Phú Thọ là một trong những địa phương có nhiều nông sản mang tính đặc trưng, đặc sản và có lợi thế để triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có thể kể đến như bưởi Đoan Hùng, mỳ gạo Hùng Lô, chè đinh Hoài Trung, gà nhiều cựa Tân Sơn, chè xanh, thịt chua Thanh Sơn, gà cựa Tân Sơn, chuối phấn vàng, gạo nếp Gà Gáy, khoai tầng vàng...

Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển cây chè do đây là cây trồng chủ lực, mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao.  

Việc thực hiện quyết định phê duyệt chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa tại các huyện Đoan Hùng, Hà Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm nông sản, các sản phẩm đặc sản địa phương, tạo sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà cả ở khu vực miền núi của tỉnh.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP được triển khai rộng rãi

Trong triển khai thực hiện chương trình OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm, tỉnh Phú Thọ đã có các sản phẩm tiêu biểu được đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã với 139 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó số sản phẩm đạt 3 sao nhiều gấp đôi số sản phẩm 4 sao.  

Tỉnh đặt mục tiêu có thêm 62 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn trong năm 2023, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên có hơn 200 sản phẩm. Tỉnh cũng phấn đấu có thêm có ba sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia (5 sao). Điều này mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời quảng bá văn hóa vùng Đất Tổ.

Các sản phẩm OCOP tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Nhiều sản phẩm của các địa phương trong tỉnh đã gây dựng được thương hiệu, gồm: Hồng không hạt Gia Thanh của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Nông nghiệp Gia Thanh (xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh); chè đinh cao cấp Hoài Trung (huyện Thanh Ba); Bưởi Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng); Mì gạo lứt - Lâm Thao của HTX Thực phẩm xanh (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao); gà nhiều cựa (huyện Tân Sơn); Trà Đinh Lăng sấy lạnh - Maika food, Trà xanh Sencha - Maika food của Công ty TNHH Maika food (xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy); cá thính Đồng Nung của HTX Nông nghiệp Thượng Nông (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông)… cùng nhiều sản phẩm khác như Đông trùng hạ thảo khô (xã Xuân Viên, huyện Yên Lập), mật ong rừng (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy), cá thính Đồng Nung (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông)…

Việc chú trọng sản xuất hàng hóa, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương của tỉnh Phú Thọ với các giải pháp nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP.

Thông qua các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương như tại huyện Thanh Ba, hợp tác xã Đỗ Xuyên đã có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Những sản phẩm này đều có tiềm năng lớn để hợp tác xã nâng cấp trở thành sản phẩm OCOP 5 sao.

Huyện Yên Lập, huyện miền núi Thanh Sơn, huyện Tam Nông cũng xây dựng các sản phẩm OCOP thế mạnh đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao như nếp Gà Gáy Mỹ Lung; mật ong hoa hồng, mật ong Phúc An; Trà thảo mộc tầm gửi cây gạo xã Hiền Quan; rượu Thảo Xuân xã Mỹ Lung, cá thính Đồng Nung; Đông trùng hạ thảo khô, dưa lê, ổi sạch, dưa leo baby của HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên… trong đó sản phẩm nếp Gà Gáy Mỹ Lung đã được nâng hạng lên 4 sao.  Các huyện của tỉnh Phú Thọ đều tăng cường phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP.

Riêng huyện Yên Lập cũng đăng ký có 19 sản phẩm đạt OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng khác của các huyện cũng đang tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Gắn du lịch với các sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP được chú trọng để đẩy đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Các sản phẩm OCOP đã được công nhận của tỉnh cần được xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý tốt nhãn hiệu.

Ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm miền núi, vùng DTTS vươn xa

Thị trường thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, vì vậy việc ứng dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ đang diễn ra sôi nổi.

W-phutho.png
Ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm miền núi, vùng DTTS vươn xa

Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm cũng là nguồn ưu tiên để phát triển thành sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ. Từ đó nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.  

Đối với các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm mới, thực hiện phát triển sản phẩm theo chu trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể định hướng, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm; tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm thành sản phẩm OCOP.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm có thế mạnh theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó hỗ trợ, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, phát triển và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng là những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm chủ lực.  

Để tăng lượng tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP. Khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, các tổ chức kinh tế, cá nhân phát triển sản xuất nông sản thực phẩm hàng hóa đặc trưng có tiềm năng lợi thế của địa phương gắn với phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển các làng nghề nông thôn gắn với dịch vụ du lịch, đồng thời tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp, phát triển sản phẩm OCOP ở hạng sao cao hơn.

Nhóm PV