- Trước thềm Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI ngày 12/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhìn lại 5 năm thực hiện sứ mệnh nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong công cuộc phát triển đất nước.
Phụ nữ làm chính trị, kinh tế
Trong hơn 15 năm qua, Việt Nam luôn có nữ Phó Chủ tịch nước. Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu duy trì ổn định, nhiệm kỳ 2007-2011 là 25,76%, xếp thứ 31 trên thế giới. Ở các cơ quan dân cử địa phương, tỷ lệ đại biểu nữ cũng tăng mạnh.
Phụ nữ ngày càng đảm nhận nhiều trọng trách trong các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Mặc dù tỉ lệ này còn khiêm tốn song cho thấy chiều hướng tăng lên trong những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới.
Tham gia chính trị là thực hiện quyền bình đẳng cao nhất của phụ nữ trong hoạch định chính sách, góp phần xây dựng và thực thi pháp luật, đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới. Để phụ nữ tham chính hiệu quả hơn, Đảng, Nhà nước cần coi quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ nguồn làm công tác lãnh đạo, quản lý là công việc quan trọng và thường xuyên. Song song với đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ trong xã hội về hiệu quả đầu tư cho phụ nữ, góp phần phát triển bền vững, đảm bảo công bằng xã hội.
|
Ảnh minh họa: TTXVN |
Lĩnh vực kinh tế càng chứng kiến nhiều sự mạnh mẽ, cần cù, vượt khó của chị em với nhiều nữ doanh nhân ghi dấu ấn trên thương trường. Phụ nữ Việt Nam chiếm gần một nửa lực lượng lao động, vì vậy khi làm giàu cho chính mình và gia đình, họ trực tiếp góp phần vào sự phồn thịnh của đất nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng đánh giá các doanh nhân nữ Việt là "những tấm gương tiêu biểu cho bản lĩnh, sức chịu đựng, sự sáng tạo, năng động và sức vươn lên trong khó khăn, thử thách, góp phần tích cực duy trì sự ổn định và khôi phục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội…”.
Thực sự, họ không chỉ kiên trì, bền chí, sáng tạo, năng động và linh hoạt trong kinh doanh mà còn nhân hậu, có tâm trong lãnh đạo - quản lý, luôn cầu thị và lắng nghe tiếng nói, nhu cầu của nhân viên và khách hàng, sống trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Sự vững vàng của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và quản lý trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của phụ nữ trong phát triển kinh tế đất nước.
Họ rất cần được tiếp cận các nguồn lực cơ bản phục vụ sản xuất như vốn, kiến thức, thông tin, kỹ năng sản xuất... Trong gia đình, họ cần người thân, đặc biệt là nam giới, chia sẻ trách nhiệm để có thời gian nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động và học tập để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.
Thực hiện luật Bình đẳng giới và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, 5 năm qua, phụ nữ cũng ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các lĩnh vực xã hội. Nữ sinh viên chiếm trên 50% trong các trường đại học, cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, với 40% có trình độ thạc sỹ, trên 21,4% có học vị tiến sỹ, 14,08% là giáo sư và 37,67% là phó giáo sư.
Thực tế cho thấy phụ nữ Việt Nam có thể nắm bắt nhiều cơ hội để vươn lên trong xã hội. Nhưng cơ hội không phải có sẵn cho tất cả phụ nữ. Để thực sự đạt được bình đẳng giới, vẫn còn những trở ngại, đòi hỏi sự nỗ lực của từng phụ nữ, nam giới và cộng đồng.
Vẫn còn nhiều nguy cơ với phụ nữ
Trong xã hội vẫn còn không ít những hoàn cảnh đáng buồn như phụ nữ bị bạo hành gia đình, nữ công nhân phải sống trong những điều kiện tồi tệ, phụ nữ đi làm thuê bị chủ hành hạ, trẻ em nữ bị đánh đập, xâm hại… khiến dư luận đau lòng và bức xúc.
Trong nhiều năm qua, nhiều CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, các mô hình địa chỉ tin cậy như nhà tạm lánh với tên gọi “Ngôi nhà bình yên”… được thành lập nhằm thiết thực chăm lo, bảo vệ, hỗ trợ những nhóm phụ nữ yếu thế. Nhưng tình trạng trên vẫn còn phổ biến do nguyên nhân chính nằm ở quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ”, tư tưởng gia trưởng, gia quyền còn nặng.
Nhận thức về giới và bình đẳng giới cũng còn hạn chế. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, luật Bình đẳng giới đã có hiệu lực nhưng thực hiện chưa nghiêm túc. Sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước nạn bạo hành gia đình còn hạn chế, nhiều chị em còn thiếu tự tin, cam chịu.
Trình độ học vấn, năng lực nghề nghiệp, đặc biệt là sự chênh lệch về nghề nghiệp giữa vợ và chồng là một trong những yếu tố khách quan gây nên nạn bạo hành gia đình.
Trong những năm qua, tình trạng phụ nữ Việt Nam bị môi giới lấy chồng nước ngoài, đặc biệt là Đài Loan, Hàn Quốc cũng nổi lên, gây lo ngại trong dư luận và đến nay vẫn chưa giảm. Có nhiều trường hợp cô dâu Việt bị bạo hành, bị giết ở đất khách.
Tâm lý của một bộ phận phụ nữ rằng lấy chồng nước ngoài sẽ giàu có, đổi đời nhanh chóng đã khiến họ kết hôn “4 không” (không biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang lấy chồng; không hiểu biết người định kết hôn; không biết hoàn cảnh gia đình người định kết hôn; không tình yêu). Do đó khi sang làm dâu xứ người, chị em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thậm chí bất hạnh, nguy hiểm tính mạng.
Hội phụ nữ đến nay đã thành lập 18 Trung tâm hỗ trợ kết hôn ở những địa bàn có đông phụ nữ kết hôn với người nước ngoài ở 18 tỉnh, thành, với mục tiêu chuyển từ tình trạng kết hôn “4 không” sang kết hôn “5 biết” (biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; biết hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn; hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân nước ngoài thành công và thất bại của những chị em đi trước) để các cô dâu giữ được hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, xây dựng gia đình hạnh phúc, hạn chế tình trạng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài theo con đường môi giới bất hợp pháp.
Chung Hoàng