp và trung bình (bao gồm Việt Nam) cũng kém hơn do thiếu kiến thức, thiếu tiếp cận dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc chất lượng, kịp thời.

“Báo cáo nhấn mạnh sự khác biệt trong khu vực liên quan đến mức độ sẵn sàng đối phó với ung thư phụ nữ ở mỗi quốc gia. Sự phát triển của WCC mang đến cơ hội thử nghiệm các phương pháp phòng ngừa và kiểm soát khác nhau từ đó giúp cung cấp thông tin để hoạch định chiến lược kiểm soát ung thư của cả quốc gia và khu vực”, TS. Heather White, Giám đốc Điều hành tổ chức TogetHER for Health, thành viên sáng lập của APAC WCC cho biết.

Cấp thiết hành động để giảm gánh nặng do ung thư vú, cổ tử cung

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các chương trình toàn cầu nhằm tăng tốc việc loại bỏ ung thư cổ tử cung và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú điển hình là Chiến lược Toàn cầu để loại bỏ Ung thư Cổ tử cung và Sáng kiến Ung thư Vú Toàn cầu. Dựa trên báo cáo này, APAC WCC hiện đang kêu gọi các quốc gia trong khu vực APAC xác định, kiến tạo và tận dụng các cơ hội để đạt được các mục tiêu của WHO.

Ung thư vú và cổ tử cung tạo gánh nặng kinh tế xã hội không chỉ với phụ nữ mà còn cả gia đình và toàn xã hội, các chính phủ cần ưu tiên tập trung đầu tư kinh phí và nguồn lực. Đầu tư hiện tại ở cả sáu quốc gia trong khu vực còn thấp và cần được cải thiện.

Để làm rõ về các thách thức và cơ hội hiện tại, báo cáo đã tập trung nghiên cứu năm nhóm lĩnh vực chính: chính sách và lập kế hoạch; phòng ngừa và sàng lọc; chẩn đoán và nguồn lực; điều trị và tiếp cận; nhận thức và giáo dục. Một số lĩnh vực đã đạt được những bước tiến ở những mức độ khác nhau trên khắp 6 quốc gia, chẳng hạn như Kế hoạch kiểm soát ung thư quốc gia (NCCP), các chương trình tiêm chủng vắc-xin HPV và các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức. 

Tuy nhiên, còn thiếu các công cụ chẩn đoán quan trọng đối với ung thư vú và cổ tử cung tại các bệnh viện công, chẳng hạn như chụp nhũ ảnh, sinh thiết, giải trình tự gene thế hệ mới, chụp CT và xét nghiệm di truyền. Nhiều thách thức còn tồn tại trong việc giải quyết chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc ung thư ở khu vực nông thôn và khó khăn.

Ông Ahmed Elhusseiny, Tổng Giám đốc Roche Pharmaceuticals khu vực châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: "Các kết quả cho thấy các quốc gia cần ưu tiên cải thiện sức khỏe phụ nữ bằng các chính sách hỗ trợ, đưa ra kế hoạch cụ thể và phương pháp đo lường, cải thiện công tác tầm soát và phòng ngừa và điều chỉnh các phương pháp tiếp cận để cải thiện khả năng tiếp cận công bằng. Đồng thời cần xúc tiến hợp tác để cải thiện năng lực và ngân sách, cũng như nâng cao nhận thức nhằm đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới về ung thư vú và loại bỏ ung thư cổ tử cung." 

Để giúp các quốc gia được các mục tiêu của WHO về ung thư cổ tử cung và ung thư vú, báo cáo kêu gọi một số hành động, bao gồm:

- Theo dõi sát sao tiến độ bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, sàng lọc và hiệu quả điều trị đối với ung thư cổ tử cung và ung thư vú;

- Đẩy nhanh triển khai các chương trình tiêm chủng quốc gia đối với HPV và sàng lọc ung thư để cải thiện hiệu quả phòng ngừa;

- Chính phủ nên ưu tiên các bệnh ung thư ở phụ nữ bằng cách đặt trong những lĩnh vực chính sách quan trọng để đạt được các mục tiêu quốc gia về tiêm chủng, sàng lọc và điều trị;

- Chính phủ và các tổ chức tài trợ toàn cầu nên xây dựng và triển khai các mô hình tài trợ hiệu quả và bền vững;

- Hỗ trợ những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bằng cách đảm bảo rằng lộ trình chuyển tuyến và điều trị được xác định theo tiêu chí rõ ràng.

Ông Lance Little, Giám đốc Roche Diagnostics Khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Báo cáo cho thấy rõ rằng cần đầu tư và hành động để giải quyết các xu hướng đáng báo động về bệnh ung thư ở phụ nữ. Thông qua cách tiếp cận tổng thể từ toàn bộ các đối tác trong ngành chăm sóc sức khỏe, chúng ta có thể giải quyết các thách thức và các vấn đề nổi cộm. Những cải thiện này sẽ tạo ra tác động tích cực cho hàng trăm nghìn phụ nữ trong khu vực đang sống chung với bệnh ung thư và hy vọng sẽ giúp bảo vệ nhiều phụ nữ hơn nữa khỏi mối đe dọa của bệnh ung thư trong tương lai.” 

Doãn Phong