Phú Quốc (Kiên Giang) hôm nay có mưa lớn gây ngập nặng ở nhiều nơi, trong đó có nơi ngập sâu gần 2m.
Chị Lê Thị Thanh Tuyền ở thị trấn Dương Đông cho biết: "Từ sáng trời đã bắt đầu mưa, tới chiều thì mưa to và nước dâng cao rất nhanh nên tôi chạy sang nhà hàng xóm xin ở nhờ".
Từ chiều 8/8, ở đảo ngọc Phú Quốc tiếp tục có mưa to gây ngập sâu nhiều nơi |
Ông Hồ Văn Khương cho biết, hôm nay là ngày thứ 7 liên tiếp dân Phú Quốc chịu cảnh nước lũ bao quanh nhà.
“Nhiều bà con bây giờ rất khổ vì không có nhà ở, phải tá túc ở những nhà không bị ngập. Họ cần hỗ trợ, mì, gạo... để ăn uống vì không đi làm được", ông Khương chia sẻ.
Đến tối nay, trời vẫn mưa to ở Phú Quốc, các tuyến đường ở thị trấn Dương Đông như CMT8, Nguyễn Trung Trực… bị ngập rất nặng.
Nước ngập sâu khiến cuộc sống người dân khốn đốn |
Hội chữ thập đỏ huyện cũng bắt đầu tổ chức nấu cơm mang đến khu phố phát cho người dân ngày 2 buổi.
Chính quyền địa phương đang tích cực thống kê số hộ dân bị ảnh hưởng và kêu gọi mọi người hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Hối hả ôm con chạy ngập |
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (từ cơn bão số 3 suy yếu) hầu hết trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa dông, gió mạnh. Riêng tại huyện đảo Phú Quốc, lượng mưa đo được trong 4 ngày là 501,2mm, đây là lượng mưa kỷ lục diễn ra trong thời gian ngắn.
Tình trạng ngập cục bộ, thiệt hại lớn nhất là thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương.
Theo thống kê, tổng số km đường trên toàn huyện bị ngập là 34km, với độ sâu nước ngập trung bình là 0,6m, có nơi lên đến 1,5m. Có 14 căn nhà bị tốc mái và sập. Hơn 3.800 căn nhà bị nước ngập, gây thiệt hại hơn 35 tỷ đồng. Các vật dụng và tài sản khác trong nhà người dân bị hư hỏng, thiệt hại 31,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn thiệt hại về hoa màu, gia cầm và thủy sản. Tổng thiệt hại trong trận “đại hồng thủy” vừa qua ước khoảng 68,4 tỷ đồng.
Nguồn thoát nước bị bưng bít
Theo ngành chức năng, Phú Quốc bị ngập lịch sử là do tình hình biến đối khí hậu. Trong đó chỉ từ ngày 2 -5/8, lượng mưa lớn đổ xuống trong thời gian ngắn; đồng thời trùng với thời điểm nước biển dâng cao, gây thoát nước từ sông, suối ra bị cản trở...
Hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2003; quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống thưa thớt.
Song hiện nay, Phú Quốc phát triển nhanh, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh của người dân phát triển nhiều hơn trước nên hệ thống hạ tầng về thoát nước đã quá tải.
Ngoài ra, các khu vực này hiện trạng trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp nhưng hiện nay đã được san lấp, hố ga thoát nước bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác thải và đất, cát từ các công trình xây dựng, dốc núi.
Cũng như địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm cùng với tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông, suối trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng đến việc thoát nước từ các dốc núi ra biển...
Mưa không ngừng nghỉ, phố núi Đà Lạt chìm sâu trong biển nước
Mưa kéo dài khiến nước suối Cam Ly dâng cao tràn vào khu dân cư gây ngập nhiều tuyến đường tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Thanh Sang