{keywords}
Phụ nữ xã Quảng Nguyên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng thôn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xã Quảng Nguyên (Xín Mần, Hà Giang) là địa phương có điều kiện phát triển về chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, người dân ở đây thiếu vốn để đầu tư chuồng trại, dụng cụ sản xuất.

Năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với Quỹ Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển huyện Xín Mần (Hà Giang) thành lập 8 nhóm Tiết kiệm tín dụng với mục tiêu huy động vốn và hỗ trợ vốn vay giúp chị em có nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh...

Nguồn vốn hỗ trợ 100% là 40 triệu đồng/nhóm. Ngoài ra, các nhóm tín dụng này vận động chị em phụ nữ trong toàn xã đóng quỹ mỗi tháng là 20 nghìn đồng, coi như gửi tiết kiệm. Sau đó, dùng số tiền đó giúp đỡ, hỗ trợ thêm nhiều chị em được vay vốn ưu đãi, có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Từ 8 nhóm Tiết kiệm tín dụng quy mô nhỏ, đến nay xã có 16 nhóm với hơn 200 thành viên trên địa bàn các thôn, bản.

Một số nhóm tiết kiệm tín dụng sau một thời gian hoạt động hiệu quả đã tự nguyện đóng tiền nộp tiết kiệm hàng tháng vượt mức tối thiểu như: Nhóm thôn Nặm Choong, Quảng Thượng, Quảng Hạ…

Nguồn vốn vay ưu đãi từ nhóm Tiết kiệm tín dụng đã trở thành “đòn bẩy” hỗ trợ nhiều chị em từng bước cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Để phát huy hơn nữa, nhiều nhóm tiết kiệm các thôn: Quảng Thượng, Vinh Tiến, Quảng Hạ đã liên kết với Chương trình CPRP (Chương trình giảm nghèo bền vững dựa trên phát triển hàng hóa) để thành lập các nhóm sở thích chăn nuôi trâu sinh sản, lợn đen hoạt động rất hiệu quả.

Nhóm tín dụng thôn Quảng Hạ là một trong những nhóm đi đầu về xây dựng quỹ Tiết kiệm tín dụng bởi thôn có nhiều chị em tham gia nhóm và phát triển chăn nuôi hiệu quả nhờ nguồn vốn của quỹ để thoát nghèo.

Trường hợp điển hình trong số hội viên vay vốn từ nhóm tiết kiệm tín dụng là chị Hoàng Thị Diễm (thôn Quảng Hạ).

Chị Diễm tham gia nhóm tín dụng và đăng ký vay vốn với số tiền 4 triệu đồng, nuôi lợn sinh sản. Bằng nguồn vốn vay đó, gia đình chị đã có đàn lợn giống đang phát triển. Hàng tháng chị trả vốn đúng kỳ hạn. Thấy kết quả tốt, chị mạnh dạn vay thêm 10 triệu đồng, mở rộng quy mô. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị cải thiện, từng bước thoát khỏi cái đói, cái nghèo đeo bám.

Chị Hoàng Thị Toan, phụ trách nhóm Tiết kiệm tín dụng của Hội phụ nữ xã Quảng Nguyên chia sẻ:

“Ở các xã vùng cao, người phụ nữ hầu như không nắm vai trò quyết định kinh tế trong gia đình. Họ muốn tham gia các mô hình phát triển kinh tế phải có sự đồng thuận của chồng hoặc bố mẹ.

Trước khi thành lập nhóm Tiết kiệm, chi Toan cùng các thành viên đến từng nhà vận động, thuyết phục gia đình các hội viện, để các chị em được tham gia.

Mưa dầm thấm lâu, bên cạnh các lợi ích về việc phát triển kinh tế, nhóm tiết kiệm tín dụng có chính sách, quy chế hoạt động là thường xuyên quan tâm, thăm hỏi các thành viên gia đình hội viên khi có ma chay, cưới xin, ốm đau và sinh đẻ… Nhờ đó, nhóm Tiết kiệm đã tạo được niềm tin với các gia đình.

Chị Toan thông tin thêm, mặc dù có nhiều thành tựu đáng mừng nhưng các nhóm Tiết kiệm tín dụng vẫn còn gặp một số hạn chế như: Nhu cầu vay vốn thấp, giải ngân chậm so với chỉ tiêu đặt ra…

Nhiều hội viên làm đơn rút tiết kiệm do đã rời địa bàn đi lao động ngoài tỉnh, một số Nhóm trưởng giao dịch không đều do không họp được nhóm, không thu được tiền quỹ.

Do đó, phụ nữ xã vẫn còn nhiều thiệt thòi trong tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, bởi những khoản vay lớn lãi suất cao, nhóm Tiết kiệm tín dụng không dám quyết định.

Việc thành lập, mở rộng các nhóm Tiết kiệm tín dụng đã tích cực thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho chị em; từ đó tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần vào sự phát triển KT – XH chung của địa phương.

Bài: Trần Duy Khánh - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV